TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận đơn kháng cáo của bà NTKV (sinh năm 1966, ngụ tại quận 3) đối với quyết định của TAND TP.HCM vì không cho bà nhận cha.
Trước đó, bà V nộp đơn yêu cầu tòa án xác định ông TVN (sinh năm 1924, mất năm 2004) là cha. Trong đơn, bà trình bày cha là ông TVN và mẹ là bà NTL (sinh năm 1927). Thời điểm sinh ra bà, cha mẹ không có hôn thú nên khi làm thủ tục khai sinh không có thông tin cha.
Nộp kèm với đơn là các giấy tờ tuỳ thân, đáng chú ý là bản sao hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú trong hộ do mẹ bà làm chủ hộ có tên chồng là ông TVN và các con trong đó có bà.
TAND TP.HCM không chấp nhận yêu cầu xác định ông TVN là cha ruột của bà V. Ảnh: H.YẾN
Cạnh đó, một người liên quan khai là em cùng cha mẹ bà V đang ngụ tại Hoa Kỳ sinh năm 1960. Bà khai khi sinh mình, cha mẹ cũng không có hôn thú nên giấy khai sinh không có tên cha. Nhưng trong chứng chỉ tốt nghiệp năm 1977 thể hiện bà là con của ông TVN và bà NTL. Vì vậy, bà cũng đồng ý với yêu cầu của bà V về việc xác định cha cho con kèm theo các chứng từ thể hiện lời khai của mình.
Ngoài ra, em ruột của mẹ bà V và một hàng xóm cũng làm chứng bà V là con của ông TVN.
Theo lời hàng xóm, từ năm 1975 đến nay, ông biết ông TVN và bà NTL có tất cả chín người con sống trong cùng một gia đình trong đó có bà V. Khi còn nhỏ, bà V được cha mẹ nuôi dưỡng và khi trưởng thành bà là người nuôi dưỡng cha mẹ.
TAND TP.HCM nhận định kèm theo đơn yêu cầu, bà V chỉ cung cấp được tài liệu, chứng cứ là bản sao trích lục khai sinh không có tên cha, bản photo tờ khai thay đổi nơi cư trú, các bản sao đề cập trên và một số hình ảnh tang lễ.
Xem xét chứng cứ và lời khai của các đương sự trong vụ việc đối chiếu với quy định pháp luật liên quan, tòa không chấp nhận yêu cầu xác định ông TVN là cha ruột của bà V.
Cụ thể, khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong vụ việc này, người yêu cầu không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh giữa ông TVN và bà NTL có quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc văn bản thừa nhận bà là con chung.
Khoản 1 Điều 24 Luật cư trú quy định sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và chỉ có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Điều 11 Thông tư 15 năm 2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật hộ tịch và Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con gồm một trong các giấy tờ sau:
Một là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc ngoài nước xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con hai. Hai là trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng đĩa, đồ dùng vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha mẹ và trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thiết của cha mẹ làm chứng.
Bà V đưa ra yêu cầu nhưng không cung cấp được tài liệu chứng cứ mà pháp luật quy định để chứng minh ông TVN là cha ruột của mình. Do đó, yêu cầu này không được xem xét chấp nhận như ý kiến đề nghị của đại diện VKSND tham gia phiên họp.