Thị trường chứng khoán phiên 2/8 biến động theo chiều hướng tích cực nhưng mức tăng của các chỉ số không còn mạnh như 2 phiên cuối tuần trước. Dù vậy, đây cũng là phiên tăng điểm thứ 6 của riêng VN-Index.
Các chỉ số mở cửa phiên giao dịch với áp lực bán mạnh và đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng dâng cao và giúp các chỉ số hồi phục trở lại. Đà tăng của các chỉ số được duy trì trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Thậm chí, sau giờ nghỉ trưa, lực cầu dần mạnh hơn và giúp nới rộng sắc xanh của các chỉ số. Nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến một phiên tăng điểm mạnh của các chỉ số, tuy nhiên, trái với những suy nghĩ này, áp lực bán đột ngột dâng cao và khiến hàng loạt cổ phiếu lớn giảm giá. Các chỉ số thu hẹp đà giảm theo chiều thẳng đứng xuống.
Những bất ngờ liên tiếp xảy ra, khi các chỉ số lùi về gần mốc tham chiếu thì lực cầu lại xuất hiện và giúp giữ được sắc xanh nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,17 điểm (0,32%) lên 1.314,22 điểm. Toàn sàn có 209 mã tăng, 167 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,08 điểm (0,03%) lên 314,93 điểm. Toàn sàn có 104 mã tăng, 97 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (0,48%) lên 87,35 điểm.
Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa trở lại ở phiên 2/8, trong đó, các cổ phiếu như HVN, GAS, BID, MWG, BVH, VJC, FPT, MSN… vẫn giao dịch theo chiều hướng tích cực. Trong đó, HVN tiếp tục bứt phá tăng 5,8% lên 22.750 đồng/cp và khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị, trước đó, HVN đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp. Bên cạnh đó, GAS tăng 4,4% lên 93.500 đồng/cp, BID tăng 3,5% lên 42.550 đồng/cp, MWG tăng 3,5% lên 169.900 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu như SAB, VCG, LPB, STB, CTG, SHB, MSB, ACB… đều chìm trong sắc đỏ. SAB giảm 2,5% xuống 155.100 đồng/cp, LPB giảm 2% xuống 25.000 đồng/cp, STB giảm 2% xuống 25.000 đồng/cp, VCB giảm 2,3% xuống 43.100 đồng/cp. Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II mới công bố, doanh thu của VCG giảm 8% xuống 1.408 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý II/2021 doanh hoạt động tài chính ghi âm gần 297 tỷ đồng, điều này đến từ việc hạch toán giảm trừ phần lợi nhuận tương ứng 35% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc (Nedi 2). Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VCG lỗ gần 66 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 349 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 467 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Công ty lãi ròng 6 tháng hơn 279 tỷ đồng, giảm 32,4% so với thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2020.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, sự phân hóa vẫn diễn ra mạnh, trong đó, PDR tăng 1,2% lên 93.600 đồng/cp, NVL, VIC và THD đều tăng dưới 1%. Trong khi đó, VRE và VHM đều có mức giảm nhẹ lần lượt 0,5% và 0,2%.
Đối với nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, do hầu hết các đơn vị đều công bố BCTC quý II nên giao dịch ở nhóm này không còn quá nhiều sự đột biến. Trong đó, nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh như PTL, TIG, BII, HPX, IDJ, AGG, AMD… PTL tăng 6,9% lên 8.870 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng điểm thứ 13 liên tiếp của cổ phiếu này từ mức chỉ 4.330 đồng/cp lên 8.870 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, NRC giảm đến 6,4% xuống 17.500 đồng/cp. Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như CEO, OGC, DXS, NLG, FLC… cũng chìm trong sắc đỏ.
Thanh khoản thị trường phiên 2/8 giảm so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 7,5%.
Khối ngoại mua ròng khoảng 300 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 8/2, trong đó, các mã bất động sản như VHM hay NVL nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 48 tỷ đồng và 28 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC và VRE là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 21 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp với mức tăng nhẹ sau khi chịu áp lực bán mạnh từ khoảng 14h trở đi. Thanh khoản tuy giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền có sự quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã tiến vào target của sóng hồi phục nên những rung lắc có thể tiếp tục diễn ra trong phiên tới. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 3/8, thị trường có thể sẽ rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 1.300 - 1.325 điểm (fibonacci retracement 31,8% - 50% sóng điều chỉnh a).
Xem thêm: lmth.59750000042210202-8-2-neihp-gnort-hnam-aoh-nahp-nas-gnod-tab-ueihp-oc/nv.semitaer