Với việc huy động hệ thống y tế tư nhân, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sớm tăng tốc tiêm khi nguồn vắc xin phòng COVID-19 về nhiều - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vậy với mục tiêu đến cuối tháng 8-2021, có khoảng 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1, TP phải tổ chức thế nào để có thể đạt được mục tiêu này?
Tư nhân sẵn sàng
Ông Ngô Chí Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) - cho rằng nhập nhanh vắc xin phòng COVID-19 là quan trọng nhưng tiến hành tiêm chủng thần tốc cũng quan trọng không kém.
Tuy nhiên thời gian qua, hệ thống y tế công lập của TP đang dồn sức điều trị F0, cách ly F1, xét nghiệm, truy vết... rất vất vả nên cần tận dụng tối đa năng lực của các cơ sở tiêm chủng tư nhân vào các chiến dịch tiêm chủng vắc xin.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp ở khối sản xuất rất mong muốn được tiêm vắc xin phòng COVID-19 sớm, nhanh cho người lao động. Nếu không tiêm sớm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất cho các hợp đồng đã ký.
Các doanh nghiệp này có thể được phân bổ vắc xin từ Nhà nước hoặc tự tìm được nguồn vắc xin, và có cơ chế cho doanh nghiệp tự chọn cơ sở y tế tư nhân được phép để tiêm chủng cho người lao động.
Nếu có cơ chế này, ông Ngô Chí Dũng cho biết hệ thống VNVC tại TP.HCM sẽ sẵn sàng tham gia, tổ chức tiêm chủng đến 21h hằng ngày. Mỗi ngày, chỉ tính riêng với các trung tâm tại TP.HCM, hệ thống này sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho khoảng 50.000 - 80.000 người mà vẫn đảm bảo tiêm chủng theo lịch của kế hoạch thường xuyên, đặc biệt là trẻ em.
Ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN - cho biết với việc Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, hội đã làm việc với VNVC để lên phương án tiêm chủng cho người lao động, doanh nghiệp nếu được phân bổ vắc xin.
Đại diện Bệnh viện FV cũng cho biết nơi này có đủ hệ thống tủ lạnh âm sâu cho các loại vắc xin mà Việt Nam đã nhập về, thành lập nhiều trung tâm tiêm chủng và cả các điểm tiêm chủng lưu động. Qua kinh nghiệm thực tế và với lực lượng hiện có, bệnh viện có thể tiêm cho 10.000 người/ngày.
Người dân TP.HCM tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tổ chức tiêm thế nào?
Sở Y tế TP cho biết sẽ đôn đốc các cơ sở y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm cho những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng tại bệnh viện như người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính. Sở Y tế cũng đảm bảo điều phối kịp thời vắc xin cho các địa phương và các cơ sở y tế.
Những người thuộc nhóm trì hoãn của các đợt trước, người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng sẽ được sắp xếp tiêm tại điểm tiêm ngoài cộng đồng, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị. Ngoài các cơ sở tiêm chủng cố định như bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng khác, TP còn tổ chức nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư.
Với người sống trong khu phong tỏa chưa được tiêm vắc xin, chính quyền địa phương thống kê người, bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động, tránh để người dân phải di chuyển nơi khác khi tiêm chủng.
Chính quyền các quận huyện chịu trách nhiệm xác minh nhân thân, lập danh sách tiêm chủng cho toàn bộ người dân cư trú trên địa bàn, xếp lịch tiêm chủng theo ngày tiêm, buổi tiêm, có sự kết hợp giữa đối tượng tiêm là người dân địa phương và người lao động của các cơ quan đơn vị trên địa bàn.
Trước khi tiêm, người dân khai báo y tế, điền các phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc tiêm chủng bằng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đang áp dụng tại TP.HCM hoặc bằng bản giấy.
Các địa phương thông báo trước thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đúng giờ theo lịch hẹn, không để tập trung đông tại một thời điểm.
Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM triển khai nhắn tin mời người dân tiêm cũng như nhắc việc cần làm trước khi đến điểm tiêm (khai báo y tế, điền các phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc tiêm chủng).
Tiêm vắc xin cho người dân trên 65 tuổi tại Viện Y dược học dân tộc, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tốc độ tiêm vắc xin đẩy cao từng ngày
Theo thống kê của ngành y tế TP.HCM, đến 18h ngày 31-7, TP.HCM đã tiêm được hơn 600.000/930.000 mũi vắc xin COVID-19 của đợt 5.
Nếu như 6 ngày đầu (tính cả hai ngày "chạy thử") trung bình toàn TP chỉ tiêm được 26.000 mũi/ngày thì 5 ngày sau đó, trung bình mỗi ngày TP tiêm được hơn 74.000 mũi. Riêng ngày 30-7 đã tiêm được gần 86.000 mũi.
Từ đầu tháng 7 đến nay, vắc xin về TP.HCM nhiều hơn. Mới đây nhất trong ngày 31-7, có thêm 1 triệu liều vắc xin nữa về TP.HCM.
* Ông Trương Văn Phước (ủy viên hội đồng kiêm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):
Huy động nguồn lực tư, bước đi đúng hướng
Mục tiêu, hướng chống dịch TP đặt ra đã rõ, vấn đề là làm cách nào đạt mục tiêu đó hiệu quả nhất. Hiện có nhiều tỉnh thành có ca nhiễm, tuy nhiên TP.HCM hiện là điểm nóng, khẩn cấp nhất cần tập trung nguồn lực tài chính, trang thiết bị, con người... Hai tháng nay, Bộ Y tế đã huy động nguồn lực cả về con người, trang thiết bị y tế vào chi viện cho TP, tuy nhiên giờ phải huy động nhiều hơn, nhanh hơn.
Hiện Bộ Y tế đã đưa ra chủ trương rất hợp lý là kêu gọi hệ thống y tế tư nhân vào cùng TP chữa trị cho người bệnh nặng. Tôi tin các đơn vị tư nhân sẽ hiểu hơn lúc nào hết họ cần đóng góp cho TP và sẽ vào cuộc mạnh mẽ như nhiều hệ thống khách sạn tham gia vào việc cách ly giá phải chăng.
Do vậy, các bộ ngành trung ương cần dành ra nguồn ngân sách thỏa đáng nhập khẩu trang thiết bị y tế, cùng với đó có cơ chế tài chính thỏa đáng để hỗ trợ cho tư nhân. Chính phủ đã có chủ trương cắt giảm các khoản chi không cần thiết, chấp nhận bội chi cao hơn để dành nguồn lực cứu dân trong đợt dịch, bài toán huy động tư nhân vào chống dịch trên không khó giải.
T.LONG ghi
TTO - TP.HCM nâng lên 1.000 đội tiêm vắc xin để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo 70% người từ 18 tuổi trở lên sống tại TP.HCM được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong tháng 8-2021, kế hoạch này thực hiện như thế nào?
Xem thêm: mth.62502632213701202-tur-coun-oav-coub-mos-nix-cav-meit/nv.ertiout