Đóng cửa quá đơn giản, nhưng giữ được an toàn nhà xưởng, bảo vệ sinh mạng, miếng cơm manh áo cho công nhân, giữ được đơn hàng mới là điều phải tìm cách lúc này.
Chủ một doanh nghiệp có hàng trăm công nhân đắn đo: đóng hay tiếp tục sản xuất. Tất cả công nhân đã "âm tính", sẵn sàng vào nhà xưởng. Nhưng đơn hàng ít ỏi, chi phí nguyên liệu, sản xuất đội quá lớn khiến duy trì nhà máy lúc này chẳng còn lợi nhuận.
Đóng lợi hơn mở, nhưng bài toán của vị chủ doanh nghiệp lúc nước sôi lửa bỏng đâu chỉ ở chuyện lỗ lời mà trên hết là giúp công nhân có nơi ăn chốn làm thời dịch, là giữ được mối làm ăn chứ nếu đóng thì khách sẽ ra đi không trở lại.
Với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chi phí để vận hành giữa thời dịch đã đội lên hàng chục tỉ đồng mỗi tháng, song chẳng còn sự lựa chọn nào khác là phải gồng mình vừa chống dịch vừa sản xuất.
Nếu đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hay hủy đơn hàng, khách hàng quốc tế sẽ tìm ngay đến các nước khác, doanh nghiệp Việt mất uy tín với đối tác. Hơn nữa, "công xưởng lớn nhất thế giới" tại Trung Quốc đang phục hồi nên nỗi lo chung của doanh nghiệp là nếu đơn hàng rơi vào tay Trung Quốc sẽ mất vĩnh viễn, kể cả hậu dịch.
Tuy nhiên, không có sứ mệnh nào cao cả hơn việc giữ mạng sống con người. Các doanh nghiệp phải giữ cho được "vùng xanh" nhà xưởng, siết phòng dịch ở tất cả các khâu, với mục tiêu tối thượng là giữ sinh mạng công nhân, nếu để "thủng lưới" thì hậu quả khôn lường. Mất người là mất tất cả!
Tất cả các doanh nghiệp hiện đang có một nguyện vọng bức thiết chung là người lao động được tiêm vắc xin. Thậm chí, cộng đồng doanh nghiệp ở Bình Dương nóng ruột đến mức đề xuất tự bỏ tiền để tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax cho 200.000 công nhân.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp nhận thức được việc tiêm vắc xin sớm sẽ mang lại hiệu quả sớm, về mặt kinh tế sẽ nhẹ gánh hơn kéo dài xét nghiệm hoặc hệ lụy khi có F0 trong nhà xưởng. Không thể vài ngày mà có thể tiêm vắc xin ngay cho toàn bộ các doanh nghiệp, do đó giải pháp tình thế vẫn phải là duy trì "3 tại chỗ" và nhà xưởng vẫn phải là "vùng xanh" chống dịch.
Muốn vậy, doanh nghiệp phải bịt kín các kẽ hở trong phòng dịch, việc thêm bớt công nhân và giao nhận hàng hóa phải ở mức an toàn tối đa. Chỉ cần một khâu lơ là có thể "toang" cả một thành trì chống dịch, hậu quả sẽ không chỉ là kinh tế mà có thể là nhân mạng.
Biến nhà xưởng thành nơi an toàn, cộng với việc đạt được miễn dịch cộng đồng trong công nhân thì mô hình sản xuất sẽ rộng cửa để thay đổi với những phương án linh hoạt hơn, nới lỏng và bền vững hơn.
Còn tại thời điểm khó khăn này, nhà xưởng vẫn phải là những thành trì, những pháo đài chống dịch. Giữ "vùng xanh" nhà xưởng chính là giữ "vùng xanh" cho TP.HCM, sâu xa hơn chính là tạo "vùng xanh" tăng trưởng, giữ được đầu tàu cạnh tranh của quốc gia đối với các nước trong khu vực giai đoạn hậu COVID-19.
TTO - Những ngày qua, tại TP Vũng Tàu xuất hiện ngày càng nhiều biển báo “vùng xanh - vùng không có dịch”. Người dân phố biển cũng đồng loạt treo cờ Tổ quốc trước cổng nhà như biểu thị đồng tâm chống dịch.
Xem thêm: mth.41013547040801202-gnoux-ahn-hnax-gnuv-uig/nv.ertiout