vĐồng tin tức tài chính 365

Tuần giao dịch 'điên rồ' khiến nhà đầu tư thế giới mất 1.000 tỷ USD vì Trung Quốc

2021-08-01 12:15

Mọi chuyện bắt đầu khi hàng loạt cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên Phố Wall bị bán tháo. Và tình hình chỉ thêm “điên cuồng” hơn.

Đợt bán tháo gần 1.000 tỷ USD, châm ngòi bởi việc Bắc Kinh cấm các công ty giáo dục tư nhân kiếm lợi nhuận chương trình giảng dạy, làm dấy lên làn sóng tìm kiếm phương án đầu tư khác vào tài sản của Trung Quốc.

Sau một tuần biến động, các cuộc gọi căng thẳng với khách hàng, một số nhà đầu tư quyết định thị trường Trung Quốc không đáng để họ vướng vào những rắc rối như vậy. Số khác tìm thấy cơ hội mua vào bởi giá trị cổ phiếu xuống thấp nhất nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những thay đổi chính sách kinh tế lớn nhất kể từ thập niên 1980, gần như tất cả đều nhất trí còn có thêm các quy định.

Thứ Sáu, ngày 23/7

14h00, Hong Kong

Tin đồn bắt đầu lan truyền trên các nhóm trò chuyện từ trước khi chúng được xác nhận. Phần lớn ngành giáo dục Trung Quốc sẽ buộc phải phi lợi nhuận. Thậm chí sau nhiều tháng dự đoán trước, tình hình vẫn tệ hơn nhà đầu tư lo ngại. New Oriental Education & Technology Group mất nửa vốn hóa thị trường chỉ trong một giờ sau khi đà bán khống gia tăng.

Nirgunan Tiruchelvam, nhà phân tích nghiên cứu tại Tellimer, tự hỏi lĩnh vực nào sẽ là mục tiêu tiếp theo của nhà chức trách Trung Quốc. Ông cho rằng đó có thể là bất động sản, trò chơi điện tử và chăm sóc sức khỏe.

Tuần giao dịch điên rồ khiến nhà đầu tư thế giới mất 1.000 tỷ USD vì Trung Quốc - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số CSI 300 qua các năm.

15h26, Bắc Kinh

Bộ Nhà ở và Kiến thiết Thành thị, Nông thôn Trung Quốc phát cảnh báo tới các công ty bất động sản nước này rằng sẽ “yêu cầu cải thiện đáng kể” đối với thị trường bất động sản, mạnh tay xử lý các vi phạm.

Giá cổ phiếu China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản có tỷ lệ vay nợ cao đến mức một số nhà đầu tư lo ngại đang cận kề phá sản, xuống thấp nhất phiên.

16h10, Hong Kong

Chỉ số Hang Seng đóng cửa với mức giảm 1,5%. Lúc này, thị trường có rất ít dấu hiệu bán tháo lan rộng.

5h30, Austin, Texas

Soren Aandahl, nhà sáng lập đơn vị bán khống Blue Orca Capital LLC, đọc được thông tin trên điện thoại cá nhân. Suy nghĩ đầu tiên của ông là “thắt dây an toàn thôi”.

Giá cổ phiếu New Oriental và TAL Education Group niêm yết tại Mỹ lao dốc hơn 40% trong giao dịch trước giờ thị trường mở cửa. Chưa đầy 6 tháng trước, đây còn là những cổ phiếu “bay cao nhất” trên Phố Wall.

16h00, New York

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China đóng cửa với mức giảm 8,5%, trong phiên có lúc giảm tới 10,3%. Chỉ có 2 trong số 98 cổ phiếu trong chỉ số này không giảm giá. Một số nhà đầu tư đồn đoán rằng đợt siết quản lý với lĩnh vực giáo dục có thể dẫn đến thay đổi lớn trong cấu trúc lợi ích biến đổi (Variable Interest Entity - VIE) – được hầu hết công ty Trung Quốc lớn sử dụng để niêm yết tại New York.

