Kinh tế toàn cầu đang tăng tốc nhưng biến thể Delta vẫn là ẩn số khó lường
Song Thanh
(KTSG) - Các nền kinh tế trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng tới, và có thể dần bắt kịp tốc độ của các nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, biến thể Delta của Covid-19 vẫn được dự báo sẽ là một yếu tố khó lường đối với đà phục hồi kinh tế.
Kinh tế toàn cầu có thể đạt đỉnh trong quí 3
Khảo sát mới nhất của IHS Markit cho thấy, sau khi đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quí 2 vừa qua, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ giảm tốc trong những tháng tới, trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục bị hạn chế, tình trạng thiếu hụt nhân công và sự lan rộng của biến thể Delta mới.
IHS Markit cho biết chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tổng hợp của Mỹ - thước đo mức độ hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã suy yếu từ 63,7 điểm trong tháng 6 xuống còn 59,7 điểm trong tháng 7, chạm mức thấp nhất trong bốn tháng.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát riêng rẽ đối với các doanh nghiệp châu Âu lại ghi nhận mức tăng trưởng hoạt động mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế khu vực châu Âu nhiều khả năng sẽ sớm trở lại. IHS Markit cho biết chỉ số PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên 60,6 điểm trong tháng 7 từ mức 59,5 điểm trong tháng 6, và đạt mức cao nhất trong 21 năm.
Trong quí 3, JPMorgan dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm dần so với tốc độ chóng mặt được ghi nhận trong quí 2 vừa qua, và dự kiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng sẽ chậm lại. Trong khi đó, nền kinh tế Eurozone được dự báo sẽ tăng với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn so với kết quả mà kinh tế Mỹ đã đạt được trong quí 2. Và với việc Ấn Độ có khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau quãng thời gian sụt giảm trong quí 2, kinh tế thế giới đang chuẩn bị ghi nhận quí tăng mạnh mẽ nhất trong năm nay.
Biến chủng Delta vẫn là thách thức lớn
Thế nhưng tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia châu Á đã chững lại. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của các nền kinh tế đang phát triển của châu Á xuống còn 7,2%, so với mức 7,3% được đưa ra hồi tháng 4.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 của châu Á - Thái Bình Dương đang tiếp diễn, mặc dù con đường còn bấp bênh trong bối cảnh các đợt bùng phát mới, các biến thể virus mới và việc triển khai tiêm phòng vaccin không đồng đều”.
Những lo ngại tương tự cũng được đưa ra tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu, khi số ca nhiễm Covid-19 biến thể Delta có dấu hiệu gia tăng trở lại, và khiến cho lộ trình phục hồi kinh tế trở nên khó đoán hơn.
Hôm 22-7, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết cơ quan này có kế hoạch duy trì chính sách tiền tệ lỏng trong bối cảnh 19 quốc gia thành viên thuộc Eurozone đang phải đối mặt với mối đe dọa mới về kinh tế do sự lây lan của biến thể Delta.
Phát biểu với báo giới, bà Christine Lagarde nhận định: “Việc mở cửa trở lại các bộ phận lớn của nền kinh tế đang hỗ trợ cho sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, biến thể Delta có thể cản trở sự phục hồi của các ngành dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và khách sạn”.
Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của IHS Markit cũng bày tỏ lo ngại: “Biến thể Delta gây ra rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế. Số ca lây nhiễm mới tăng cao đã khiến tâm lý lạc quan của giới kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2”.
Theo Wall Street Journal, sự khác biệt trong tốc độ gia tăng số ca mắc và các chương trình tiêm chủng, các biện pháp giãn cách của chính phủ, đồng nghĩa với việc đà phục hồi kinh tế đã, đang và sẽ có khả năng diễn biến khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Ví dụ như tại Úc, các doanh nghiệp đang chịu áp lực không nhỏ vì tổn thất tài chính trong làn sóng lây lan của chủng Delta khi mà chỉ mới 12% dân số được tiêm chủng.
Những thay đổi trên thị trường tài chính
Theo The Economist, lâu nay trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn được coi là nơi “trú ẩn an toàn” của giới đầu tư trong những thời điểm bất ổn. Tháng 3 vừa qua, các nhà đầu tư đã bán tháo chúng khi lo ngại lạm phát gia tăng, đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên mức 1,7%. Nhưng chỉ số này đã dần giảm trở lại kể từ khi những hoài nghi về sự phục hồi kinh tế bền vững càng trở nên có cơ sở.
Mối lo ngại về tăng trưởng dường như gia tăng đặc biệt mạnh mẽ vào ngày 19-7, khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,19%. S&P 500, chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, giảm tới 1,6%, với các công ty nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá cả hàng hóa cũng bị tác động mạnh. Giá dầu Brent giảm 7% xuống mức 69 đô la/thùng.
Theo Reuters, việc thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm và nhà đầu tư đổ tiền vào các tài sản an toàn, như trái phiếu chính phủ Mỹ thời gian qua, là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang nghi ngờ về triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Trao đổi với khách hàng, ông George Saravelos, Giám đốc chiến lược ngoại hối của Deutsche Bank, cho biết cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta, các thị trường tài chính đang gửi đi những tín hiệu cảnh báo về triển vọng kinh tế toàn cầu. “Khi giá cả leo thang, người tiêu dùng đang cắt giảm nhu cầu thay vì tăng cường chi tiêu. Điều này trái ngược lại với những gì người ta mong đợi khi lạm phát tăng, và cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang dần chạm tới giới hạn về tăng trưởng”.
Quan điểm đó cũng được thể hiện khá rõ ràng trong các dữ liệu mới nhất về dòng vốn. Ngân hàng Bank of America Merill Lynch đã nhấn mạnh những lo ngại về tình trạng đình trệ trong nửa cuối năm 2021, đồng thời lưu ý rằng dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán đang chậm lại, và dòng vốn chảy ra khỏi các tài sản có lợi suất cao đang gia tăng.
Theo các chuyên gia, sự tăng giá của đô la Mỹ trong thời gian tới so với euro và tiền tệ của các thị trường mới nổi là điều không có gì đáng ngạc nhiên, khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn. Ông Ludovic Colin, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Vontobel Asset Management, nhận định: “Bất cứ khi nào người Mỹ lo lắng về mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ hoặc kinh tế toàn cầu, họ sẽ đưa dòng tiền về nước và mua đô la”.
Còn trên thị trường chứng khoán, xu hướng đầu tư cũng được dự báo sẽ thay đổi đáng kể. Trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế đã đổ một lượng lớn tiền mặt vào các cổ phiếu mang tính chu kỳ như ngân hàng, giải trí, năng lượng... Đây đều là những công ty được hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cơn thủy triều này có vẻ như đang dần rút đi. Kể từ đầu tháng 7, các cổ phiếu tăng trưởng cao, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ đã vượt trội hơn 3 điểm phần trăm về mặt giá trị so với các cổ phiếu chu kỳ. Các cổ phiếu phòng thủ (loại cổ phiếu mang lại cổ tức và thu nhập ổn định, bất kể tình hình của thị trường chứng khoán) cũng đang được ưa chuộng trở lại. Giá trị của nhóm cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng tới 11% trong sáu tháng đầu năm nay. Theo các cuộc thăm dò hàng tuần của hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Mỹ, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn.
Nguồn: WSJ, Economist, Reuters, ADB