Nghị định 67/2021/NĐ-CP có thúc đẩy được tiến trình cổ phần hóa DNNN?
Lê Trần
(KTSG Online) - Chính phủ ngày 15-7-2021 đã ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định này được ban hành nhằm tăng cường quản lý tài sản công, đặc biệt tại doanh nghiệp nhà nước.
Một mục tiêu không kém phần quan trọng là nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác sắp xếp nhà đất tại doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa.
Bên cạnh những hiệu quả từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thực tế vẫn tồn tại những mặt hạn chế đòi hỏi phải thúc đẩy cơ cấu lại khu vực đang là nòng cốt của nền kinh tế. Ảnh minh họa là hoạt động sản xuất của Nhà máy Sợi thuộc Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định, một doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, tại các hội nghị, diễn đàn về quản lý, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, đại diện các bộ ngành và doanh nghiệp đều nêu ra lý do của việc chậm cổ phần hóa là do việc sắp xếp các cơ sở nhà đất tại doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như VNPT, Agribank, TKV, Vinachem… điển hình như VNPT, Agribank có tới hàng ngàn cơ sở nhà đất với hàng triệu mét vuông đất đang được giao quản lý, khai thác và sử dụng.
Vậy, Nghị định 67/2021 có thực sự tháo gỡ được nhiệm vụ sắp xếp nhà đất để thúc đẩy cổ phần hóa hay không?
Những điểm mới của Nghị định 67/2021
Nghị định 67/2021 có khá nhiều điểm mới như quy định rõ hơn về phạm vi nhà đất cần thực hiện sắp xếp (trong đó, tập trung chỉ rõ những cơ sở nhà đất không phải thực hiện sắp xếp như nhà đất là hàng hóa của dự án đầu tư, nhà đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng, nhà đất gắn liền với khu công nghiệp, nhà đất thuộc doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản, nhà đất hình thành từ nguồn quỹ phúc lợi và nhà đất thuộc ngân hàng mua bắt buộc.
Nghị định cũng mở rộng đối tượng sắp xếp ra nhóm đối tượng doanh nghiệp cấp II, cấp III theo phương thức tính vốn gián tiếp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó, quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc xem xét, phê duyệt phương án và ban hành quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất có nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất từ 500 tỷ đồng trở lên tính trên một cơ sở nhà, đất thuộc trung ương quản lý.
Điểm quan trọng liên quan đến sắp xếp nhà đất cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nằm ở thẩm quyền quyết định hình thức sắp xếp nhà đất. Theo đó, đối với các hình thức sắp xếp khác không thuộc 08 hình thức quy định tại Điều 7, Nghị định 167/2017(1), Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ, địa phương và Bộ Tài chính.
Kỳ vọng nào từ Nghị định 67/2021
Thực ra, Nghị định 167 đã có hình thức sắp xếp khác để áp dụng đối với các cơ sở nhà đất không thể sắp xếp vào các hình thức sắp xếp phù hợp. Tuy nhiên, thực tế, hình thức sắp xếp này không áp dụng được vì Nghị định 167 không quy định rõ thẩm quyền quyết định hình thức này. Đến nay, thẩm quyền được chỉ rõ là Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà đất được đặt vào hình thức này.
Theo báo cáo của VNPT(2), đơn vị này đã hoàn thành sắp xếp khoảng 95% các cơ sở nhà đất đang quản lý. Agribank cũng báo cáo một con số gần như tương tự, còn lại 109/2.174 cơ sở nhà đất chưa thể sắp xếp được(3).
Như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho các DN này được tiếp tục tạm quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất còn lại, chưa được sắp xếp để cổ phần hóa (xem như đây là một hình thức sắp xếp khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) thì khó khăn, trở ngại trong công tác sắp xếp nhà đất trước khi cổ phần hóa được hoàn thành.
Nếu chỉ dừng lại ở đó, quá trình cổ phần hóa các DNNN lớn khả năng sẽ rất nhanh. Tuy nhiên, thực tế, quy trình cổ phần hóa theo Nghị định 126 còn khá nhiều công việc cần phải xử lý(4). Trước hết, lại liên quan đến nhà đất, DNNN còn cần phải làm thêm một quy trình nữa, đó là trình duyệt Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý. Để phê duyệt phương án này, DN lại phải lập phương án, gửi chủ sở hữu xin ý kiến chính quyền địa phương rồi mới được phê duyệt. Đối với những doanh nghiệp lớn như VNPT, Agribank, khối lượng công việc này ắt không hề nhỏ. Vì vậy, kỳ vọng sớm cổ phần hóa các DNNN lớn là không hề khả thi.
Nhìn lại cả quá trình quản lý, giám sát, đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN một thập niên qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy hệ thống pháp lý Việt Nam đã di chuyển từ thái cực lỏng lẻo, mơ hồ (việc cổ phần hóa rất đơn giản, dễ dàng gây mất mát, thiệt hại tài sản cho nhà nước) chuyển nhanh sang thắt chặt thái quá (quá trình sắp xếp tài sản quá phức tạp, rườm rà dẫn đến chậm cổ phần hóa, thoái vốn). Thiết nghĩ, hành lang pháp lý về quản trị DNNN cần có một cuộc cải cách giảm can thiệp, điều tiết (deregulation). Chỉ khi đó, nguồn lực nhà nước tại khu vực này mới được khơi thông, góp phần cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước./.
-------------------------------------------------------
(1) Bao gồm: 1. Giữ lại tiếp tục sử dụng; 2. Thu hồi; 3. Điều chuyển; 4. Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 5. Chuyển mục đích sử dụng đất; 6. Chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; 7. Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng và 8. Sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.
(2) https://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/bai-3-vo-ke-hoach-co-phan-hoa-vi-dat-dai-tai-chinh-va-he-luy-tu-dai-dich-covid-19-165063.html
(3) https://nhadautu.vn/agribank-no-luc-thao-go-kho-khan-de-som-co-phan-hoa-d52582.html
(4) Hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp; Hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của doanh nghiệp; Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của công ty đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; Lập dự toán chi phí cổ phần hóa theo chế độ quy định; Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý phù hợp với quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trong từng thời kỳ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Lập danh sách và phương án sử dụng lao động đang quản lý; Lựa chọn phương pháp, hình thức xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến cổ phần hoá.
Xem thêm: lmth.nnnd-aoh-nahp-oc-hnirt-neit-coud-yad-cuht-oc-pc-dn120276-hnid-ihgn/360913/nv.semitnogiaseht.www