Nhiều người dân cũng đội mưa hỗ trợ bốc dỡ hàng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Bà con đang cần lắm
Cuộc chiến chống dịch có thể nhìn thấy rõ ràng khi chiếc xe tải lao qua những khu phong tỏa, nơi những người ở tuyến đầu đang đội mưa bảo vệ trật tự. Điều ấy khiến chúng tôi càng thêm niềm tin bình yên sẽ trở lại với Sài Gòn khi tất cả cùng đồng lòng chống dịch.
TP.HCM những ngày cuối tháng 7 mưa tầm tã. Ông Lê Phước Hậu, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN quận Tân Phú, vội chạy ra đường Tân Kỳ Tân Quý dẫn xe nhanh chóng di chuyển vào điểm nhận hàng ở số 39 đường Tân Hương (quận Tân Phú). 6h sáng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN quận Tân Phú đã cử lực lượng và xe tải nhỏ chờ sẵn từ trước để chuyển 4 tấn dưa bà con thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) gửi vào. Mặc mưa lớn đổ ào, mọi người vẫn khẩn trương chuyển dưa.
Ông Hậu bảo rằng: "Những ngày qua, người dân TP.HCM nhận rất nhiều tình cảm của bà con các vùng miền. Nhiệm vụ chúng tôi là kịp thời đưa những phần quà yêu thương này đến tay người dân đang khó khăn sớm nhất có thể. Những người làm nhiệm vụ như chúng tôi bất kể thời gian nào cũng phải chuẩn bị lực lượng để tiếp nhận và chuyển đi ngay. Có hôm 11h đêm vẫn còn nhận hàng chuyển vào khu cách ly. Lúc này bà con đang cần lắm!".
Chúng tôi cảm nhận được lời ông Hậu nói. Khi chiếc xe dừng lại, rất nhiều người dân nghèo khó tụ lại xin quà. Thế là tài xế Hoàng Anh Tiến phải lấy chính thức ăn, gạo, mắm mà ông mang theo dùng riêng đưa cho những cụ già và mong bà con còn lại thông cảm bởi danh sách bà con ở các khu cách ly đang chờ chuyến hàng này. Ông Tiến nói xong lại buồn thiu, mấy chục năm ra vào TP.HCM chưa khi nào ông thấy người dân nơi này lại khó khăn đến vậy.
Khi những chiếc xe và bóng người ở tuyến đầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN quận Tân Phú rời đi trong màn mưa. Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM nhanh chóng tiếp nhận những phần quà. Bà Trần Thị Hồng Hoa, phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi, nhìn hàng chục tấn hàng chất đầy cả tiền sảnh thở dài: "Nhìn thì nhiều nhưng chẳng đủ tiếp tế cho bà con. Chỉ riêng hội đồng hương đã nhận hơn 30.000 lượt đăng ký của bà con khó khăn rồi" - bà Hoa nói.
Anh Hiền (phải) đưa hàng hóa nghĩa tình đồng bào đến người dân tại khu phong tỏa đường số 39 - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Nghĩa tình vào khu cách ly
Sự vội vã của ông Hậu, những cuộc điện thoại liên tục của bà Hoa để chuyến hàng nhanh chóng được chuyển đi chứa đủ đầy sự trách nhiệm và sẻ chia vào lúc này. Câu "Không để người khó khăn đói ăn" chẳng phải khẩu hiệu suông mà thật sự đang rầm rập ở Sài Gòn. Chỉ có điều nhu cầu của người dân khó khăn lúc này là quá lớn. Bao nhiêu yêu thương của cả nước với những chuyến xe nối nhau về TP.HCM có lẽ vẫn chưa thể lấp đầy.
Những chuyến xe đến giao hàng, các thành viên trong Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM đang í ới nhau phân chia quà thành từng túi nhỏ. Lượng hàng hóa rất lớn phải phân ra khiến ai cũng vội vã. Thời gian ăn cơm đôi khi chẳng có, nhiều chị em vì thức đêm thức hôm chia quà mà đôi mắt thâm sâu, gầy hóp. Nhưng khi nghĩ về lý do, thử thách để ngần ấy hàng hóa vào được tận đây khiến mọi người lại cười động viên hoàn thành nhiệm vụ nghĩa tình.
"Để lên xe nhỏ 10 phần, còn lại cứ chất lên xe tải để tui đi Bình Chánh" - tiếng anh Tô Văn Hiền (40 tuổi, người Quảng Ngãi) vọng lại từ xa. Anh Hiền cùng một nam thanh niên khác vội khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế và lên đường. Đích đến là UBND huyện Bình Chánh và khu phong tỏa trên đường số 39 (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).
Thành phố lặng lẽ, những âm thanh ồn ào ngày thường mất hút. Ngồi trên xe, anh Hiền bảo dịch khiến công việc đình trệ, nhiều người nghèo chật vật tìm cái ăn, nhất là các bà con đang trong khu phong tỏa. Thế là anh Hiền tham gia chuyển hàng tiếp tế.
