Tham gia các hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch cũng là cách để có tinh thần thoải mái hơn - Ảnh: PHÙNG QUÁN
Các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên cần biết cách cân bằng cuộc sống và công việc, học tập thời đại dịch khi phải ở nhà dài ngày.
Cần biết thích ứng với hoàn cảnh
Chuyên gia tâm lý giáo dục - TS Tô Nhi A cho rằng mọi người phải ở nhà nhiều hơn thời dịch COVID-19, có nhiều thời gian để suy nghĩ về mọi việc tiêu cực hơn. Tiếp nhận thông tin một cách thụ động về tình hình dịch bệnh càng làm mọi người thêm chán nản, mất niềm tin, gây ra hiện tượng "mất cân bằng cuộc sống".
"Vì dịch bệnh, việc học tập và làm việc trực tuyến là điều không thể thay đổi, đòi hỏi bản thân mỗi người phải thích ứng", TS Tô Nhi A nhận xét.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng đại dịch COVID-19 "kích hoạt" các khủng hoảng có thể tồn tại sẵn trong mỗi người.
TS tâm lý Lê Minh Công cho hay: "Việc giãn cách xã hội và cách ly y tế dẫn tới sự kết nối xã hội của mỗi cá nhân trở nên khó, và tạo ra khủng hoảng cho cá nhân đó. Những thói quen sinh sống của chúng ta bị thay đổi, sự gò bó, hạn chế vận động thể chất là trở ngại dẫn tới khó khăn gây khủng hoảng tinh thần".
Kiểm soát cảm xúc, tách bạch nỗi lo âu
Theo TS tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, để cơ thể phát triển thành stress không phải qua một đêm, mà bắt đầu bằng các sự kiện kích hoạt. Lo không phải là điều xấu, nhưng lo quá sẽ thành lo âu, trầm cảm. Do đó, mọi người cần phải quản lý stress. Cần có chiến lược, như kết nối với người thân và duy trì mối quan hệ xã hội, tìm kiếm sự giúp đỡ...
"Cần chuẩn bị tinh thần cho các mất mát trong dịch COVID-19 như có thể mất người thân, mất việc, bị giảm lương, không được gặp người thân và bạn bè, học hành khó khăn hơn… Do đó cần phải kiểm soát cảm xúc buồn, lo âu bằng những chiến lược rất khoa học", TS Tố Nga nhấn mạnh.
Tương tự, TS Tô Nhi A cho rằng việc mỗi người luôn có những nỗi lo trong người là bình thường, nhưng không được nuôi dưỡng chúng, mà phải có động thái cụ thể để không làm nỗi lo âu đó tăng lên, dẫn đến một số bệnh liên quan đến tâm lý con người.
TS Tô Nhi A cho biết một sinh viên có thể đang có nhiều nỗi lo như vấn đề thực phẩm trong mùa dịch, học tập trực tuyến không hiệu quả, nơi thực tập, hay đơn giản là bản thân có thuộc đối tượng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 không, tiêm về sẽ như thế nào…
"Bản thân có vô cùng nhiều nỗi lo như thế. Nếu để im, chúng sẽ trở thành một mớ hỗn độn và làm bản thân ‘xấu đi’ từng ngày. Việc phân tách từng nỗi lo giúp chúng ta dễ dàng tìm các giải pháp, giải quyết cho từng nỗi lo, đồng thời có thể dễ dàng buông bỏ những vấn đề không thích hợp hiện nay, từ đó dành thời gian cho những công việc cần thiết", TS Tô Nhi A khuyên.
Quản lý stress ra sao?
Theo TS Hoàng Minh Tố Nga, cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng tiêu cực, tạo ra những phản ứng sinh học trong cơ thể. Có những rối loạn lo âu dẫn đến chuyển dạng cơ thể. Nếu có dấu hiệu bị stress, cần quản lý stress ngay và cần làm đúng cách.
1. Trong tâm lý, việc dồn nén, không chịu nói ra sẽ rất có hại. Nên cần nói ra những lo lắng của mình với người khác để được góp ý, chia sẻ.
2. Bị lo âu nhưng lại có hành vi, ứng xử không chuẩn như đập phá đồ đạc sẽ khiến chúng ta lo lắng hơn.
3. Nếu có chuyện buồn mà cứ nằm luôn trên giường sẽ làm mình thêm buồn.
4. Cần thực hiện các phương pháp thư giãn để điều khiển những phản ứng sinh học của cơ thể.
5. Không "gồng" người lên để chống lại strees, vì điều này sẽ gây stress nặng hơn. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay, nếu cảm thấy mình không làm được gì, bạn có thể: giảm đọc tin tức dịch bệnh, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, không sử dụng quá nhiều chất kích thích, tập thể dục, thiền, yoga, kết nối với bạn bè và người thân thông qua các kênh trực tuyến…
TTO - Đại dịch COVID-19 như là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.
Xem thêm: mth.40830031220801202-noh-noub-gnac-iht-iad-man-yagn-ac-am-noub-uen/nv.ertiout