Thứ Bảy, ngày 24/7

10h09, Bắc Kinh

Trung Quốc yêu cầu Tencent Holdings từ bỏ bản quyền phát nhạc trực tuyến, đòn giáng tiếp theo vào các công ty công nghệ lớn của nước này. Pony Ma, tỷ phú sáng lập Tencent, vẫn đang lèo lái tốt hơn so với đối thủ lâu đời Jack Ma. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cổ phiếu Tencent mất 1/3 thị giá so với hồi tháng 2.

19h22, Bắc Kinh

Chính phủ Trung Quốc chính thức xác nhận cải tổ diện rộng với lĩnh vực giáo dục, cho rằng ngành này đang bị “đánh cắp nguồn vốn nghiêm trọng”. Cliff Zhao, giám đốc nghiên cứu tại CCB International Securities, Hong Kong, làm việc cả cuối tuần để phân tích diễn biến mới.

“Tôi bận rộn như thời căng thẳng Mỹ - Trung năm 2019 và khi đại dịch bùng phát tháng 3/2020”, ông nói. “Những sự kiện đó là chưa từng có tiền lệ”.

20h30, Chicago, bang Illinois

“Thật điên rồ”, Paul Nolte, nhà quản lý danh mục đầu tư – quản lý 4 tỷ USD tại Kingsview Investment Management, nói khi theo dõi thị trường châu Á phản ứng với thông tin.

Nolte không nắm giữ trực tiếp cổ phiếu Trung Quốc từ sau khi bán Tencent và Alibaba năm 2019 nhưng bắt đầu thấy lo ngại về rủi ro đối với các khoản nắm giữ tại các ETF toàn cầu. Tỷ trọng của cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong trong chỉ số các thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets tăng gấp đôi trong 10 năm, lên 35%.

Thứ Hai, ngày 26/7

9h20, Hong Kong

Thị trường mở cửa khá tiêu cực và khách hàng của Alvin Cheung bắt đầu lo lắng. Phó giám đốc của Prudential Brokerage, Hong Kong, nói “không ai biết được” khi họ hỏi ông liệu thị trường sắp tạo đáy hay chưa.

10h54, Bắc Kinh

Xu hướng bán tháo mạnh nhất ở lĩnh vực công nghệ, và dần lan rộng. Chỉ số CSI 300 của thị trường Trung Quốc đại lục giảm hơn 3%.

Đợt bán tháo này đặc biệt đau đớn với Alice Wang, 27 tuổi, làm việc cho một doanh nghiệp tư vấn giáo dục tại Bắc Kinh.

“Chúng tôi ở tuyến đầu bị tác động. Đó là đòn giáng kép đối với tôi”, cô nói.

15h49, Bắc Kinh

Trung Quốc đưa ra định hướng cho các nền tảng thực phẩm trực tuyến, cho rằng họ phải đảm bảo phúc lợi cho nhân viên vận chuyển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi “thịnh vượng chung” là nền tảng cho chương trình chính sách kinh tế trong bối cảnh sự bất bình liên quan chênh lệch giàu nghèo tại nước này gia tăng.

Cổ phiếu Meituan, gã khổng lồ giao hàng đang bị điều tra vì nghi có hành vi độc quyền, có lúc giảm giá tới 15%.

“Cổ phiếu mất giá hôm 23/6 và 26/6 khiến tôi nhớ về thời gian ở Indonesia”, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, Herald van der Linde, giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương tại HSBC Holdings Plc, nói. “Có những khoảnh khắc bạn chỉ kịp nghĩ – ôi trời ơi”.

Thứ Ba, Ngày 27/7

8h00, Hong Kong

Evergrande khiến nhà đầu tư cổ phiếu công ty thất vọng bởi quyết định không chia cổ tức đặc biệt. S&P Global Ratings hạ tín nhiệm hai bậc với Evergrande trong đêm trước đó, lần thứ ba bị hạ tín nhiệm bởi một công ty xếp hạng toàn cầu trong vòng một tháng.

Tuần giao dịch điên rồ khiến nhà đầu tư thế giới mất 1.000 tỷ USD vì Trung Quốc - Ảnh 2.

Tòa nhà của Evergrande (giữa) tại Wan Chai, Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.

