Robinhood Markets, công ty tạo nên cuộc cách mạng miễn phí giao dịch chứng khoán, lên sàn Nasdaq vào ngày 29/7.
Buổi IPO của Robinhood đánh dấu hơn một năm hoạt động của các nhà đầu tư nhỏ lẻ bùng nổ, với một loạt sự kiện bất ngờ: nhà đầu tư thông thường đổ xô mua chứng khoán của doanh nghiệp phá sản như Hertz Global Holdings, tập hợp trên mạng để đẩy giá cổ phiếu meme như GameStop lên cao chót vót, dồn lực mua tiền mã hóa và quyền chọn.
Ứng dụng giao dịch dễ sử dụng, thành công trong việc thu hút giới trẻ và tốc độ tăng trưởng chóng mặt biến Robinhood trở thành hiện tượng không thể không nhắc đến của thời kỳ phong tỏa.
Đối với một số người như huyền thoại Warren Buffett và Charlie Munger, Robinhood đã khiến đầu tư biến thành một trò chơi, khuyến khích các "tay mơ" trở nên liều lĩnh.
Về phần mình, Robinhood nói rằng họ đã giúp việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn với nhiều người, giảm bớt rào cản, và các nhà đầu tư quá khích chỉ là một phần nhỏ trong cơ sở khách hàng của công ty.
Một điều mà mọi người đều có thể đồng ý là Robinhood đã tạo ra dấu ấn không thể xóa nhòa trong ngành môi giới chứng khoán và với nhà đầu tư:
1. Đầu tư không mất phí
Trên thực tế, Robinhood không phải là công ty đầu tiên bỏ phí giao dịch. Công ty môi giới Zecco.com cho khách hàng 40 giao dịch cổ phiếu miễn phí mỗi tháng khi mới thành lập vào năm 2006. Nhưng sang đến năm sau, Zecco giảm ưu đãi xuống.
Ngược lại, thời điểm xuất hiện của Robinhood không thể nào tốt hơn.
Khi Robinhood ra mắt ứng dụng vào năm 2015, các công ty môi giới khác tính phí 5 đến 10 USD cho mỗi giao dịch. Robinhood không thu phí và không yêu cầu số dư tài khoản tối thiểu, Bloomberg cho biết.
Các đặc điểm khác của Robinhood như tặng cổ phiếu miễn phí và cho khách hàng biết người dùng trên nền tảng đang mua mã nào mang lại cho người mới điểm bắt đầu.
Sự phổ biến của ứng dụng Robinhood đã buộc các đối thủ giảm phí xuống 0. Tại thời điểm này, nhà đầu tư nhỏ lẻ không còn trả phí giao dịch trên bất kỳ nền tảng lớn nào.
Công ty môi giới chứng khoán vẫn kiếm được tiền bằng cách chuyển lệnh cần xử lý đến các công ty mua bán chứng khoán kiếm lời từ chênh lệch nhỏ của giá thị trường. Môi giới nhận được tiền từ những công ty này.
3/4 doanh thu năm 2020 của Robinhood đến từ những khoản thanh toán dựa trên giao dịch kiểu trên.
2. Nhà đầu tư mua từng 0,1 cổ phiếu
Quan trọng hơn cả việc miễn phí giao dịch, Robinhood đã phổ biến hóa ý tưởng về "cổ phiếu phân mảnh", cho phép nhà đầu tư mua từng phần nhỏ của cổ phiếu.
Ví dụ, khách hàng của Robinhood có thể sở hữu một phần nhỏ của Amazon chỉ với 1 USD thay vì phải bỏ ra 3.327 USD cho một cổ phiếu.
Các công ty môi giới lâu năm ngày càng nhận ra lợi ích của việc chăm lo cho các khách hàng với hầu bao eo hẹp. Fidelity Investments đã công bố chương trình cho phép thanh thiếu niên mua bán cổ phiếu phân mảnh.
3. Phổ biến hóa các khoản đầu tư rủi ro
Theo Bloomberg, Robinhood là ứng dụng được xây dựng chủ yếu để giao dịch ba loại tài sản: cổ phiếu, tiền mã hóa và quyền chọn.
Về cơ bản, quyền chọn là cách để đặt cược vào cổ phiếu với đòn bẩy, khuếch đại cả lỗ lẫn lãi tiềm năng. Hầu hết các công ty môi giới đều cung cấp quyền chọn — và nền tảng quyền chọn hàng đầu là TD Ameritrade.
Nhưng ứng dụng của Robinhood giúp quyền chọn trở nên dễ tiếp cận hơn. Và sự tăng trưởng của Robinhood trùng hợp với sự bùng nổ của các diễn đàn mạng như WallStreetBets, nơi người dùng thảo luận về chiến lược quyền chọn cho GameStop và cổ phiếu meme.
Trước khi Robinhood xuất hiện, quá trình đăng ký mua bán quyền chọn có thể phải mất một vài ngày. Còn hiện nay, nhà đầu tư có thể được phê chuẩn mua bán quyền chọn trên ứng dụng Robinhood chỉ với vài thao tác.
Các nhà quản lý cũng cho rằng quy trình phê chuẩn giao dịch quyền chọn của Robinhood là quá dễ dàng.
Cơ quan quản lý ngành tài chính Mỹ (FINRA) đưa ra mức phạt kỷ lục 70 triệu USD với Robinhood với hàng loạt cáo buộc bao gồm quy trình phê duyệt giao dịch quyền chọn lỏng lẻo.
Robinhood cũng đang phải giải quyết hậu quả sau khi một người dùng 20 tuổi tự tử, có thể vì hiểu lầm số nợ từ các giao dịch quyền chọn phức tạp.
4. Đưa Thung lũng Silicon đến Phố Wall
Robinhood đã cho thấy rằng với một ứng dụng được thiết kế tốt, bạn có thể bán sản phẩm đầu tư cho những khách hàng trẻ tuổi, không rủng rỉnh mà các công ty công nghệ rất giỏi nắm bắt.
Những startup khác bao gồm công ty môi giới EToro và Webull Financial cũng đang để mắt đến thị trường tương tự.
Khoảng 70% tài sản đang quản lý của Robinhood đến từ những khách hàng độ tuổi từ 18 đến 40. Những người ủng hộ Robinhood đang tin tưởng vào khả năng biến những khách hàng đó thành nhà đầu tư dài hạn.
Ví dụ, CEO Vlad Tenev của Robinhood cho biết công ty không loại trừ khả năng cung cấp tài khoản hưu trí cho người dùng.