Người dân xếp hàng mua lương thực, thực phẩm trong ngày 19-7, khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng chỉ thị 16 - Ảnh: Đ.HÀ
Tại một cửa hàng bán rất nhiều hàng thiết yếu ở phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhận thấy người dân đến mua đông đúc mà lượng hàng bày bán không còn nên chúng tôi đưa máy ảnh lên ghi hình.
Ngay lúc này, một nhân viên cửa hàng ra gạt tay và nói: "Anh thông cảm, ở đây không được phép chụp hình. Anh mà chụp em sẽ bị sếp la".
Anh này chỉ vào tấm cửa kính của cửa hàng cho chúng tôi thấy biểu tượng "cấm chụp hình" nằm bên cạnh biểu tượng cấm dắt động vật vào và cấm hút thuốc. Có cửa hàng còn đưa thêm dòng chữ "vui lòng không quay phim, chụp hình" trên giấy dán trên cửa kính.
Dạo quanh TP Vũng Tàu, các cửa hàng khác thuộc chuỗi của công ty này cũng đều dán biển hiệu cấm chụp hình. Theo phản ảnh của người dân, có một số nơi không thuộc chuỗi nói trên cũng có biển hiệu cấm chụp hình.
Những ngày qua, nhiều tài khoản mạng xã hội cũng lên tiếng và đặt câu hỏi vì sao cửa hàng bán thực phẩm thiết yếu lại cấm chụp hình?
Tuổi Trẻ liên hệ với luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - để làm rõ việc các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm thiết yếu có được dán biển cấm chụp hình hay không?
Luật sư Hà Hải cho biết hiện nay có nhiều quy định về quyền quay phim, chụp hình. Theo đó, các văn bản pháp luật đã nêu rõ các trường hợp cấm quay phim, chụp hình như sau:
Thứ nhất, đối với các khu vực được xác định là vùng cấm, địa điểm cấm đối với các tổ chức cá nhân như: Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước 2000 (sắp được thay thế bởi Luật bảo vệ bí mật nhà nước), nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh, quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm, nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt hành vi vi phạm ở khu vực cấm.
Điều cần lưu ý là những địa điểm, khu vực cấm đó phải được chính quyền, cơ quan, đơn vị cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm" với mẫu biểu theo quy định thống nhất do bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Thứ hai, đối với một số khu vực khác như trong phạm vi các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các công trình kiến thiết cơ bản có tính chất quan trọng trong toàn quốc - được quy định tại khoản 2 và 3 thông tư liên bộ 552/CA-VH đã liệt kê một số trường hợp cấm quay phim, chụp hình.
Theo đó, các cửa hàng bán thực phẩm thiết yếu không thuộc các trường hợp nêu tại khoản này.
Thứ ba, về quyền hình ảnh đối với cá nhân. Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền hình ảnh của cá nhân nhưng không đề cập đến quyền hình ảnh đối với tổ chức.
Từ đó, luật sư Hà Hải khẳng định các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm thiết yếu không thuộc các khu vực cấm quay phim, chụp hình; không thuộc trường hợp được cấm quay phim, chụp hình và không thuộc trường hợp khi quay phim, chụp hình phải được sự chấp thuận của người đại diện theo pháp luật của tổ chức.
"Hành vi cấm quay phim, chụp hình của các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm đã làm hạn chế quyền của người khác" - luật sư Hà Hải nói.
Tương tự, luật sư Trương Xuân Tám, chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận định: "Việc các cửa hàng bán hàng hóa lương thực, thực phẩm cấm chụp hình là vô lối" .
Chỉ những nơi, những công trình liên quan đến bí mật an ninh - quốc phòng như nơi biên giới, hải đảo hay doanh trại của quân đội... mới cấm chụp hình hay khuyến cáo không chụp hình. Hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bày bán và giá cả của hàng hóa không phải là bí mật.
Chưa kể, pháp lệnh về giá là phải công khai. Thậm chí, người tiêu dùng, khách hàng có quyền được giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Và trong nhiều phương tiện để giám sát có hình ảnh bằng quay phim, chụp hình.
Theo các luật sư, hiện chưa có quy định xử phạt hay buộc cá nhân, tổ chức tự ý dán treo biển cấm chụp hình phải gỡ bỏ. Nếu người dân chụp hình có xảy ra ẩu đả, va chạm với cá nhân, tổ chức tự ý treo biển cấm không đúng làm hư hỏng máy ảnh hay xâm phạm thân thể của người chụp hình thì đã được các luật khác điều chỉnh.
Phải để người dân giám sát giá cả
Theo tôi, hàng bán lương thực, thực phẩm thiết yếu không nên cấm người dân, khách hàng quay phim, chụp hình, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội. Người dân cần có quyền như vậy để giám sát việc bán hàng có đúng giá hay không để phản ảnh với cơ quan chức năng", một người ở TP Vũng Tàu bày tỏ. Anh Nguyễn Văn Tư, ngụ ở đường Bình Giã, TP Vũng Tàu, đặt câu hỏi: "Chụp hình có gì đâu mà họ cấm. Chỉ có khuất tất gì họ mới cấm. Ngược lại, chuyện này phải công khai".
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.
TTO - Quy định 'không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân' vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành gây ra những quan điểm khác nhau.