Gói hỗ trợ an sinh lần 2 trị giá 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68) đã được hầu hết địa phương triển khai tới người LĐ. Trong đó, nhóm được ưu tiên đặc biệt là LĐ tự do (lao động khu vực phi chính thức, không có hợp đồng), mức hỗ trợ tối thiếu 50.000 đồng/người/ngày (do địa phương quyết định).
Tuy nhiên, những ngày qua, khi dịch bùng phát mạnh tại TPHCM và một số tỉnh lân cận, rất nhiều người LĐ đã rời phố về quê (cùng tỉnh thành hoặc về quê tỉnh thành khác). Trong đó, đa số là LĐ tự do, làm trong khu vực phi chính thức, nơi làm việc phải đóng cửa phòng dịch..., không còn việc làm nên người LĐ phải về quê. Nếu đã về quê, liệu họ có còn nhận được hỗ trợ từ tỉnh thành nơi mình tới làm việc?
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, với LĐ tự do đã đang ký và đạt điều kiện, họ vẫn nhận được tiền hỗ trợ từ ngân sách dù ở đâu. Theo đó, người LĐ cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương mất việc làm, đã đăng ký nhận trợ cấp với UBND cấp xã, sau khi được duyệt, chính quyền sẽ chi tiền trợ cấp theo hình thức người LĐ đã chọn, như qua tài khoản cá nhân, qua bưu điện (theo địa chỉ người LĐ đăng ký), hoặc nhận trực tiếp. Do đó, đã đăng ký nhận trợ cấp và đạt điều kiện, người LĐ sẽ nhận được tiền dù thời điểm chi tiền người LĐ đang ở bất kể đâu.
Để tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người LĐ, tỉnh Bình Dương còn cho phép người LĐ thay đổi hình thức nhận trợ cấp so với đăng ký trong hồ sơ nộp ban đầu. Theo đó, nếu người LĐ đăng ký nhận trực tiếp tại UBND cấp xã nơi nộp hồ sơ, nhưng tới thời điểm nhận không có mặt ở đó (đã về quê), có thể liên hệ UBND cấp xã đó thông báo thay đổi hình thức nhận tiền hỗ trợ phù hợp, như: đổi sang nhận qua tài khoản ngân hàng, qua bưu điện (với địa chỉ khác), hoặc đăng ký nhận tiền sau khi trở lại Bình Dương.
Theo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, tới chiều ngày 29/7, đã tiếp nhận hơn 25.200 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp của người LĐ tự do. Trong đó, đã duyệt chi hỗ trợ cho hơn 12.100 người, với số giải ngân trên 8,2 tỷ đồng.
Người LĐ tự do trên địa phương được tổ dân phố thống kê, sau đó phát hồ sơ đăng ký, người LĐ sẽ kê khai thông tin đề nghị hỗ trợ, giấy tờ về cư trú, sau đó nộp về UBND cấp xã. Cấp xã sẽ rà soát, tổng hợp, niêm yết công khai và trình UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ.
Đối với nhóm LĐ có hợp đồng LĐ nhưng tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, doanh nghiệp sẽ lập danh sách người LĐ đề nghị hỗ trợ, có kèm tài khoản của người LĐ. Nếu đủ điều kiện được hỗ trợ, tiền hỗ trợ sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của người LĐ.
Với LĐ ngừng việc, doanh nghiệp lập danh sách và đề nghị hỗ trợ, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chi trả hỗ trợ cho người LĐ.
Lê Hữu Việt
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.21414818113701202-euq-ev-ihk-pac-ort-nahn-coud-oc-yk-gnad-ad-od-ut-gnod-oal/nv.zibefac