vĐồng tin tức tài chính 365

Cách trừng trị quan dung túng buôn lậu dưới thời phong kiến

2020-08-24 19:07

Điều 221 Quốc triều hình luật quy định: Quan triều đình đi sứ nước ngoài mà chỉ lo buôn bán sẽ phải chịu tội biếm (giáng chức) hay đồ (đày khổ sai). Nếu vật quý, lạ là sách vở và thuốc men cho phép được mua song khi về đến quan ải phải khai rõ từng thứ. Ai giấu giếm đều phải xử tội biếm hay bãi chức. Tài sản bị tịch thu sung công.

Với chủ thuyền là người Vân Đồn, nếu chở hàng hóa từ Trung Quốc lên kinh thành mà không có giấy của An Phủ ty cấp cho, khi đến bến Đông Triều lại không tới kho Đề bạc ty kiểm soát mà hàng đem đi bán lén lút sẽ bị giáng chức một bậc và phạt 100 quan tiền. Người có công tố cáo hành vi này được thưởng một phần ba số tiền phạt.

Thuyền to từ nơi khác đến, khi cập bến phải kê khai. Chủ thuyền không khai báo thì phạt 100 trượng (đánh gậy). Hình phạt này cũng áp dụng với hành vi khai báo gian dối. Quan viên, binh lính nhận hối lộ để "làm ngơ" cho hành vi buôn lậu sẽ bị trừng phạt nặng, điều 133 Hoàng Việt luật lệ nêu.

Ở địa phương ven biển, quan sở tại hay người dân nếu tổ chức bắt kẻ buôn lậu sẽ được thưởng hết tang vật. Viên quan nào bị phát hiện có hành vi ăn tiền, cố ý tha cho kẻ buôn lậu thì căn cứ số lượng tang vật để định mức phạt về tội nhận hối lộ.

Vua Minh Mệnh từng nói: Nếu ta ban ơn, những kẻ buôn lậu không những không cảm kích mà còn cho rằng đồng tiền của chúng có thế lực. Rồi những kẻ thân cận với bọn quyền thế xúi giục và huênh hoang khoác lác làm lộn bậy lẽ phải trong nước. Thành ra, ta bị bọn chúng mê hoặc mà làm sai pháp luật, dung túng kẻ gian. Quốc thể còn ra gì nữa.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Thự Hiệp trấn (quan văn với chức vị cao thứ hai tại một trấn) Hà Tiên là Nguyễn Hựu Dự khi xử lý thuyền người Thanh đến buôn bán, buôn lậu thuốc phiện đã tịch thu tài sản với giá trị hai vạn quan tiền. Nhưng nộp vào ngân sách chỉ có ba nghìn. Hành vi xà xẻo bị phát hiện, vua Minh Mệnh hạ lệnh cách chức Nguyễn Hựu Dự, giao xét xử.

Năm Tự Đức thứ 10 (1857), Vũ Phác, Trương Hữu Đạo do nhận hối lộ rồi mặc cho thuyền buôn chở lậu gạo cũng đã bị cách chức, đánh 60 gậy, buộc đi đày một năm.

Dưới triều Nguyễn, quan lại thông dâm đều bị phạt nặng hơn người thường. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), Bộ Hình dâng tập tấu án của tỉnh Sơn Tây về việc lý trưởng Phùng Văn Toàn (người đứng đầu coi việc hành chính cấp xã) tố cáo người cùng xã Nguyễn Văn Tham có hành vi bắt người tống tiền. Vì việc này, Tham bị phạt đi làm lính. Ở nhà, Toàn thông gian với thiếp của Tham là Đỗ Thị Thường, sinh hai con trai.

Khi tra xét, Toàn không thừa nhận nhưng Thường và hàng xóm đã có lời khai minh chứng việc này. Toàn và Thường sau đó đều bị phạt giảo giam hậu (kết tội thắt cổ nhưng giam lại đợi).

Năm Thành Thái thứ 6 (1894), tại huyện Bình Khuê, Bình Phú, Hồ Đức Hoài là Hương chánh (chức trong Hội đồng Hương chức ở làng xã) thông gian với người tên Ân đã có chồng, dẫn đến có thai. Ân gần đến ngày sinh thì bị vợ Hoài là Tiến đầu độc đến chết. Hoài không can ngăn, còn thuê người vứt xác phi tang nên cũng bị kết án trảm giam hậu.

Trước đó, năm Tự Đức thứ 11 (1858), tại Hà Tiên, Phan Văn Công là lính Đội 1 tố cáo Suất đội Nguyễn Viết Kỳ (võ quan chỉ huy phó một đội) thông dâm với vợ mình - Hoàng Thị Quy.

Vợ chồng Kỳ kết hôn được 4 năm, có một con trai. Do bất hòa khi chung sống, Quy về ở với họ hàng và sinh thêm con gái trong thời gian này. Công nghi vợ ngoại tình nên thưa kiện, xin cứu xét.

Suất đội Kỳ khai vợ chồng có mua Quy làm thiếp. Nhưng quan tra xét xác định khi đó Quy vẫn đang là vợ của Công nên quan hệ này bị xác định có tình ý thông gian. Hơn nữa, suất đội Kỳ có trách nhiệm quản lý quân binh mà lại mua vợ của thuộc cấp làm thiếp nên cần bị phạt nặng.

Hồng Nhung

Xem thêm: lmth.6721514-neik-gnohp-ioht-ioud-ual-noub-gnut-gnud-nauq-irt-gnurt-hcac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách trừng trị quan dung túng buôn lậu dưới thời phong kiến”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools