Văn bản hỏa tốc của Bình Thuận gửi Đồng Nai - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng trong ngày 31-7, xe dẫn đường của cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện việc dẫn, đưa đoàn công nhân người Ninh Thuận, Bình Thuận về quê bằng xe máy và xe ô tô với hơn 1.000 người.
Trong đó, số người Bình Thuận đi bằng xe máy sau khi theo đoàn vào địa phận tỉnh đã tự tách ra, về các địa phương trong tỉnh mà không có sự kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng.
Bình Thuận cho rằng việc tổ chức và dẫn đoàn như trên mà không thông báo, phối hợp dẫn đến người từ Đồng Nai về bằng xe máy không được kiểm soát chặt chẽ, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Nhiều người về tỉnh Bình Thuận đã không khai báo y tế để cách ly theo quy định.
Ngày 31-7, nhiều công nhân Ninh Thuận, Bình Thuận trở về quê bằng xe máy sau khi có xét nghiệm âm tính - Ảnh: A LỘC
Để đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc tại chỉ thị số 16, Bình Thuận đề nghị Đồng Nai dừng việc dẫn, đưa đoàn người về bằng xe máy và ngang qua tỉnh khi chưa có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai tỉnh.
Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp ngay toàn bộ danh sách người từ địa phương này về tỉnh Bình Thuận trước ngày 2-8.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối cùng ngày, một lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Thuận cho biết việc dẫn đoàn này do hai địa phương Đồng Nai và Ninh Thuận phối hợp thực hiện.
Khi ngang qua địa phận mình quản lý, cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Thuận chỉ hỗ trợ mặt an ninh trật tự.
Cụ thể, lực lượng cảnh sát giao thông của Ninh Thuận đã chờ tại khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai với Bình Thuận. Khi cảnh sát giao thông Đồng Nai dẫn đoàn ra đến đoạn giáp ranh này thì đến lượt cảnh sát giao thông Ninh Thuận dẫn đi tiếp tục đoạn đường còn lại.
Khi nắm được thông tin trên, tỉnh Bình Thuận đã nghe các ngành báo cáo và yêu cầu các huyện, thành phố truy tìm những công nhân đã trở về địa phương. Đồng thời có văn bản hỏa tốc gửi tỉnh Đồng Nai đề nghị phối hợp, cung cấp danh sách nhằm truy vết số công nhân trở về địa bàn để đưa đi cách ly theo quy định.
Một gia đình công nhân theo đoàn chở con trở về quê - Ảnh: A LỘC
Trước thông tin Bình Thuận phản ứng về cách phối hợp chống dịch, ông Nguyễn Văn Thuộc - bí thư huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) - cho hay: "Huyện bố trí xe ca, xe tải, xe y tế thực phẩm và cử người theo để hỗ trợ đưa khoảng 1.300 công nhân ở Ninh Thuận trở về quê ngang qua Bình Thuận và Ninh Thuận cử lực lượng để đón. Trong ngày, huyện không tổ chức đưa công nhân nào quê Bình Thuận về mà chỉ giải quyết cho những người ở Ninh Thuận về sau khi lãnh đạo tỉnh làm việc với địa phương này".
Vậy có bao nhiêu công nhân Bình Thuận đã rời Đồng Nai trở về quê và việc phối hợp ra sao? Ông Nguyễn Hữu Nguyên - chủ tịch UBND TP Biên Hòa - cho biết: "Trước đó thành phố có phối hợp với phòng và Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Thuận để gửi danh sách hơn 80 người. Tuy nhiên, người lao động nghe tin đã đăng ký thêm và có phát sinh nên số lượng tăng thêm hơn 120 người, phải bổ sung muộn danh sách gửi về Bình Thuận".
Theo ông Nguyên, trước khi đưa trên 200 công nhân quê Bình Thuận về quê, TP Biên Hòa đã tổ chức xét nghiệm âm tính hết mới tổ chức đưa đi và không cho ghé bất cứ nơi đâu. "Khi ở Biên Hòa cho xuất phát, chở công nhân đi cũng đã báo cho cơ quan chức năng ở Bình Thuận tiếp nhận" - ông Nguyên khẳng định.
Trả lời PV Tuổi Trẻ Online về sự việc trên, bà Nguyễn Thị Hoàng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Trong ngày tôi chỉ nghe anh em báo cáo đưa số công nhân Ninh Thuận trở về quê. Nếu đưa công nhân Bình Thuận trở về tỉnh họ, theo nguyên tắc Đồng Nai phải phối hợp với Bình Thuận chứ không thể làm như vậy. Tôi sẽ kiểm tra lại việc này".
TTO - Hơn 1.200 công nhân lao động quê Bình Thuận và Ninh Thuận làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã được cơ quan chức năng 'hộ tống' về quê tránh dịch theo nguyện vọng.