Rời mắt khỏi màn hình TV đang chiếu những trận thi đấu Olympic 2020, ít người nhìn thấy được rằng chúng ta cũng đang ở trong một cuộc đua sinh tồn với tốc độ nóng lên của hành tinh. Trái Đất đang rơi vào một tình trạng khẩn cấp khi sự mất mát của thiên nhiên đang xảy ra ở tốc độ chưa từng có trong lịch sử.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng hơn 1,0°C kể từ thời tiền công nghiệp – tiến gần đến mức tăng 1,5oC mà theo các nhà khoa học, vượt qua ngưỡng đó chúng ta sẽ không thể đảo ngược đà tăng nhiệt của Trái Đất được nữa.
Và khi nói đến mất mát thiên nhiên và khủng hoảng khí hậu, không có ai là người chiến thắng. Tác động của chúng sẽ rất khủng khiếp. Biến đổi khí hậu đang tàn phá hệ sinh thái, thu hẹp môi trường sống của các loài động vật hoang dã.
Con người, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các tác động này. Vì vậy, khi tất cả nhân loại cùng đang đổ dồn ánh mắt vào Thế vận hội Tokyo 2020, chúng ta hãy tự nhắc nhở bản thân phải bảo vệ và khôi phục hành tinh của mình, nếu còn muốn tiếp tục các môn thể thao mà chúng ta yêu quý và gắn kết con người lại với con người.
Dưới đây là viễn cảnh của một kỳ Olympic diễn ra vào giữa thế kỷ nếu chúng ta không làm được điều đó:
Đất giàu dinh dưỡng đang biến mất khỏi bề mặt Trái Đất với tốc độ 24 tỷ tấn mỗi năm. Các nhà địa chất và nông nghiệp học cho biết trong vòng 150 qua, một nửa lớp đất mặt trên hành tinh của chúng ta đã bị mất do nạn phá rừng, xới đất thâm canh và phát triển nông nghiệp không bền vững.
Chăn thả gia súc quá mức, sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón nông nghiệp rõ ràng là đang tước đi các chất dinh dưỡng, khoáng chất và vi khuẩn hỗ trợ sự sống khỏe mạnh trong đất của cây trồng. Ảnh hưởng của ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu cũng đã làm trầm trọng thêm các tác động đó.
Đất giàu dinh dưỡng không chỉ là ngôi nhà cư trú của gần 90% sinh vật sống trong các hệ sinh thái trên cạn, mà còn là thứ con người dựa vào để sản xuất hơn 95% lương thực và nước ngọt cho chính mình.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, nếu chúng ta tiếp tục làm suy thoái đất với tốc độ như hiện nay, thế giới có thể cạn kiệt lớp đất mặt trong khoảng 60 năm nữa. Và để có thể khôi phục được sức khỏe mà đất đã mất đi trong vòng 100 năm, trung bình chúng ta phải mất 500 năm với rất nhiều nỗ lực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người trên hành tinh thì có tới 9 người đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Chúng có chứa các hạt nhỏ được gọi là bụi mịn. Trong đó, PM2.5 được mệnh danh là loại bụi nguy hiểm nhất.
Các hạt bụi này có thể ở cả dạng rắn và dạng lỏng. Với kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm, khi xâm nhập đường hô hấp, bụi mịn có thể đi vào máu và làm tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh bao gồm viêm nhiễm, đột quỵ, bệnh tim và ung thư phổi.
Tiếp xúc với bụi mịn thường xuyên cũng có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng, với các biểu hiện như chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi và ho. Một số nghiên cứu cho thấy bụi mịn còn có thể làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư thận và bàng quang, chứ không chỉ là ung thư và các bệnh về phổi.
Tiếp xúc với không khí ô nhiễm đã gây ra hơn 7 triệu ca tử vong mỗi năm - một con số sẽ chỉ tăng lên nếu chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và chất thải, sử dụng dầu diesel và xăng để cung cấp năng lượng cho xe cộ trong khi phá hủy những khu rừng đang giúp chúng ta làm sạch không khí.
Mỗi năm, nhân loại thải vào đại dương hơn 8 triệu tấn nhựa. Với tốc độ đó cho đến năm 2050, đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cả cá biển. Nhiều trong số các hạt nhựa thực ra có dạng sợi, chính là những sợi vải bong ra trong quá trình chúng ta giặt quần áo. Tính toán cho thấy, cứ mỗi một lượt sử dụng máy giặt với 100 lít nước, chúng ta đang thải ra môi trường 10.000 sợi vi nhựa.
Nhựa không chỉ gây hại cho động vật hoang dã biển - chúng phân hủy thành những mảnh nhỏ gọi là hạt vi nhựa , đủ nhỏ để xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Nghiên cứu thực hiện tại Châu Âu cho thấy khi ăn một suất hải sản, các món từ động vật có vỏ như trai, hàu, sò…, bạn có thể nuốt vào bụng 90 hạt vi nhựa.
Lượng này có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng trung bình những người hay ăn hải sản, với các món từ động vật có vỏ, có thể nuốt vào 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Ngoài ra, nhựa còn có trong không khí chúng ta thở. Mở cửa sổ trong mùa hè và bạn có thể thấy trong ánh nắng chiếu xuyên vào phòng mình những hạt bụi li ti bé nhỏ đang lơ lửng bay trong không khí. Khoảng 40% trong số chúng là những hạt vi nhựa thoát ra từ đồ đạc, nội thất và thậm chí quần áo bạn đang mặc. Mỗi mét vuông sàn nhà của bạn có tới hơn 6.000 hạt vi nhựa lắng xuống mỗi ngày.
Nhựa cũng có trong nước uống. Một nghiên cứu năm ngoái đã tìm thấy hạt vi nhựa trong hơn 90% mẫu nước đóng chai phổ biến trên thị trường. Một trong số các mẫu nước này có tới 10.000 hạt vi nhựa trong mỗi lít.
Nghiên cứu cho thấy một người bình thường có thể vô tình ăn vào khoảng 5 gam nhựa mỗi tuần, tương đương với trọng lượng của một chiếc thẻ ATM.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến mực nước biển toàn cầu tăng nhanh hơn 2,5 lần so với thế kỷ trước. Đến năm 2050, khi mực nước biển dâng cao và trữ lượng cá thay đổi do đại dương ấm lên, một tỷ người sống ở các vùng đất trũng ven biển sẽ gặp rủi ro.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Climate Central dự báo đến giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người trên khắp thế giới sẽ phải sống trong các khu vực thấp hơn mức đỉnh triều cường. Một số thành phố ven biển sẽ bị nhấn chìm, bao gồm toàn bộ miền nam Việt Nam có thể ở dưới mực nước biển vào những ngày triều cường đạt đỉnh.
Ngay vào lúc này, có khoảng 20 triệu người dân đang sống trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Đến năm 2050, nghiên cứu dự báo một phần ba dân số Việt Nam có thể phải sống dưới mức đỉnh triều cường. Đến năm 2100, các thành phố lớn - bao gồm Jakarta, Lagos, Houston, Venice, Bangkok, Dhaka, Rotterdam và Miami - có thể chìm trong nước.
Thanh Long
Pháp luật & bạn đọc