Nhiều địa phương bày tỏ cần kiểm soát chặt việc phòng dịch của tài xế chở hàng hóa để ngăn ngừa COVID-19 lây lan - Ảnh: NAM TRẦN
Đề nghị này được các địa phương đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải và sở giao thông vận tải 63 tỉnh, thành phố chiều 2-8.
Tổng hợp từ các nơi cho thấy đến ngày 2-8 đã cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên đi trên "luồng xanh" cho 220.711 xe tải. Số xe đăng ký cấp thẻ rất lớn nhưng do lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin chiếm phần lớn dẫn đến việc duyệt hồ sơ cũng mất nhiều thời gian.
Theo báo cáo của nhiều địa phương, để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thuận lợi, xe có thẻ nhận diện phương tiện đi trên luồng xanh không bị kiểm tra tại chốt kiểm dịch.
Tuy nhiên, do khả năng lây nhiễm rất cao của chủng Delta, nhiều địa phương đã kiểm tra và phát hiện nhiều tài xế không có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, giấy xét nghiệm hết hạn, đi không đúng lộ trình cho phép, xe không đúng với danh sách lái xe đã được đăng ký…
Đặc biệt, qua xét nghiệm tại các chốt phát hiện nhiều tài xế dương tính với virus SARS-CoV-2; tài xế lợi dụng xe được cấp thẻ nhận diện đã tổ chức chở người trái phép như phát hiện tại Hải Phòng, Sóc Trăng…
Các trường hợp lây nhiễm COVID-19 tại Bình Thuận phần lớn do nguồn lây từ đội ngũ tài xế vận tải..
Trước tình trạng trên, các địa phương bày tỏ quan ngại về tính tự giác và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ xe và tài xế về chấp hành các quy định phòng chống dịch.
"Hiện Thành ủy Hải Phòng đã có chỉ đạo tổ chức các bãi tập kết hàng hóa, cũng như yêu cầu doanh nghiệp tổ chức quản lý tập trung đội ngũ tài xế, không để họ di chuyển, tiếp xúc rộng. Nếu doanh nghiệp không bố trí được thì UBND các quận, huyện nghiên cứu sắp xếp, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả" - ông Vũ Duy Tùng, giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, cho biết.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng đến nay giao thông cả nước đã cơ bản đảm bảo thông suốt, các giải pháp đã được điều chỉnh kịp thời.
"Nguy cơ" quá tải tại cảng Cát Lái
Theo ông Nguyễn Xuân Sang - cục trưởng Cục Hàng hải, từ khi đi vào hoạt động, cảng Cát Lái (TP.HCM) luôn hoạt động gần như hết công suất. Tuy nhiên tốc độ luân chuyển hàng luôn đảm bảo nên chưa xảy ra việc quá tải. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất kinh doanh, khiến cho nguyên vật liệu dư thừa, ứ đọng tại các bãi tập kết hàng trong cảng, trong khi hàng vẫn được nhập về cảng Cát Lái.
Để khắc phục, Cục Hàng hải đã chỉ đạo cảng vụ phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai các giải pháp như: tăng cường rút hàng ra cảng, doanh nghiệp tuy đã dừng sản xuất nếu kho bãi vẫn còn thì tiếp tục nhận hàng về; rà soát các khu công nghiệp nếu còn đất trống thì đưa hàng hóa về để giải tỏa hàng trong cảng; đưa các container rỗng ra ngoài, giảm lượng tàu, hàng về Cát Lái; giảm lượng hàng của các doanh nghiệp dừng hoặc giãn sản xuất.
Tuy nhiên về căn cơ, ông Sang vẫn cho rằng phải thực hiện được tốt các giải pháp phòng chống dịch để sản xuất, lưu thông hàng hóa bình thường trở lại.
TTO - Ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh cũng như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt.
Xem thêm: mth.73640250220801202-ex-iat-auc-hcid-gnohc-gnohp-ceiv-art-meik-tahc-teis/nv.ertiout