Tờ South China Morning Post đưa tin ngày 2-8 Đức đã điều một tàu khu trục nhỏ đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm một tàu Đức đến khu vực - điều mà giới phân tích cho là có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ của Berlin với Bắc Kinh.
Với hơn 200 binh sĩ, tàu Bayern đã khởi hành từ bến cảng Wilhelmshaven để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng nhằm tăng cường sự hiện diện của Đức ở khu vực. Dự kiến con tàu này sẽ đến Singapore, Hàn Quốc và Úc.
Các binh sĩ trên tàu Bayern. Ảnh: DPA
Đặc biệt, vào tháng 12, nó cũng sẽ đi qua Biển Đông - nơi đang là tâm điểm cho cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.
Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết: "Thông điệp rất rõ ràng: Cùng với các đối tác và đồng minh, Đức đang đứng lên vì các giá trị và lợi ích của mình".
"Đối với các đối tác của chúng tôi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thực tế là các tuyến đường biển không còn thông thoáng và an toàn nữa, và các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đang được áp dụng theo quy luật của kẻ mạnh" - bà nói thêm.
Dù vậy, bà Kramp-Karrenbauer khẳng định sứ mệnh không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào và lưu ý rằng Đức đã đề nghị thăm một bến cảng của Trung Quốc "để duy trì đối thoại".
Các quan chức ở Berlin cho biết hải quân Đức sẽ bám sát các tuyến đường thương mại chung. Dự kiến, tàu khu trục này cũng không đi qua eo biển Đài Loan.
Ngoài ra, con tàu cũng sẽ tham gia sứ mệnh chống cướp biển Atalanta của Liên minh châu Âu ở Đông Phi và giúp giám sát các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông từ lâu đã làm gia tăng căng thẳng với phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần trước nhấn mạnh các tuyên bố của Trung Quốc "không có cơ sở trong luật pháp quốc tế".
"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi sẽ quyết định trật tự quốc tế trong tương lai. Chúng tôi muốn giúp định hình nó và đảm bảo xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói hôm 1-8.