Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp (DN) tạm ngưng hoạt động. Điều này khiến rất nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) phải ngưng việc kéo dài, đời sống lao đao vì không có nguồn thu nhập.
Cố gắng cầm cự với số tiền ít ỏi
Chị Trần Thị Vui, quê Quảng Bình, công nhân may mặc làm việc tại khu công nghiệp Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương), chia sẻ: “Công ty có ca nhiễm nên toàn bộ phải ngưng hoạt động. Gần hai tháng nay gia đình tôi cầm cự với 2 triệu đồng tiền phép năm (14 ngày) của tháng 6-2021. Đồ ăn cầm cự chỉ còn vài ngày nữa là cạn kiệt”
Chị Vui cho hay công ty có gần 3.000 công nhân đang phải tạm ngưng việc làm và đời sống cũng gặp nhiều khó khăn giống gia đình chị.
Trong lúc khó khăn, chị Vui được bà con đồng hương hỗ trợ gạo, nước mắm và chút tiền để cầm cự chờ đi làm trở lại. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Chị Ánh Viên, công nhân giày da Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: Từ ngày 10-7, do có nhiều ca nhiễm nên công ty phải nghỉ đồng loạt hơn 18.000 công nhân.
“Do dịch bệnh công ty chuyển lương tối thiểu 4,4 triệu đồng đến hết tháng 7. Còn từ tháng 8 trở đi chưa biết khi nào mới vào chuyền làm việc trở lại. Công nhân thì làm gì có nhiều tiền tích luỹ. Tôi cũng như nhiều công nhân khác đang rất bối rối, không biết những ngày tới phải sống tiếp ra sao” – chị Ánh Viên tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), thông tin TP hiện có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang sử dụng hàng trăm nghìn lao động. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khiến nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng yêu cầu chống dịch.
“Vẫn có nhiều DN đáp ứng phương án “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường” nên duy trì được chuỗi sản xuất để giao đơn hàng gấp và giữ đơn hàng để tăng tốc phục hồi hậu COVID-19. Tuy nhiên, phương án này cũng tăng thêm nhiều chi phí của DN” – ông Bé cho biết.
Để DN vực dậy sản xuất, ông Bé kiến nghị ngân hàng cần có chính sách vay ưu đãi, giãn trả nợ cho các DN để có thể gượng dậy và phục hồi hậu COVID-19. Cùng đó, Nhà nước tính toán miễn, giảm các khoản thuế để dưỡng sức DN. Ngành điện, nước giảm giá để cùng đồng hành với DN vượt qua đại dịch...
Chớ nóng vội chất dứt hợp đồng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc điều hành công ty Công ty TNHH Bao bì Tâm Dương (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, Đồng Nai), chia sẻ do đơn hàng ổn định với các đối tác lâu năm nên công ty triển khai sản xuất “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm đã phát sinh rất nhiều chi phí như chỗ ở, ăn, vận chuyển hàng hóa, xét nghiệm cho công nhân.
Ông Trần Thanh Hưng, chuyên gia về lao động và tiền lương khuyến nghị DN nên thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại DN. Ban này cần xây dựng các giải pháp về phòng chống dịch bệnh để tham mưu cho Ban giám đốc các kịch bản dịch bệnh xảy ra dẫn đến cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, giải quyết các chế độ theo pháp luật lao động liên quan.
Theo ông Hưng có nhiều phương án và tùy từng thời điểm để DN tính toán vận dụng phù hợp để hài hòa quan hệ lao động, đảm bảo nguồn nhân lực phục hồi hậu COVID-19.
Thứ nhất, DN cho người lao động ngừng việc thì mức lương trả do dịch bệnh do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp lương tối thiểu nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày trở xuống. Còn thời gian nghỉ việc trên 14 ngày cũng do hai bên thỏa thuận, trong đó 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Ông Hưng cũng lưu ý, DN không nên nóng vội đơn phương cho NLĐ nghỉ việc do không có việc làm và chi phí trả lương khó khăn mà không trả lương cho NLĐ. Trường hợp này hai bên thỏa thuận hoặc người lao động tự nguyện xin nghỉ không hưởng lương, giúp DN giảm bớt chi phí vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, DN có thể tạm hoãn hợp đồng lao động trong trường hợp không có việc làm, chi phí tiền lương rất khó khăn nhưng hai bên thỏa thuận, chứ DN chớ tự ý đơn phương đưa ra quyết định.