14h45, Hong Kong

Tencent cho biết trong một thông báo gây khó hiểu rằng họ dừng nhận người dùng mới với WeChat trong lúc nền tảng mạng xã hội này được “nâng cấp an ninh kỹ thuật”. Việc đăng ký mới sẽ được nối lại khoảng tháng 8. Nhà đầu tư coi đây là một lý do nữa để bán ra. Cổ phiếu Tencent, trong nhóm được nắm giữ nhiều nhất tại châu Á, lao dốc 9%.

14h55, Thượng Hải

Các bàn giao dịch rộ lên tin đồn chưa xác thực rằng các quỹ Mỹ đang “xả” tài sản Hong Kong và Trung Quốc. Xu hướng bán tháo từ thị trường chứng khoán lan sang nhân dân tệ và S&P 500 futures. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm do nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn.

Cheung của Prudential Brokerage không nghĩ tin đồn có chút giá trị nào nhưng cho thấy tâm lý thị trường trở nên mong manh ra sao.

“Trung Quốc có một vấn đề về PR”, Jason Hsu, nhà sáng lập kiêm giám đốc đầu tư Rayliant Global Advisors, nhận định. “Thị trường như muốn nói ‘tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nên tôi sẽ bán trước, thắc mắc sau’”.

Tại Shenzhen JM Capital, nhà quản lý quỹ Zhuang Jiapeng dành 3 giờ để gọi điện, thuyết phục một nhà đầu tư không bán số cổ phiếu Trung Quốc ông này đang nắm giữ.

“Các khách hàng đều hoảng sợ khi lỗ sâu”, Zhuang nói. “Đó là bản chất con người”.

16h00, New York

Chỉ số Golden Dragon China giờ đây mất 19% trong 3 ngày. Patrick Springer, giám đốc quản lý chứng khoán tổ chức tại Huatai Securities USA, liên tục trả lời cuộc gọi từ khách hàng từ ngày 23/7.

Một số người tự hỏi liệu MSCI và các công ty cùng ngành có suy nghĩ lại về việc họ gần đây thúc đẩy tăng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số hay không. Số khác lo ngại về những điều nhà chức trách Trung Quốc có thể làm để giải quyết “3 ngọn núi lớn” về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở.

“Nhà đầu tư nghĩ rằng cách thức Trung Quốc sử dụng để cải thiện tình trạng bất bình đẳng thu nhập vài ngày qua không tốt cho dòng vốn trong tương lai”, theo Springer.

Thứ Tư, ngày 28/7

9h45, Thượng Hải

CSI 300 giảm từ khi thị trường mở cửa nhưng một số quỹ bắt đầu vào mua lượng lớn cổ phiếu của các ngân hàng lớn và công ty môi giới. Tin đồn về sự can thiệp của “Quốc gia Đội” – nhóm các tổ chức tài chính được chính phủ hậu thuẫn thường mua lượng lớn cổ phiếu để giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong trường hợp thị trường xấu – ngày càng nhiều. Ngoài ra, hàng loạt bài báo trên truyền thông quốc gia cũng cho rằng đợt bán tháo là thái quá.

18h00, Bắc Kinh

Cơ quuan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã làm phần việc của họ để thúc đẩy niềm tin, triệu tập họp trực tuyến với giám đốc điều hành các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs và UBS. Một số nhà ngân hàng nhận thông điệp rằng Trung Quốc chỉ nhắm đến chính sách giáo dục, không có ý định gây ảnh hưởng đến công ty trong ngành khác.

23h01, Bắc Kinh

Hãng thông tấn quốc gia Xinhua đưa ra hàng loạt thông tin trấn an, cho biết các chính sách gần đây nhắm vào nền tảng internet và giảng dạy ngoài trường học nhằm bảo vệ an ninh dữ liệu trực tuyến và phúc lợi xã hội hơn là “thẳng tay hạn chế” những ngày đó.

Cơ quan quản lý chứng khoán vẫn hỗ trợ những công ty muốn niêm yết ở nước ngoài, theo Xinhua.

Tuần giao dịch điên rồ khiến nhà đầu tư thế giới mất 1.000 tỷ USD vì Trung Quốc - Ảnh 3.

