Olympic Tokyo 2020 - dấu ấn của kinh tế tuần hoàn
Lạc Diệp
(KTSG) - Olympic Tokyo 2020 còn là nơi chứng kiến sự xuất hiện của nhiều sáng kiến, công nghệ mới nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, và tạo dựng một sự phát triển bền vững trong tương lai.
Những chiếc huy chương sản xuất từ rác thải điện tử
Khi các vận động viên tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 vui mừng bước lên bục nhận huy chương, nhiều người khác cũng cảm thấy tự hào không kém - những người đứng sau dự án Huy chương Tokyo. Đây là dự án tái chế các thiết bị điện tử cũ để sản xuất ra những chiếc huy chương được sử dụng tại kỳ đại hội thể thao này.
Đối với người dân Nhật Bản, dự án mang lại cho họ một cơ hội độc đáo để trở thành một phần không thể thiếu của thế vận hội. “Đã có một chiến dịch kêu gọi người dân quyên góp các thiết bị điện tử cũ cho dự án”, ông Hitomi Kamizawa - phát ngôn viên của ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 chia sẻ với DW “Chúng tôi rất cảm ơn sự hợp tác của mọi người”.
Hàng năm, thế giới đã loại bỏ một lượng lớn các mảnh kim loại quý như vàng, bạc... trị giá hàng tỉ đô la, được sử dụng trong các thiết bị điện tử.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã triển khai một nỗ lực mang tầm quốc gia trong vòng hai năm qua, nhằm thu thập đủ vật liệu tái chế để sản xuất khoảng 5.000 huy chương vàng, bạc, đồng cho Olympic Tokyo 2020. Phong trào đã thu hút sự tham gia của 90% thành phố, thị trấn và làng mạc tại Nhật Bản, với hơn 1.600 thành phố.
Ông Kamizawa cho biết chiến dịch tái chế đã mang lại 32 ki lô gam vàng, 3,5 tấn bạc và 2,2 tấn đồng.
Một trong những công ty chính tham gia dự án là tập đoàn Renet, với triết lý kinh doanh xoay quanh yếu tố bền vững. “Chúng tôi đã phát triển một phong trào quản lý rác thải để phục vụ cho dự án huy chương, với sự hợp tác của nhiều bên liên quan, từ chính phủ cho tới các cộng đồng địa phương”, ông Toshio Kamakura - Giám đốc Renet cho biết.
Trong khi Nhật Bản là quốc gia chủ nhà đầu tiên sản xuất tất cả huy chương Olympic từ vật liệu tái chế, ý tưởng này đã từng được triển khai tại Olympic Rio 2016, khi 30% số bạc để làm huy chương đã được thu gom từ các phụ tùng ô tô và bề mặt gương.
Một kỳ Olympic “tái chế” và “giảm thiểu rác thải”
Không chỉ dừng lại ở những chiếc huy chương, Olympic Tokyo 2020 đã thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đi xa hơn nữa. Các bục trao huy chương đều được làm từ rác thải nhựa tái chế, như một phần sáng kiến của tập đoàn hàng tiêu dùng P&G - đối tác toàn cầu của Olympic. Ngay cả ngọn đuốc Olympic cũng được sản xuất bằng nhôm từ những ngôi nhà tạm được xây dựng sau trận động đất năm 2011.
Trong bản cập nhật báo cáo về tính bền vững của thế vận hội mới được công bố gần đây, ban tổ chức khẳng định, “bằng cách cho thế giới thấy kết quả của cam kết bảo tồn tài nguyên, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực đến Thế vận hội Olympic và Paralympic trong tương lai và cả các sự kiện thể thao khác”.
Theo cam kết này, 99% số hàng hóa được mua sắm cho Olympic Tokyo 2020 sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế, trong khi 65% lượng chất thải cũng sẽ được tái chế.
Một sáng kiến khác là thuê thay vì mua mới thiết bị. Khoảng 65.000 máy tính, máy tính bảng và thiết bị điện, cùng 19.000 bộ bàn, ghế văn phòng và đồ đạc khác đã được thuê để sử dụng cho thế vận hội.
Nổi tiếng hơn cả chính là 18.000 chiếc giường làm từ carton tái chế tại làng vận động viên, sẽ được tái chế thành giấy sau khi kết thúc Olympic. Ngay cả những bộ nệm cũng sẽ được tái chế thành các sản phẩm nhựa.
Bên cạnh việc tái sử dụng nguyên vật liệu, các địa điểm sẵn có cũng được tận dụng hết mức có thể để tổ chức giải đấu. Olympic Tokyo 2020 đang vượt trước các kỳ Olympic khác trong khía cạnh này khi có tới 25/43 địa điểm thi đấu là những cơ sở hạ tầng đã được sử dụng. Một số thậm chí đã có từ Olympic 1964.
Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và truyền thống
Olympic Tokyo 2020 là lần đầu tiên năng lượng hydro được sử dụng để thắp sáng cả ngọn đuốc và vạc lửa của thế vận hội. Tuy nhiên, vai trò của nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này không chỉ dừng lại ở đó.
Đối tác toàn cầu của Olympic, hãng xe Toyota đang cung cấp 500 ô tô và 100 xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu hydro để đưa đón các vận động viên, huấn luyện viên và quan chức di chuyển giữa các địa điểm thi đấu. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Tokyo cũng đã cho lắp đặt 35 trạm sạc năng lượng hydro xung quanh thành phố, như một phần trong các cam kết về việc tạo dựng một nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hydro. Đây cũng là nguồn năng lượng cung cấp nhiệt và ánh sáng cho làng vận động viên tại giải đấu năm nay.
Trong một nỗ lực thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ bền vững, ban tổ chức đã cho lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời nổi bật trên nóc sân vận động để cung cấp năng lượng. Nguồn điện từ các tấm pin mặt trời này cũng sẽ giúp vận hành hệ thống tưới cây xung quanh sân vận động.
Tuy nhiên, bền vững cũng không nhất thiết phải gắn với các công nghệ hiện đại. Minh chứng rõ nét nhất là thiết kế của sân vận động Olympic mới, với cấu trúc tích hợp các mái hiên khổng lồ truyền thống, cho phép các làn gió mát lưu thông tự do. “Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để có thể tận dụng gió tự nhiên ở mức độ nhiều nhất có thể, mà không cần phải sử dụng điều hòa không khí”, kiến trúc sư của Kengo Kuma cho biết.
Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã cam kết, đây sẽ là một kỳ thế vận hội “không carbon”, bằng cách giảm mức tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và giảm thiểu hoạt động xây dựng. Ở những nơi không thể sử dụng năng lượng tái tạo, lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp liên quan đến Olympic (bao gồm cả hoạt động xây dựng và giao thông) sẽ được bù đắp bằng các nỗ lực giảm thiểu khí thải từ hơn 200 công ty Nhật Bản tham gia chương trình chứng chỉ năng lượng xanh.
Những triển vọng cho tương lai
Theo Euronews, với khẩu hiệu “Cùng nhau tốt hơn - Vì hành tinh và con người”, các nhà tổ chức của Olympic 2020 đang hướng đến việc thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho 14 triệu cư dân Tokyo trong tương lai. Những giá trị mà Olympic 2020 mang lại được kỳ vọng sẽ không chỉ giới hạn trong thời gian diễn ra giải đấu, mà có thể lâu dài hơn nữa.
“Ủy ban Quy hoạch đô thị và bền vững Tokyo 2020 đã chiến thắng tại Olympic Tokyo 2020 với tư cách là một mô hình xã hội bền vững, với nhiều sáng kiến từ những chiếc huy chương cho tới bục trao huy chương làm từ vật liệu tái chế”, ông Komiyama Hiroshi, Chủ tịch ủy ban cho biết, “chúng tôi đã tiếp tục những nỗ lực này ngay cả khi Olympic bị hoãn, và một trong những di sản mà giải đấu này đem lại là việc nó đã nâng cao nhận thức của mọi người về một xã hội bền vững, cũng như cách thức mà chúng ta có thể thay đổi để đạt được điều đó”.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, bà Marie Sallois, Giám đốc phụ trách Doanh nghiệp và Phát triển bền vững tại Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nhận định “Thế vận hội là một trong những sự kiện được truyền hình rộng rãi nhất trên thế giới, và mang đến cơ hội tuyệt vời để thể hiện các giải pháp bền vững. Với những nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, Olympic Tokyo 2020 đang cho thế giới thấy, những gì chúng ta có thể đạt được ở hiện tại và trong tương lai”.
Một báo cáo gần đây của Đại học Harvard khẳng định rằng “Olympic Tokyo đã cho thấy, sự phát triển bền vững và việc tiết kiệm chi phí vẫn có thể đạt được cùng một lúc, và không cần phải là những mục tiêu mang tính loại trừ lẫn nhau”.
Nguồn: DW, Euronews, Olympics.com
Xem thêm: lmth.naoh-naut-et-hnik-auc-na-uad--0202-oykot-cipmylo/648813/nv.semitnogiaseht.www