Covid-19 đẩy chi phí dự phòng ngân hàng quốc doanh tăng vọt trong quí 2
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Chi phí dự phòng của các ngân hàng thương mại quốc doanh trong quí 2 đã tăng mạnh đáng kể, phần nào cho thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế ngày càng rõ ràng hơn.
Lợi nhuận Vietinbank giảm mạnh so với ước tính trước đó vì tăng mạnh trích lập dự phòng trong quí 2. Ảnh minh họa: DNCC. |
Báo cáo quí 2 với nhiều điều bất ngờ
Báo cáo tài chính hợp nhất quí 2 hợp nhất của ba nhà băng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank và BIDV) cho thấy nhiều thay đổi bất ngờ so với dự kiến trước đó.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietinbank, lợi nhuận trước thuế lũy kế sáu tháng đầu năm tăng 45% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 10.850 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với ước tính đưa ra hồi cuối quí 2 là khoảng 13.000 tỉ đồng.
Tính riêng trong quí 2, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt 2.790 tỉ đồng, giảm gần 38% so với quí 2 năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là vì chi phí trích lập dự phòng trong kỳ tăng mạnh (gần 222% so với quí cùng kỳ).
Tại Vietcombank, lợi nhuận trước thuế lũy kế nửa đầu năm đạt 13.570 tỉ đồng, vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành xét về quy mô tuyệt đối. Tốc độ tăng trưởng của vẫn duy trì ở mức cao với 23% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tương tự như Vietinbank, trong quí 2 vừa qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank giảm 14,25% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của ngân hàng nguyên nhân biến động chủ yếu ở giảm thu nhập lãi tiền gửi và giảm thu nhập lãi chứng khoán đầu tư (ảnh hưởng lần lượt khoảng 3,44% và 5,99%).
“Lý do là vì lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm do tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trở lại căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng làm giảm năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời, trong thời gian qua một số khoản trái phiếu tổ chức tín dụng của Vietcombank đáo hạn, nhưng chưa được đầu tư thay thế hoặc được đầu tư thay thế bằng trái phiếu có mức lãi suất thấp hơn”, văn bản giải trình của Vietcombank có đoạn.
Nhưng bất ngờ hơn là trường hợp của BIDV, ngân hàng báo lãi trước thuế trong sáu tháng đầu năm tăng 86,3% so với cùng kỳ, đạt mức 8.122 tỉ đồng. Riêng lợi nhuận quí 2 đóng góp hơn một nửa, và thậm chí còn lớn hơn tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngoái.
Trong đó, có điểm đánh chú ý là khoản lợi nhuận khác đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của BIDV trong 6 tháng đầu năm, lên đến 48%. Khoản lợi nhuận khác này cũng đóng góp đáng kể vào phần lợi nhuận của Vietcombank và Vietinbank, lần lượt chiếm tỷ trọng 10% và 14,5% trong nửa đầu năm nay. Trong báo cáo tài chính hợp nhất, các nhà băng không thuyết trình chi tiết về khoản lợi nhuận này.
Lợi nhuận trước thuế trong kỳ ở nhiều ngân hàng vẫn tăng cao dù chi phí trích lập tăng đáng kể. Nguồn: Vietstock. |
Chi phí dự phòng tăng mạnh
Một điểm chung ở cả ba nhà băng trong kỳ vừa qua là chi phí trích lập dự phòng trong kỳ đều tăng mạnh.
Chẳng hạn, chi phí dự phòng của Vietcombank trong quí 2 tăng gần 74% so với quí 2 năm ngoái. Lũy kế hai quí đầu năm, con số dự phòng lên đến 5.500 tỉ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ.
Tương tự, con số dự phòng của Vietinbank và BIDV trong sáu tháng đầu năm đã lần lượt tăng hơn 28% và 48% so với cùng kỳ.
Trong chia sẻ về lợi nhuận mới đây, Vietinbank cho biết ngân hàng đã chủ động dành nguồn lực tài chính bổ sung trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ được cơ cấu do tác động của dịch bệnh Covid-19 ngay sau khi Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 17-5-2021.
“Số tiền được VietinBank thực hiện trích lập vào cuối quí 2-2021 đã vượt trên nhiều so với mức quy định cho cả năm 2021, nhằm gia tăng quỹ dự phòng rủi ro, nâng cao tỷ lệ bao phủ nợ xấu (130%) đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng theo kế hoạch, từ đó tạo sự chủ động cho ngân hàng trong công tác thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính trước bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro”, đại diện Vietinbank cho biết.
Nhiều chuyên gia hiện lo ngại về tình hình nợ xấu tiềm tàng mới vì ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư này, khi sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân đã tới hạn.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 7 tháng đầu năm đã có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ còn lớn hơn trước diễn biến phức tạp của đại dịch. Khi đó, nợ xấu sẽ tiếp tục phát sinh và các ngân hàng vẫn đứng trước sức ép trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03 trong giai đoạn 3 năm tới.