Anh tâm sự: "Nhìn đồng bào mình khó khăn ai mà không xót, nhưng vì sau lưng còn vợ con, bố mẹ, gia đình nên muốn làm gì cũng phải tính toán cẩn thận, lỡ mang bệnh về cho gia đình thì ân hận lắm". Dẫu sao lo lắng ấy cũng là dễ hiểu, bởi dịch bệnh nguy hiểm, sơ sẩy để nhiễm bệnh sẽ là thành gánh nặng cho xã hội.
Câu chuyện yêu thương chưa kịp kết thúc, xe đã đến đường số 39. Nơi đó, thép gai, dây băng giăng kín toàn bộ khu vực, nhà nhà đóng sập cửa. Anh Hiền trình báo với lực lượng làm nhiệm vụ rồi nhanh chóng kết hợp với người đi cùng chuyển toàn bộ quà qua bên kia hàng thép gai phong tỏa. Ở đằng xa, người dân đang chờ nhận hàng. Có đi mới thấy được mùa dịch, những "người vận chuyển" vào khu phong tỏa phải mướt mồ hôi bê từng gói hàng bởi chẳng ai hỗ trợ. Người cách người xa về khoảng cách nhưng yêu thương lại rất gần.
Những chuyến xe như anh Hiền đang tỏa ra khắp Sài Gòn. Mỗi ký gạo, thùng mì, sữa, nước mắm, dầu ăn, trái cây... đến tay bà con lúc này là rất quý. Ông Bùi Đình Trình (41 tuổi, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) kể chuyện khu phố ông ở đã phong tỏa để phòng dịch suốt gần hai tháng nay. Có đợt kéo dài hơn ba tuần, có đợt vừa gỡ bỏ được vài hôm đã tiếp tục phong tỏa. "Khi nghe tin có hàng đến hỗ trợ, ai cũng mừng. Lúc nhận quà, có người còn rưng rưng khóc nữa kìa" - ông Trình tâm sự.
Những người trong khu phong tỏa như ông Trình rất cần nhu yếu phẩm, nhưng họ không nhận cho riêng mình. Khu phong tỏa đông người, chẳng phải ai cũng trong danh sách nhận. Bởi vậy, cái ăn cũng được sẻ chia.
Chị Đỗ Thị Thu Thảo (27 tuổi, TP Thủ Đức) từ Quảng Ngãi vào TP.HCM trọ học, rồi lập gia đình, gắn bó nơi này đã 8 năm. Từ ngày khu chị sống bị phong tỏa, chồng chị "3 tại chỗ", ở lại ngân hàng làm việc, còn chị tạm nghỉ việc ở nhà chăm con. Nhận được phần quà, chị Thảo đã bật khóc. Chị xin thêm vài cái bao nilông để "xẻ" phần quà ra làm 5 phần.
"Tôi đã là may mắn rồi. Nhiều cô chú thất nghiệp, nuôi 3, 4 đứa con. Giờ phong tỏa, họ cần thức ăn lắm. Tôi chia cho mỗi người một ít. Dẫu sao tôi cũng chỉ có 2 mẹ con" - chị Thảo nói.
Đồng bào trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn sẵn sàng sẻ chia. Càng trong lúc khó khăn, tinh thần ấy càng hiện rõ. Chị Hiền nói: "Có đồng bào thì mới có đồng hương, như có Tổ quốc thì ta mới có quê hương vậy đó". Câu nói khiến chúng tôi nhớ lại những chuyến xe với băngrôn "Miền Trung ơi", "Bà con miền Trung cố lên", "Hướng về bà con miền Trung lũ lụt"... chạy khắp miền Trung mỗi đợt thiên tai hoạn nạn.
Còn chúng tôi, những người từ miền Trung gửi yêu thương đến Sài Gòn, lại nhớ câu nói của ông Bùi Đức Thọ, phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Ngãi: "Quảng Ngãi sẽ giúp TP.HCM cho đến ngày thắng dịch. Như người TP.HCM đã giúp người dân miền Trung hết đợt lũ này đến đợt bão kia...".
Những chuyến xe xuyên qua thành phố, những ngả đường thưa vắng người đi. Thành phố vẫn đang gồng mình chống dịch và vẫn nhận được sự yêu thương của đồng bào khắp cả nước.
Bà Huỳnh Thị Út, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN huyện Bình Chánh, nói: "Rất cảm kích tấm lòng nghĩa tình của đồng bào miền Trung và cả nước với hàng ngàn chuyến hàng chuyển về Bình Chánh nói riêng và TP.HCM nói chung. Đó là hành động rất nghĩa tình".
TTO - Con rể, cha vợ chung nghề tài xế, họ chung luôn cả suy nghĩ hướng về miền Nam thân yêu. Cha con bất chấp hiểm nguy, xung phong ngược xuôi cùng những chuyến xe hàng chở nghĩa tình thơm thảo miền Trung về đồng bào miền Nam.
Xem thêm: mth.59854631220801202-ohp-hnaht-hnit-na-auig-iouc-yk-mchpt-ev-gnouht-uey-hnirt-hnah/nv.ertiout