Đối với những người sinh ra thời 8x, 9x trong các gia đình nông thôn, việc thoát ly khỏi vùng quê và lên thành phố lập nghiệp là một niềm tự hào đối với gia đình. Thế nhưng, giờ đây họ đã phải trở về quê nhà và coi đây là sự lựa chọn cuối cùng.
Trong những thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã đổ nguồn lực vào các vùng nông thôn để phát triển nhằm thu hút người trẻ tài năng đến định cư ở nông thôn, thúc đẩy các nền kinh tế nông thôn còn lạc hậu.
Theo Bộ Nông nghiệp, vào năm 2020, có khoảng 10,1 triệu người trở về nông thôn để bắt đầu kinh doanh hoặc tham gia vào việc "đổi mới". Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều thanh niên sống ở thành phố mơ tưởng đến việc "bỏ phố về quê" để chạy trốn áp lực cuộc sống.
Mơ mộng về quê an nhàn, tìm lại chính mình
Trong một nhóm "cuộc sống nông thôn" trên trang mạng xã hội Douban, hàng chục nghìn thanh niên Trung Quốc đã bàn về việc nghỉ hưu sớm để tận hưởng vẻ đẹp bình dị và tự nhiên ở vùng quê.
Ở một mức độ nào đó, sự chuyển dịch này dường như có chút mâu thuẫn. Khi chính phủ thúc đẩy việc mang lại sức sống kinh tế đô thị cho khu vực nông thôn, thì những người trẻ tuổi ở thành thị lại mơ về một cuộc sống an nhàn nơi vùng quê, nơi không bị áp lực bởi công việc và tài chính.
Chang Han, một cây bút tự do kiêm nhà phân tích nghiên cứu tại Học viện Châu Âu về Tôn giáo và Xã hội, được sinh ra và lớn lên tại vùng quê ở An Huy cho biết, trước khi có nỗ lực xóa đói giảm nghèo, quê của cô là nơi có nhiều vùng thuộc An Huy được xếp vào loại "nghèo cùng cực".
Những năm gần đây, lứa cùng thời với Chang Han đều lên thành phố học đại học và làm việc, chỉ một số ít quay trở lại, thường sẽ tìm được việc làm tại các cơ quan chính phủ, hoặc trường học, nơi cho phép họ sống ở những khu đô thị hóa hơn là vùng nông thôn.
Một vài người trẻ tuổi mà cô quen đã trở về nhà ở quê và nói rằng, ngay cả những người sống cùng làng cũng không tán thành sự lựa chọn của họ. Đối với hầu hết những thanh niên nông thôn, động lực để họ di cư và trở về sau này đều là vì kinh tế.
Một nghiên cứu năm 2019 về di cư lao động ở Giang Tô cho thấy, sự lựa chọn rời vùng nông thôn không liên quan đến khả năng kiếm tiền ở những nơi khác. Nói một cách đơn giản và trực diện hơn, ở nông thôn không có việc làm. Mọi người rời khỏi nông thôn lên thành thị không phải vì thành thị tốt hơn, mà là vì họ không có việc làm ở quê.
Lu Dewen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Nông thôn Trung Quốc của Đại học Vũ Hán cũng lập luận rằng, lựa chọn trở về nông thôn phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực địa phương và cơ hội thị trường.
Các lĩnh vực thành công nhất trong việc thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về lại quê thường được đặc trưng bởi mức độ phát triển cao và khả năng tiếp cận nhiều cơ hội thị trường hơn.
Điều này đã được chứng thực bởi những người được Chang Han phỏng vấn. Đa số họ trở về quê vì ghen tị với các chính sách hỗ trợ ở vùng nông thôn Giang Tô và Chiết Giang - hai tỉnh ven biển rất phát triển.
Ngược lại, ở các khu vực như Giang Tây, Vân Nam và An Huy, nơi mức độ phát triển thấp hơn đáng kể, việc trở về nông thôn thường nhàn hạ, ăn không ngồi rồi. Rời khỏi thành phố là việc đơn giản, nhưng để tìm ra việc làm ở nông thôn là một thách thức.
Đời không như là mơ
Ở một số vùng nông thôn, việc thiếu cơ sở hạ tầng và quản trị xã hội hiện đại cũng khiến nhiều người cảm thấy thất vọng khi quay về. Ví dụ như "cuộc cách mạng nhà vệ sinh" do chính phủ thúc đẩy.
Trong khi đó, hầu hết những người trẻ Trung Quốc sống ở thành phố trong thời gian dài đều học được một lối sống tôn trọng các quy tắc, quyền riêng tư và sự độc lập.
Tuy nhiên, trong một xã hội tình làng nghĩa xóm như nông thôn Trung Quốc, hầu như mọi người đều khác biệt, và khái niệm về quyền riêng tư thực tế không tồn tại.
Điều tương tự này cũng xảy ra đối với việc chấp nhận những lối sống thay thế. Do đó, những người trẻ tuổi trở về quê với kinh nghiệm học tập và làm việc tại thành phố thường bị mắc kẹt ở giữa hai hệ thống giá trị.
Những người được Chang Han phỏng vấn đều chỉ ra rằng vấn đề phổ biến nhất mà họ gặp phải là dân làng không đồng ý với các lựa chọn lối sống của họ, bao gồm cả việc không kết hôn và không sinh con.
Một số người thậm chí còn bị chế giễu vì sự lựa chọn trở về quê hương, cho rằng họ thất bại nên mới trở về.
Một sinh viên tốt nghiệp đại học đã làm việc ở Thâm Quyến trong hai năm đã mô tả về sự khinh thường mà cô ấy phải đối mặt từ cha mẹ và hàng xóm sau khi cô ấy nghỉ việc trở về quê làm việc. Trong vòng sáu tháng, cô quyết định đổi ý và quay trở lại thành phố.
Điều này không có nghĩa là nông thôn Trung Quốc là một nơi vô vọng.
Đối với những người trẻ chạy trốn khỏi các thành phố, cuộc sống nông thôn không phải là một thiên đường như trong tưởng tượng. Nói đúng hơn, sự tưởng tượng này là một phản ứng tự nhiên khi họ cảm thấy ngột ngạt nơi chốn thành thị.
Một người khác, từng làm việc ở thành phố lớn Thành Đô trong 4 năm trước khi về quê, nhấn mạnh rằng lựa chọn của cô ấy là hợp lý.
"Khi bạn nhận ra rằng, dù đã làm việc một thời gian dài, bạn vẫn không thể mua được nhà hoặc xe, và không bao giờ được người dân thành thị coi là bình đẳng, lúc này bạn sẽ bắt đầu cảm thấy vô cùng bất lực", cô nói.
Nói tóm lại, điều muốn nhấn mạnh ở đây không phải là nông thôn “tốt” và thành phố “xấu” hoặc ngược lại, mà là nói đến nỗ lực thực sự để giải quyết những bất bình đẳng tồn tại giữa và trong không gian này.
Chỉ khi đó, những người trẻ tuổi mới thực sự được tự do lựa chọn vị trí phù hợp nhất với mình.
Nguồn: Sixthtone
Tiếu Lương
Pháp luật & Bạn đọc