TP HCM hiện có hơn 1,6 triệu công nhân, người lao động. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đánh giá có khoảng 60.000 lao động ở các DN vừa và nhỏ bị mất việc, giảm việc làm khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Theo đó, thành phố đang triển khai gói hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh 886 tỉ đồng. Cùng đó, bảo hiểm xã hội TP. HCM duyệt hơn 73.000 hồ sơ tạm hoãn hợp đồng của người lao động, nghỉ việc không hưởng lương để địa phương hỗ trợ. |
Cũng theo ông Hưng, trường hợp DN bị ảnh hưởng mà chưa biết khi nào quay lại hoạt động, thì DN thỏa thuận với NLĐ để chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời hai bên thỏa thuận lương các chế độ liên quan, ngoài ra phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ…
Cuối cùng, DN không có việc làm, tài chính khó khăn nếu không thỏa thuận được, không tạm hoãn được thì mới tính đến phương chấm dứt hợp đồng lao động.
“Để thực hiện phương án cuối cùng DN cần chứng minh đã dùng các biện pháp nói trên trước khi vận dụng chứ không phải gặp khó khăn thì đột ngột vận dụng lúc đó quan hệ lao động tệ hơn” - vị chuyên gia nói.
Công ty Công ty TNHH Bao bì Tâm Dương (khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, Đồng Nai) dựng lều cho công nhân ở lại công ty để thực hiện sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: V.DŨNG
Nhiều công nhân lao động tại TP.HCM được bà con quê nhà gửi gạo và nhu yếu phẩm tiếp tế để cầm cự chờ có việc làm trở lại. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Không có kịch bản hoàn hảo
Trước tình trạng hàng triệu lao động phải ngưng việc do dịch COVID-19, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, chuyên gia về lao động và tiền lương thẳng thắn cho rằng không có kịch bản nào hoàn hảo trong giai đoạn này cả. Lý do, DN muốn cầm cự để giữ chân NLĐ nhưng nguồn lực hai năm dịch bệnh càn quét đã bị kiệt quệ.
Ngoài ra, họ cũng chưa biết khi nào nhà máy mới hoạt động trở lại để nhận đơn hàng và kịch bản xấu hơn khi quay lại sản xuất thì đơn hàng liệu có không.
“Các đơn hàng lớn từ Mỹ họ có liên hệ với tôi bày tỏ sự lo ngại về tình hình dịch bệnh dẫn đến các đơn hàng lớn như Nike bị ảnh hưởng. Theo đó, một số nhãn hàng lớn đã chuyến hướng sang Indonisia để gia công, vì nước này dịch bùng phát nhưng họ vẫn bảo vệ chuỗi sản xuất khá tốt” - ông Huân chia sẻ.
Từ đó, ông Huân cho rằng việc triển khai mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch một số địa phương lúng túng, trong đó phương án sản xuất “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng với DN có quy mô lao động ít. Đồng thời, phương án này tăng thêm nhiều chi phí cho DN.
Còn người lao động thì dao động, không biết khi nào DN mới nối lại sản xuất để chờ đợi nên họ dứt áo đi tìm việc làm mới để đảm bảo cuộc sống. “Dù biết các điều khoản để thỏa thuận trong bối cảnh này nhưng DN cũng không đủ tiềm lực để cầm cự” - ông Huân lo ngại.
Như vậy, để sớm nối lại chuỗi sản xuất về vĩ mô cần phủ rộng tỉ lệ tiêm vaccine cho lực lượng lao động rộng, nhanh hơn. Cùng đó, mở rộng thêm nhiều kênh đặt hàng mua vaccine từ các DN, dịch vụ cùng nhà nước để sớm đạt mục tiêu kép nói trên.
Làm văn thư chuyển hồ sơ giúp doanh nghiệp Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, cho biết lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh khoảng 1,2 triệu người. Hiện Liên đoàn lao động tỉnh đang rà soát để nắm tình hình DN chi trả lương, chế độ ngừng việc, hoãn hợp đồng lao động trong giai đoạn dịch bệnh đối với công nhân lao động. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lúc này là các DN nộp các hồ sơ thủ tục đến các cơ quan chức năng nhưng bộ phận nhân sự các công ty bị cách ly, công ty phong tỏa, làm việc từ xa nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Để tháo gỡ, Liên đoàn lao động tỉnh lập tổ phản ứng nhanh làm chân “văn thư” giúp các DN chuyển nhanh các hồ sơ đến các cơ quan bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh để kịp thời giải quyết nhanh chế độ cho người lao động. |