Ngành du lịch Đà Nẵng hỗ trợ lực lượng ‘yếu thế’
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đang vận động các hội trực thuộc, các doanh nghiệp có người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm bởi Covid-19 xúc tiến hồ sơ để nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần, trong mục tiêu không bỏ sót đối tượng được cho là “yếu thế” này trong ngành.
Nhân viên khách sạn tại Đà Nẵng đo thân nhiệt cho khách trước khi lưu trú. Ngành du lịch Đà Nẵng đang tìm cách có thể hỗ trợ tất cả người lao động trong ngành, bao gồm những người không có giao kết hợp đồng lao động. Ảnh: Huân Nguyễn |
Không bỏ sót đối tượng nào
Trao đổi với KTSG Online hôm nay, 3-8, ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (DATA), cho biết hiệp hội đang triển khai thông báo (bằng email, fanpage…) đến các hội trực thuộc, các doanh nghiệp có người lao động nằm trong điều kiện được hỗ trợ cho người lao động làm việc ở đơn vị lữ hành, các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú (trên 20 phòng) hoạt động trên địa bàn thành phố không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm.
Hoạt động này nhằm thực hiện hóa thông báo từ Sở Du lịch về việc tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động theo tiêu chí trên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 năm 2021.
Đây cũng nằm trong Kế hoạch số 135/KH-UBND của thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện hỗ trợ cho tất cả đối tượng, bao gồm lao động không giao kết hợp đồng, năm 2021 ban hành hôm 19-7.
Theo thông báo này thì 30-8 là hạn chót tiếp nhận hồ sơ, bao gồm các thông tin cá nhân, thông tin về việc làm trước đây và có sự xác nhận của UBND phườngxXã tại nơi cư trú cũng như xác nhận của đơn vị đã làm việc trước đây. Tuy nhiên theo ông Tú, việc thông báo hỗ trợ này làm trước ngày 5-8 với tinh thần hỗ trợ càng nhanh càng tốt.
“Chúng tôi vận động các doanh nghiệp thông qua phòng hành chính nhân sự (sẽ nắm được đầy đủ thông tin người lao động) để truyền thông trực tiếp cho các lao động được nắm và phối hợp hỗ trợ xác nhận thông tin nơi làm việc để không bỏ sót”, ông Tú nói và cho biết thêm trong đợt hỗ trợ này thì đối tượng áp dụng là các lao động không có giao kết hợp đồng làm việc ở đơn vị lữ hành, các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú (trên 20 phòng) hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ông Tú cũng thông tin thêm, sắp tới DATA sẽ phối hợp với Sở Du lịch tiếp tục triển khai đợt 3 với đối tượng là người lao động có giao kết hợp đồng và tham gia bảo hiểm xã hội tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Đây là lực lượng chiếm tỷ lệ rất lớn và hiện tại gần như 90% là tạm ngưng hoạt động. Đợt một là hỗ trợ cho đội ngũ hướng dẫn viên và đợt hai là người lao động không giao kết hợp đồng.
Không chỉ là hỗ trợ tiền
Theo tìm hiểu, hiện nay nhiều doanh nghiệp và cơ sở lưu trú vừa nhận được thông báo và đang hỗ trợ cho người lao động của mình thực thiện thủ tục và hồ sơ để nhận được tiền hỗ trợ.
“Chúng tôi đang hỗ trợ cho khoảng 5-6 nhân viên đã nghỉ làm từ lâu làm hồ sơ để hưởng hỗ trợ lần này”, chị Trần Diệu Linh, đại diện Công ty TNHH Lữ Hành Quốc Tế Hải Vân Cát, nói và cho biết thêm trong thời gian qua mảng lữ hành và nhà hàng của công ty xem như tạm ngưng hoạt động vì không có khách. Công ty chỉ giữ lại một vài người để thực hiện kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay công ty cũng đã đóng cửa vì thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Biển Đà Nẵng những ai chưa "đóng" để phòng chống dịch. Ngành du lịch thành phố biển miền Trung đang cần được tiêm vaccine cũng như những hỗ trợ khác để sớm hoạt động trở lại. Ảnh: Nhân Tâm |
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours, cũng đã cho hầu hết nhân viên nghỉ làm kể từ khi dịch bùng phát trở lại đầu tháng 5. Hiện nay, công ty đang chờ Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng ra thông báo hướng dẫn để làm thủ tục để hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên lái xe du lịch của mình vì đối tượng này không thuộc quản lý của Sở Du lịch Đà Nẵng. Ông cũng đang xem xét để làm thủ tục cho các nhân viên khác của công ty hưởng hỗ trợ theo quy định.
Về mặc thủ tục, ông Tú cho biết thêm Luật Lao động đã có quy định cụ thể người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng…bắt buộc phải tham gia Bảo hiểm xã hội. Bản thân các doanh nghiệp khi sử dụng lao động đã nắm kỹ và tuân thủ các quy định.
“Đây là các lao động thời vụ và lực lượng này chiếm tỷ lệ không nhiều, chủ yếu làm việc ở các khu điểm, khách sạn và ở các bộ phận không quá quan trọng. Do đó, nó cũng sẽ không gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi hỗ trợ xác nhận cho người lao động”, ông Tú cho biết.
Chia sẻ về thông báo hỗ trợ lần này, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Quy định đối tượng không có giao kết hợp đồng là để đảm bảo rà soát tất cả người lao động ko có việc làm. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời. Sở cũng đã có những báo cáo để có những hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân ngành du lịch sắp tới. Và để giải quyết vấn để này triệt để cần phải có vaccine”.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2020, có 38.717 lao động ngành du lịch nghỉ việc/thất nghiệp trong tổng số 50.963 lao động (thống kê lao động ngành du lịch tại thời điểm năm 2019) kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Từ đầu năm 2021, ngành du lịch có dấu hiệu khởi sắc, người lao động bắt đầu quay trở lại với ngành du lịch. Tuy nhiên với sự bùng phát dịch bệnh trở lại từ cuối tháng 4-2021 tại Đà Nẵng, tổng số lao động phải tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 5-2021 đến nay ước khoảng 11.802 người trong tổng số 24.248 người, chiếm khoảng 45% tổng số lao động. |
>>>Mời đọc thêm:
Đà Nẵng tìm cách cho vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động ngành du lịch
Đà Nẵng hỗ trợ tiền và chính sách cho cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19
Xem thêm: lmth.eht-uey-gnoul-cul-ort-oh-gnan-ad-hcil-ud-hnagn/270913/nv.semitnogiaseht.www