Đã trải qua gần 100 ngày kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện tại TP HCM, hơn 20 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và gần 20 doanh nghiệp (DN) đang áp dụng "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) để duy trì dòng chảy sản xuất - kinh doanh không bị đứt gãy. Khó khăn, áp lực chồng chất nhưng càng khó khăn, tinh thần của doanh nhân, DN càng kiên cường, mạnh mẽ hơn, quyết tâm vượt qua thách thức, ổn định hoạt động để hướng tới tương lai.
Kiên trì bám trụ
Vừa qua, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) dù phát hiện đến 43 ca nhiễm SARS-CoV-2 (F0) vẫn nỗ lực vừa phối hợp cùng các đơn vị chức năng thực hiện những biện pháp phòng chống dịch vừa xoay xở nhiều giải pháp để cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống (cụ thể là thịt heo) cho thị trường TP HCM, bảo đảm giá cả ổn định và khẩn trương triển khai các bước để khôi phục hoạt động giết mổ. Câu chuyện này đang là bài học lẫn tấm gương cho không ít DN tại TP HCM.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết các DN đang tổ chức "3 tại chỗ" với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Tại mỗi DN đang "3 tại chỗ", chỉ còn khoảng 30%-40% lao động tham gia trong khi việc bố trí mặt bằng tạm để người lao động ăn, nghỉ, sinh sống tại nhà máy đã phát sinh nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng, kho bãi, hệ sinh thái sản xuất đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì không đồng bộ; các phương tiện vận tải lưu thông hàng hóa qua mỗi địa phương có quy định kiểm soát khác nhau làm cho DN gặp không ít khó khăn.
Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn đang nỗ lực duy trì “3 tại chỗ”
"Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, chưa thể đánh giá được hết các tác động xấu đối với DN. "3 tại chỗ" khó bảo đảm an toàn tuyệt đối mà khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, DN nào cũng phải kiên trì theo nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch để không gây thiệt hại, tổn thất" - ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP HCM (HBA), cho biết đến 1/2 DN trong các KCX-KCN tại TP đang áp dụng "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến". Nhiều DN đã chấp nhận trả lương gấp rưỡi, gấp đôi để giữ công nhân ở lại nhà xưởng, cố gắng giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy vì nếu không giữ được đơn hàng trong thời điểm này thì giai đoạn tới sẽ khó lấy lại đơn hàng từ những đối thủ cạnh tranh ở các quốc gia khác.
Vì vậy, các DN đã chủ động hơn trong việc tổ chức, áp dụng quy trình phòng dịch. "Công ty TNHH Saigon Precision (KCX Linh Trung I) áp dụng "3 tại chỗ" cho 800 người và đang tuyển thêm 800 người để sản xuất linh kiện robot xuất khẩu. Công nhân mới được bố trí ở các khách sạn, trải qua 3 lần xét nghiệm âm tính mới được đưa vào nhà xưởng" - ông Bé nêu ví dụ. Theo ông, hầu hết các DN đã có phương án bảo vệ an toàn cho mình, có kịch bản cụ thể để ứng phó với tình huống có F0.
Sớm gỡ bớt gánh nặng
Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan rất nhanh trong cộng đồng và các KCX-KCN, việc áp dụng phương thức sản xuất - cách ly "3 tại chỗ" là giải pháp cần thiết để thiết lập các "vùng xanh" nhằm duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa. Dù vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế và có thể duy trì tối đa khoảng 1 tháng bởi công ty, nhà máy chỉ được thiết kế để phục vụ hoạt động sản xuất, không có chức năng nhà ở cho người lao động.
"Hơn 2 tuần qua, nhiều vấn đề về an toàn, vệ sinh lẫn tâm lý người lao động đã phát sinh. Ngoài ra, chi phí duy trì "3 tại chỗ" quá cao đang là gánh nặng đối với nhiều DN trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh giảm sút như hiện nay" - ông Duy nói thêm.
