Nhiều chợ, siêu thị tại Hà Nội tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch
Vân Ly
(KTSG Online) - Tính đến ngày 2-8, tại Hà Nội có một loạt chợ, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi trên các phố phải tạm dừng hoạt động, hoặc đóng cửa một phần vì có liên quan đến bệnh nhân Covid-19.
Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phong tỏa từ ngày 28-7 do có ca nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Ngày 2-8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tạm thời phong tỏa, dừng hoạt động chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai) để phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới. Chợ này bị phong tỏa do tại chợ đầu mối này có F0 kinh doanh tại đây. Ngay khi nắm bắt thông tin, UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với F0.
Ngày 31-7, UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo nhân viên phun khử khuẩn toàn bộ vị trí kinh doanh của các hộ trên, đồng thời yêu cầu 4 hộ kinh doanh tạm thời nghỉ ở nhà cho đến khi có thông báo mới. Đêm 1-8, UBND quận tiếp tục chỉ đạo truy vết các hộ kinh doanh xung quanh 4 hộ nêu trên và các hộ kinh doanh nấm tại chợ Minh Khai.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, UBND quận Bắc Từ Liêm thông báo và yêu cầu Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai ra thông báo tạm thời phong tỏa, đóng cửa, ngừng ngay hoạt động chợ đầu mối Minh Khai. Đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ này nghỉ và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt… báo ngay cho trạm y tế phường nơi cư trú. Chợ đầu mối Minh Khai cũng được cơ quan chức năng thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ chợ.
Còn tại một chợ đầu mối khác của Hà Nội, tối 1-8, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định phong tỏa tạm thời khu vực kinh doanh hải sản tại chợ Long Biên do có một tiểu thương nhiễm Covid-19. Quận Ba Đình chỉ tiến hành phong tỏa khu vực kinh doanh hải sản bởi đây là khu vực hoạt động độc lập, các khu kinh doanh khác tại chợ Long Biên vẫn hoạt động bình thường.
Chợ Phùng Khoang (Hà Nội) cũng đã được phong tỏa vài ngày nay do có một người bán rau rại đây nhiễm Covid-19. Sáng 1-8, các tiểu tương tại đây đã được y tế lấy mẫu xét nghiệm. Các ki ốt tại chợ này cửa đóng then cài vào ngày 2-8.
Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội (còn gọi là chợ Đền Lừ) cũng được chính quyền sở tại phong toả ngay từ tối 27-7 do một phụ nữ bán trứng nhiễm Covid-19...
Để đảm bảo an toàn, giãn cách mật độ người dân đến mua hàng tại các chợ chưa có ca mắc Covid-19, hiện hầu hết các chợ tại Hà Nội đã tổ chức phát phiếu đi chợ cho người dân. Với phiếu đi chợ này, mỗi gia đình thường được phát phiếu đi chợ với tần suất 3 ngày 1 lần. Một số chợ còn quy định khung giờ 2 tiếng tiếng nhất định trong ngày quy định mà người nhận phiếu có thể đi chợ mua thực phẩm.
Không chỉ các chợ trên, sáng 2-8, nhiều người dân Hà Nội hoang mang khi cơ quan chức năng cho biết có hơn 20 người tại Công ty thực phẩm Thanh Nga (82/651 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bị nhiễm Covid-19. Bởi đây là công ty có cung cấp thịt cho hệ thống cửa hàng tiện ích VinMart+ trên các phố và siêu thị VinMart. Trong khi đó đây là hệ thống siêu thị, cửa hàng được nhiều người dân Hà Nội chọn mua hàng hóa.
Đến chiều ngày 2-8, đã xác định có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các F liên quan F0 của công ty Thanh Nga và phối hợp các biện pháp phòng dịch phù hợp. Trong khi đó có đến hàng nghìn cửa hàng và siêu thị mang thương hiệu này ở Hà Nội.
Được biết, ngay khi nhận được thông tin xác định các ca F0 liên quan đến nhà cung ứng thực phẩm là công ty Thanh Nga, VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi thương hiệu VinMart, VinMart+) đã dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này. Ngay trong đêm 1-8, VinCommerce đã yêu cầu nhân viên toàn hệ thống tại khu vực Hà Nội tự khai báo y tế. Các trường hợp có tiếp xúc với các F theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh được yêu cầu tự cách ly lập tức.
Các siêu thị, cửa hàng nhận được thông báo của chính quyền địa phương đã và đang phối hợp thực hiện các biện pháp như phối hợp cơ quan y tế địa phương tiến hành truy vết các F, cách ly y tế theo quy định; tiến hành phun khử khuẩn cửa hàng/siêu thị và thực hiện mọi biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn phòng chống dịch của các cơ quan chức năng. Tiếp tục hoạt động hoặc tạm đóng cửa cửa hàng/siêu thị để cách ly các F liên quan. Thay thế nhân viên để đảm bảo an toàn cho khách hàng, cán bộ nhân viên. Các cửa hàng/siêu thị sẽ chỉ được mở cửa trở lại khi đảm bảo không gian mua sắm an toàn và được sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Đối với khách mua hàng tại các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho rằng, nguy cơ lây nhiễm không cao. Người mua sản phẩm từng được F0 vận chuyển khó có thể bị nhiễm Covid-19. Đến nay, CDC Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm qua tiếp xúc bề mặt. Khả năng này vẫn có nhưng trên thực tế hiếm khi xảy ra. Nhân viên của siêu thị trực tiếp nhận hàng, giao dịch với F0 là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Bởi hiện Covid-19 chủ yếu vẫn là lây nhiễm qua tiếp xúc gần, qua giọt bắn. Còn bề mặt hàng hóa từng được chạm tay bởi người có mầm bệnh thì khả năng lan truyền virus cũng không cao. Đặc biệt nếu người dân tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.