Một đoạn phố của Hà Nội đang tạm cách ly y tế sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Bản tin 6h sáng 1-8 cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.374 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 4.372 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.027), Bình Dương (1.415), Long An (318), Đồng Nai (262)...
Hà Nội (67), Vĩnh Long (50), Bà Rịa - Vũng Tàu (46), Hậu Giang (37), Bến Tre (32), Kiên Giang (24), Phú Yên (22), Trà Vinh (22), An Giang (21), Đồng Tháp (16), Thanh Hóa (6), Quảng Trị (3), Hải Dương (2), Kon Tum (1), Hưng Yên (1) trong đó có 884 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng 1-8, Việt Nam có 150.060 ca mắc trong đó có 2.241 ca nhập cảnh và 147.819 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 146.249 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Trong ngày 31-7 có trên 276.370 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 6.203.870 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 5.583.250 liều, tiêm mũi 2 là trên 620.610 liều.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ngày 31-7 Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Long An, trong đó có nội dung Bộ Y tế sẽ đưa chuyên gia và hỗ trợ thiết bị để sẵn sàng đưa Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường tại Cần Thơ vào hoạt động, thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường tại Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động (phường 3 Tân An) tỉnh Long An.
Cũng trong ngày 31-7 TP.HCM đã tiếp nhận 1 triệu liều trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, Trung Quốc, do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội đã khởi công xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch quy mô 500 giường, trên địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai theo chỉ đạo của Bộ Y tế và TP. Hà Nội.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 31-7 Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo công văn số 969/TTg-KGVX) đối với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17-7.
Thủ tướng cũng cho biết những tỉnh thành sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh.
Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trước khi quyết định.
Tính chung đến nay có 22 tỉnh thành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16.
TTO - Chị Đinh Thị N. chuyển dạ trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên không kịp đưa đến bệnh viện, và đã được hai chiến sĩ Công an phường Xuân Tảo kịp thời giúp đỡ để sinh "mẹ tròn con vuông". Cảm kích, gia đình đặt tên bé là Công An