“Đầu tư vào Trung Quốc không dành cho người yếu tim”, theo Tiruchelvam của Tellimer. Ảnh: Bloomberg.

Thứ Năm, ngày 29/7

9h30, Thượng Hải

Phiên mở cửa tích cực đầu tiên trong 5 ngày, giúp thị trường “dễ thở” hơn nhưng bất ổn trên thị trường chưa kết thúc. Hai nhà phân tích Kinger Lau và Timothy Moe của Goldman Sachs đánh giá đợt siết quản lý vừa rồi khiến một số khách hàng tự hỏi liệu thị trường chứng khoán Trung Quốc có quá nguy hiểm hay không.

“’Không thể đầu tư’ xuất hiện trong những cuộc trao đổi gần đây giữa chúng tôi với khách hàng”, họ nói.

Trong khi đó, bộ phận môi giới của Goldman Sachs ra báo cáo cho thấy những khách hàng là quỹ phòng hộ tập trung lựa chọn các cổ phiếu Trung Quốc theo phân tích cơ bản đang trên đà có tháng tồi tệ nhất lịch sử.

17h31, Hong Kong

Sau một phiên tương đối bình lặng, với Hang Seng tăng 3,3%, Wall Street Journal đưa tin về Didi Global lại tạo ra thêm biến động. Theo đó, Didi đang cân nhắc tư nhân hóa để hài lòng nhà chức trách Trung Quốc và bồi thường thiệt hại nhà đầu tư phải chịu kể từ khi công ty này niêm yết tại Mỹ cuối tháng 6.

Gã khổng lồ gọi xe này gần đây chịu sự giám sát chặt chẽ từ Bắc Kinh sau khi bất chấp sự phản đối từ cơ quan quản lý internet, lo ngại nguy cơ an ninh quốc gia khi các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài, để thực hiện IPO tại Mỹ.

Giá cổ phiếu Didi tăng hơn 40% sau thông tin trên nhưng sau đó đảo chiều vì công ty thông báo tin đồn tư nhân hóa là sai sự thật.

Thứ Sáu, ngày 30/7

9h30, Hong Kong

Evergrande lại trở thành tiêu điểm sau khi một tòa án đóng băng tài sản của một chi nhánh ở Trung Quốc. Ngày càng có nhiều chủ nợ công khai tranh chấp với Evergrande, dấy lên lo ngại về sức khỏe tài chính công ty. Giá cổ phiếu Evergrande giảm hơn 9% xuống thấp nhất kể từ tháng 1/2017 và giá một trong những trái phiếu nước ngoài của công ty giảm còn 39 cent/USD (tức chỉ phải trả 39 cent cho mỗi USD trái phiếu).

16h45, Bắc Kinh

CSI 300 đóng cửa giảm 0,8%, chốt tuần giảm 5,5%. Sau khi thị trường đóng cửa, hàng loạt diễn biến xảy ra như nhà chức trách Trung Quốc triệu tập các công ty công nghệ lớn nhất quốc gia để cảnh báo về an ninh dữ liệu, tuyên bố thắt chặt giám sát hơn nữa với niêm yết cổ phiếu nước ngoài, cáo buộc các công ty gọi xe có hành vi phi cạnh tranh.

Một cuộc họp của Bộ Chính trị do ông Tập chủ trì cũng không mang lại nhiều sự trấn an cho nhà đầu tư. 25 thành viên Bộ Chính trị cam kết “cải thiên” hệ thống phê duyệt các thương vụ niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài, Xinhua đưa tin nhưng không nêu chi tiết.

Chính sách siết chặt “là điều rất khó đánh giá”, Tiruchelvam của Tellimer nói. “Đầu tư vào Trung Quốc không dành cho người yếu tim”.

Như Tâm

NDH

Xem thêm: nhc.57792730110801202-couq-gnurt-iv-dsu-yt-0001-tam-ioig-eht-ut-uad-ahn-neihk-or-neid-hcid-oaig-naut/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tuần giao dịch 'điên rồ' khiến nhà đầu tư thế giới mất 1.000 tỷ USD vì Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools