3 nhiệm vụ cấp bách
Mục đích đưa ra những kịch bản phù hợp nhằm chủ động ứng phó, vừa đảm bảo an toàn chống dịch nhưng vẫn phải thực hiện mục tiêu kép. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mục tiêu chống dịch phải được đặt lên hàng đầu.
3 nhiệm vụ cấp bách được triển khai để hiện thực mục tiêu này. Trước hết, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện “mục tiêu kép” và đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Bộ Công thương phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở những địa phương đang có dịch |
3 là duy trì mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.
Liên quan đến công tác hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ, địa phương và doanh nghiệp, tiếp tục tổ chức xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, thủy sản.
Thời gian tới, Cục sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương theo nhóm hàng, chứ không riêng lẻ từng mặt hàng. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho hay thời gian qua Cục đã phối hợp đồng bộ với 6 sàn thương mại điện tử lớn để đẩy mạnh giao dịch nông sản qua thương mại điện tử. Khó khăn để thúc đẩy phương thức này hiện nay chính là logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa), nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Cục sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung hướng dẫn các hợp tác xã tại các tỉnh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử cũng như tăng cường truyền thông theo phương thức đa kênh.
Trong khi đó, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng để duy trì sản xuất ở các doanh nghiệp, tránh xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất, vắc xin vẫn là giải pháp căn cơ và cần thiết phải thực hiện sớm.
Các giải pháp trọng tâm
Về việc cung ứng hàng hóa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác tiền phương, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía Nam mà phải mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh. Trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch.
Việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương cũng được chú trọng |
Cục Công nghiệp sẽ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhằm nắm bắt những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.
Cục Xúc tiến thương mại phải đưa ra biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch, ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thương mại điện tử là phương thức vô cùng quan trọng, tất yếu trong bối cảnh dịch COVID-19. Bộ cũng giao Cục Xuất nhập khẩu nắm bắt các nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời đề ra giải pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
“Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công thương phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở những địa phương đang có dịch; đảm bảo sản xuất công nghiệp, nhất là trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo, duy trì đà tăng của hoạt động xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
C.Vũ