Doanh nghiệp ‘3 tại chỗ’ tạm dừng sản xuất, Tiền Giang sẽ xem xét từng trường hợp
Trung Chánh
(KTSG Online) – Liên quan đến việc tạm dừng sản xuất đối với doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh Tiền Giang, địa phương này cho biết, sẽ giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Đội ngũ y tế tầm soát Covid-19 cho toàn bộ công nhân, người lao động của một nhà máy ở Tiền Giang. Ảnh: CDC Tiền Giang |
Tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản trong điều kiện dịch Covid-19" diễn ra chiều nay, 31-7, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay tỉnh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ).
Theo ông Nam, việc này sẽ gây ảnh hương đến các nhà máy thức ăn và doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, nguy cơ gây đứt gãy nguồn cung sản phẩm. “Từ khó khăn đó, Sở NN-PTNT cũng có tham mưu và UBND tỉnh cũng thống nhất sẽ xem xét từng trường hợp”, ông Nam thông tin và nói rằng, nếu doanh nghiệp nào an toàn sẽ cho doanh nghiệp đó hoạt động trở lại nhằm cung ứng sản phẩm thức ăn chăn nuôi và sản xuất chế biến.
Liên quan việc tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu, phía tỉnh Tiền Giang quan tâm, tháo gỡ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang- đơn vị vừa có đơn kêu cứu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi UBND tỉnh Tiền Giang quyết định tạm dừng sản xuất doanh nghiệp “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp- cho biết, đơn vị này đã tổ chức "3 tại chỗ" cho công nhân được 45 ngày qua chứ không phải mới đây. “Chúng tôi thực hiện "3 tại chỗ" và Ban quan lý khu công nghiệp tỉnh cũng đến khảo sát, đánh giá rất tốt”, bà Khanh nói.
Theo bà Khanh, nếu dừng sản xuất “3 tại chỗ”, thì người lao động cũng không được về nhà, bởi công nhân tại nhà máy ở rất nhiều địa phương như: Bến Tre, Vĩnh Long, Long An. Nếu xét nghiệm 100% âm tính rồi cho về cũng là một mối nguy cho xã hội, bởi có thể lây nhiễm trên đường đi hoặc ở quê nhà.
Do đó, bà Khanh đề nghị cần phải giải quyết ngay để doanh nghiệp được hoạt động liên tục, chứ không phải đến ngày 5-8 ngưng, rồi đến ngày 10-8 mới xem xét, thì cũng khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều. “Cho chúng tôi tiếp tục sản xuất, chúng tôi cam kết thực hiện tốt 3 tại chỗ”, bà Khanh nói.