Bác sĩ về hưu Phạm Biên nhanh nhẹn đo huyết áp cho người dân trước khi tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh: XUÂN MAI
Tại điểm tiêm vắc xin Trường THCS Lê Anh Xuân (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục khi được vị bác sĩ 71 tuổi cẩn trọng đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Đó là ông Phạm Biên, 71 tuổi, về hưu đã 11 năm, từng là bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Bình Dân, Viện Y dược học dân tộc, phó bí thư đoàn Ủy ban dân y khu Sài Gòn - Gia Định (năm 1971).
Ông là một trong số tình nguyện viên "đặc biệt" trong số hàng trăm người đã đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch theo lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ông tham gia hỗ trợ công tác sàng lọc tiêm vắc xin từ ngày 26-7 đến nay.
Thoạt đầu nhiều người không biết vị bác sĩ đang thao tác thuần thục là người cao tuổi do ông mặc đồ bảo hộ kín mít. Đến khi nhìn vào đôi mắt, một phần tóc và đôi mày bạc trắng họ mới vỡ lẽ.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, bác sĩ Biên chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Nhiều y bác sĩ trẻ tham gia chống dịch 3-4 tháng chưa được về nhà. Có người từ nhà đến nơi chống dịch xa hàng nghìn cây số mà họ vẫn sẵn sàng đi. Tôi cũng là bác sĩ được ngành y tế đào tạo, còn khỏe mạnh, lại sống tại thành phố mà không tham gia thấy cũng áy náy lắm. Tôi đã đăng ký để 'chia lửa' với ngành y tế".
"Trong danh sách, số thứ tự của tôi là 149", ông nói đầy tự hào. Ông cũng nhắn nhủ thế hệ trẻ nên xung phong tham gia chống dịch.
Cứ đúng 7h30 mỗi sáng, bác sĩ Biên có mặt tại các điểm tiêm vắc xin để hỗ trợ - Ảnh: XUÂN MAI
Mỗi sáng, cứ đúng 7h30, ông đã có mặt tại các điểm tiêm vắc xin theo kế hoạch của chính quyền địa phương để đo huyết áp trước khi tiêm cho người dân. Đến trưa, ông ăn cơm cùng lực lượng tiêm vắc xin và tranh thủ nghỉ ngơi một xíu rồi làm việc đến 17h.
Thấy ông tuổi đã cao, các y bác sĩ làm việc chung thường xuyên hỏi thăm sức khỏe. "Các bạn hay nói tôi nếu cảm thấy sức khỏe không tốt thì cứ nghỉ ngơi, nhưng tôi thấy tinh thần mình phấn chấn, sức khỏe tốt nên vẫn làm" - ông nói.
Ông cho biết lúc mới đăng ký hỗ trợ chống dịch thì gia đình phản đối, đặc biệt vợ ông. Thế là ngày ngày ông lại chia sẻ với vợ, con cháu về những vất vả, cực nhọc của các y bác sĩ tuyến đầu, dần dà gia đình mới đồng ý cho ông đi.
Trước khi đi chống dịch, ông ở nhà vừa trông cháu vừa cập nhật tình hình dịch bệnh và tìm hiểu các biện pháp phòng bệnh này. Những thông tin nào hữu ích, ông đăng lên tường Facebook cá nhân để mọi người tham khảo.
Bác sĩ về hưu Phạm Biên chia sẻ lịch tham gia hỗ trợ công tác sàng lọc trước khi tiêm vắc xin từ sau khi có trong danh sách là tình nguyện viên chống dịch - Ảnh: XUÂN MAI
Sau 6 giờ làm việc, ông tháo tấm chắn giọt bắn, lộ phần tóc và đôi chân mày đã bạc trắng nhưng đôi mắt còn tinh anh - Ảnh: XUÂN MAI
Ông Phạm Biên cùng đồng nghiệp trên 60 tuổi tại điểm tiêm vắc xin Trường THCS Lê Anh Xuân (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM tiếp tục kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công - tư; Hội Y tế TP.HCM; các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu; các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối thiết bị sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP.HCM. Số điện thoại đăng ký: 028.39309967 hoặc 0907.574.269 (Phòng tổ chức cán bộ - Sở Y tế TP.HCM).
TTO - Bác sĩ Phan Thị Phụng ở Cần Thơ đến tuổi về hưu để được nghỉ ngơi vui vẻ cùng con cháu. Nhưng bà xin ở lại, tình nguyện sát cánh cùng các y bác sĩ trẻ trong cuộc chiến điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng.