Người giao hàng đang là cầu nối giữa các hộ gia đình và bên ngoài xã hội - Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU
Điều ấy là cần thiết, nhưng thực tế đòi hỏi TP.HCM cũng cần có một chương trình hành động hợp lý hơn để đảm bảo ổn định đời sống người dân, đồng nghĩa với an dân và cũng là cơ sở để đảm bảo mục tiêu kép thành công.
Siêu thị vẫn mở cửa, nhưng muốn mua được hàng hóa không dễ, phải xếp hàng dài hàng trăm mét dưới trời mưa nắng, không biết ai quanh mình là F0, F1. Người dân không được ra khỏi địa bàn. Ngã ba, ngã tư nào cũng có chốt chặn, người giao hàng không được qua quận khác...
Tất cả quy định ngặt nghèo đó nhằm thực hiện nghiêm chỉ thị 16. Người dân đồng tình, nhưng liệu có cách nào khác vẫn đạt được mục tiêu chống dịch mà cuộc sống có phần dễ thở hơn không?
Lãnh đạo TP có thể bàn bạc với các chuyên gia xã hội học, chuyên gia phát triển cộng đồng để ban hành những cách thức nào đó giúp cuộc sống của người dân không bị đóng băng lại.
Có thể chỉ cần đưa ra những nguyên tắc cứng, thậm chí cao hơn chỉ thị 16, như khoảng cách không phải 2m mà là 3m, còn để người dân đưa ra sáng kiến để thực hiện hành vi trao đổi mà không vi phạm các nguyên tắc cứng đó.
Một cửa hàng sản xuất bánh mì có sáng kiến dùng gậy dài 3m đưa bánh mì và nhận tiền của khách hàng đảm bảo khoảng cách, số người không nhiều hơn 1, đầy đủ 5K... Như thế người dân trong khu vực vừa có bánh mì ăn sáng mà vẫn tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch.
Các shipper cần được ưu tiên tiêm vắc xin nhanh nhất, cho phép phạm vi hoạt động rộng hơn, thời gian làm việc được nới hơn, bởi trong bối cảnh này họ đang là cầu nối tốt nhất, hiệu quả nhất giữa hộ gia đình và bên ngoài xã hội.
Ngoài ra, có thể xây dựng một đội ngũ giao hàng có chức năng tương tự từ lực lượng thanh niên xung phong, đoàn thanh niên, bên cạnh việc đưa các xe bán thực phẩm lưu động đến từng ngõ hẻm như Bắc Ninh, Bắc Giang đã từng thực hiện.
Trong những ngày qua có rất nhiều thứ bị ách tắc, bởi những người thừa hành trực tiếp không biết và không có khả năng vận dụng linh hoạt trong bối cảnh cụ thể.
Sẽ rất ngớ ngẩn nếu trong tình huống nước sôi lửa bỏng này mà lập hội đồng đi tìm định nghĩa về loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu.
Bánh mì, sữa, băng vệ sinh, tiền mặt, thuốc tây, thức ăn gia súc và vật liệu sản xuất không có trong văn bản và không được coi là thiết yếu với cơ quan quản lý nhà nước và những người ở chốt kiểm soát, nhưng rõ ràng nó là thiết yếu với một bộ phận dân cư nào đó đang rất cần đến nó.
Chẳng hạn không có thức ăn cho heo, gà thì làm sao có thực phẩm cho người dân, làm sao đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế?
Trong bối cảnh như lúc này đây mới hiểu được tại sao Quốc hội khóa XV đã giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, bởi nếu quá cứng nhắc có khi lại hỏng cả việc lớn.
TTO - Một doanh nghiệp quy mô chỉ 8 người trên nhà xưởng rộng tới 2.000m² tại huyện Củ Chi bị cán bộ xã lập biên bản yêu cầu dừng sản xuất vì “không phải hàng thiết yếu”, dù đây là dây khóa kéo dùng cho quần áo bảo hộ y tế.
Xem thêm: mth.94282957020801202-taoh-hnil-av-gnod-uhc/nv.ertiout