Navigos Search vừa công bố báo cáo cáo “Nhân sự ngành dệt may: Cơ hội và thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng từ thị trường”.
Báo cáo cho biết so với 5 năm trước, các ứng viên trong ngành dệt may đã được cải thiện. Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã đào tạo chính quy về lĩnh vực dệt may. Bên cạnh đó, nhờ vào sự hợp tác giữa các doanh nghiệp dệt may với các trường đại học trong việc thiết kế và ứng dụng các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật nên khi các ứng viên mới ra trường đã có thể áp dụng từ 50% - 60% kiến thức đã học áp dụng vào các công việc thực tế.
Theo quan sát của Navigos Search, một trong những thế mạnh của các ứng viên người Việt trong mảng dệt may là chăm chỉ, có kỹ thuật chuyên sâu. Ngoài ra, ứng viên người Việt ham học hỏi, khéo léo do vậy họ học rất nhanh về kỹ thuật.
Tuy nhiên dù đã có những cải thiện đáng kể so với 5 năm trước, nhưng các ứng viên người Việt vẫn còn hạn chế về kỹ năng ngoại ngữ nếu so sánh với các ứng viên đến từ Ấn Độ và Philippines.
“Bên cạnh đó, độ lăn xả với công việc, đam mê làm việc của ứng viên người Việt cũng được nhận xét là chưa cao. Các ứng viên người Việt vẫn còn bị các yếu tố bên ngoài chi phối như các yếu tố về văn hóa, các yếu tố gia đình…”, báo cáo Navigos Search cho biết.
Báo cáo cũng cho biết các vị trí khó trong lĩnh vực dệt may vẫn phải tuyển các ứng viên người nước ngoài.
“Các vị trí trưởng bộ phận về kỹ thuật, chuỗi sourcing thường vẫn phải tuyển ứng viên người nước ngoài. Đây là các vị trí yêu cầu phải giỏi các kỹ năng đàm phán và một số các kỹ năng mềm quan trọng khác như kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian…là những kỹ năng vẫn là điểm hạn chế của ứng viên người Việt”, báo cáo nêu.
Báo cáo của Navigos Search cho biết so với 5 năm trước, các ứng viên trong ngành dệt may đã được cải thiện (Ảnh minh hoạ)
Tăng mạnh tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm, do tình hình bất ổn ở một số các quốc gia láng giềng, các đơn hàng dệt may đổ về thị trường Việt Nam nhiều hơn dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dệt may tăng mạnh. Tháng 6 và 7 hàng năm là mùa cao điểm của việc sản xuất các đơn hàng dành cho mùa Thu - Đông.
Số liệu thống kê mới nhất về thương mại thế giới năm 2021 do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới
Trong 10 năm qua, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ. Trong năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng 6,4% với giá thị trường đạt 29 tỷ USD.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực hàng may mặc của Bangladesh đã giảm từ 6,8% xuống còn 6,3% trong năm 2020.
Hiện Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% (giảm 7% trong năm 2020), với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!