Giá khí đốt tăng mạnh do nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu
Khánh Lan
(KTSG Online) - Giá khí đốt đang tăng mạnh do tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng hơn trong bối cảnh sản lượng của châu Âu suy giảm nhưng Nga lại hạn chế xuất khẩu mặt hàng năng lượng sang châu Âu.
Một nhà máy sản xuất LNG ở đảo Sakhalin của Nga. Lượng khí đốt mà Nga đang xuất khẩu sang châu Âu thấp hơn trước đại dịch Covid-19. Ảnh: Ảnh: Sputnik News |
Giá khí đốt ở châu Âu và Anh đang tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, đe dọa đẩy tăng chi phí của hộ gia đình và doanh nghiệp khi các nguồn cung quan trọng của nhiên liệu hóa thạch này trên toàn cầu vẫn thắt chặt.
Tại Anh, giá khí đốt tự nhiên đã vượt mức 1 bảng Anh/therm (tương đương 100.000 đơn vị nhiệt Anh - BTU), mức cao nhất kể từ năm 2005 và cũng là mức cao kỷ lục trong mùa hè.
Tại châu Âu, giá khí đốt lần đầu tiên trong lịch sử chạm mức 40 euro/MWh (tương đương 94,79 m3). Nếu quy đổi ra khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), các mức giá trên tương đương 14 đô la Mỹ/1 triệu BTU. Giá khí đốt ở châu Á cũng trên đà tăng khi các nước trong khu vực chạy đua mua LNG để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở trong nước. Giá LNG giao ngay ở châu Á đã vượt mức 15 đô la/1 triệu BTU, theo Công ty tư vấn năng lượng ICIS.
Giới phân tích lo ngại tình trạng thắt chặt của khí đốt tự nhiên, một trong những nhiên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất điện cho đến sưởi ấm, sẽ càng trầm trọng thêm trong thời gian tới.
Nhà phân tích khí đốt Tom Marzec-Manser ở Công ty ICIS, nói: “Xét về nguồn cung bổ sung, không có nhiều sự lựa chọn có sẵn trên toàn cầu. Nga thực sự là nguồn cung chủ động duy nhất nhưng chúng tôi không biết khi nào Nga sẽ tăng thêm nguồn cung”.
Một mùa đông kéo dài hơn dự kiến vào hồi đầu năm đã làm cạn kiệt các kho dự trữ khí đốt ở khắp châu Âu, trong khi đó, Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho khu vực này, lại xuất khẩu khí đốt sang châu Âu ít hơn so với trước đại dịch Covid-19.
Những người chỉ trích cho rằng Moscow đang gây sức ép để buộc Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt kế hoạch đưa vào vận hành dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vào cuối năm 2021. Đường ống Nord Stream 2 chạy ngầm dưới biển Baltic để đưa khí đốt từ Nga sang Đức.
Dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine và Mỹ vì họ lo ngại điều này sẽ giúp gia tăng sức ảnh hưởng của Nga lên châu Âu. Các nước Đông Âu và Trung Âu cũng không đồng tình dự án này vì họ sẽ mất một khoản phí quá cảnh hàng hóa lớn khi Nga không cần sử dụng các đường ống chạy qua nước họ nữa.
Trong nhiều tháng qua, Nga không tăng lượng khí đốt bán cho châu Âu thông qua đường ống chạy qua Ukraine dù giá đang tăng nhờ nhu cầu mạnh mẽ.
Song Nga không phải là yếu tốt duy nhất khiến giá khí đốt leo thang. Các nguồn cung khí đốt khác trên toàn cầu cũng đang căng cứng khi các nền kinh tế lớn bật dậy mạnh mẽ từ điểm trũng trong cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19. Giá LNG nhập khẩu ở Brazil đã leo lên mức kỷ lục vì các cơn hạn hán gây đình trệ hoạt động của các nhà máy thủy điện, vốn chiếm đến 65% trong cơ cấu sản lượng điện của nước này.
Sản lượng khí đốt của Mỹ, nguồn cung quan trọng để sản xuất LNG, suy giảm trong những năm gần đây và đang tiếp tục suy giảm so với dự báo trước đại dịch.
Năm ngoái, sản lượng dầu thô của Mỹ suy giảm do giá dầu lao dốc, kéo theo sự suy giảm sản lượng khí đốt, thường được sản xuất trong quá trình khai khác dầu thô. Lầu đầu tiên kể từ tháng 12-2018, giá khí đốt tương lai ở Mỹ đã tăng lên mức hơn 4 đô la/1 triệu BTU
Sản lượng khí đốt của châu Âu cũng đang giảm mạnh ở các mỏ ở biển Bắc lẫn mỏ khí đốt xa bờ lớn nhất châu Âu ở Groningen, Hà Lan. Mỏ khí đốt Groningen buộc phải hạn chế khai thác do một loạt vụ động đất nhỏ xảy ra gần đây. Dự kiến, mỏ này sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn vào năm sau.
Theo các nhà phân tích, tổng sản lượng khí đốt ở khu vực giảm ít nhất 10% kể từ nửa đầu năm 2019.
Tình trạng thắt chặt trên thị trường khí đốt hiện nay đang gây mối lo ngại cho những gì sẽ diễn ra trong mùa đông sắp tới, thời điểm mà nhu cầu thường tăng mạnh ở châu Âu do mọi người cần sưởi ấm nhà cửa và văn phòng làm việc.
Trong các chu kỳ tăng giá trước đây của khí đốt, việc chuyển sang sử dụng nhiệt điện than đã giúp giảm bớt nhu cầu khí đốt. Nhưng điều này giờ đây khó khả thi hơn vì giá than nhiệt lượng cao đang đắt đỏ hơn.
Theo Financial Times
Xem thêm: lmth.-uac-naot-nert-tahc-taht-gnuc-nougn-od-hnam-gnat-tod-ihk-aig/900913/nv.semitnogiaseht.www