Theo ông Duy, thực tế cho thấy DN không thể kéo dài "3 tại chỗ" quá lâu mà cần mở rộng các biện pháp phòng chống dịch bằng cơ chế ưu tiên tiêm vắc-xin, phủ rộng phương pháp xét nghiệm nhanh để sàng lọc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lao động thay vì cách ly cơ học như hiện nay. "Bản thân DN ý thức rõ nhất về thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh. Do đó, cần có cơ chế trao quyền kiểm soát và tự chịu trách nhiệm đối với việc phòng chống dịch trong DN cho chủ DN" - ông Duy đề xuất.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cho rằng chỉ khoảng 10%-15% DN dệt may đáp ứng được tiêu chí "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến". Những nhà máy này đang duy trì khoảng 35%-50% lao động làm việc.
"Việc kéo dài sản xuất "3 tại chỗ" phát sinh nhiều vấn đề mà người quản lý chưa từng trải qua. Do đó, DN đề xuất được áp dụng linh hoạt về thời gian giãn ca, thay ca luân phiên giữa các nhóm người lao động trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh trong DN. Trường hợp phải áp dụng "3 tại chỗ" trong thời gian dài, cần có bộ tiêu chí "3 tại chỗ" phù hợp với đặc thù từng ngành nghề" - ông Việt kiến nghị.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, nhìn nhận dù "3 tại chỗ" rất mệt mỏi nhưng là phương thức để duy trì sản xuất và bảo đảm mục tiêu kép. "Chúng tôi đã giới thiệu rất nhiều cách làm tốt trên các phương tiện truyền thông của hội để DN thực hiện" - ông cho hay.
Mới đây, tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội DN TP HCM tổ chức, lãnh đạo Thành ủy đã chia sẻ với những khó khăn mà DN đang đối mặt. Đáp ứng đề xuất của các DN về một nhóm "xử lý nhanh" các vướng mắc của DN do lãnh đạo UBND TP HCM chủ trì, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đã chỉ đạo và giao Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì thành lập nhóm này. Nhóm có sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, tổ tư vấn của thành phố... nhằm tháo gỡ nhanh những ách tắc, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh trong và sau dịch.
Tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho địa phương và doanh nghiệp
Trong văn bản khẩn vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng các hiệp hội DN đề nghị Thủ tướng xem xét việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" để có những chỉ đạo tháo gỡ, cải thiện.
Theo Ban IV, thông tin nhanh từ các DN, hiệp hội ngành hàng cho thấy trong những ngày qua, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình "3 tại chỗ" ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng. Việc này không chỉ khiến DN và người lao động bị tác động nặng về tâm lý mà còn có thể gây ảnh hưởng tới DN khác trên địa bàn.
Từ bài học áp dụng "3 tại chỗ" ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV và các hiệp hội đề xuất việc áp dụng mô hình này nên tính toán thực hiện ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện "kiểm soát được". Bên cạnh đó, cần một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch, đồng thời giúp DN yên tâm vận hành.
Ban IV cũng đề nghị các địa phương yêu cầu DN thực hiện "3 tại chỗ" cần phải xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy "3 tại chỗ"; phổ biến, thảo luận trước với DN để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh. Đặc biệt, hạn chế tình trạng chậm trễ kiểm tra khi DN thông báo nghi ngờ phát dịch hoặc kiểm tra xong chỉ yêu cầu phong tỏa toàn bộ nhà máy với hàng trăm, hàng ngàn lao động một chỗ khiến dịch lan cấp số nhân.
"Đối với địa phương phía Nam đã xuất hiện F0 tại nhà máy "3 tại chỗ", do y tế địa phương quá tải, đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các DN, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và DN" - văn bản của Ban IV đề xuất.
Phương Nhung
Xem thêm: mth.16330710210801202-hnaod-hnik-taux-nas-cuhp-iohk-peihgn-hnaod-puig/et-hnik/nv.moc.dln