Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, thực tế hiện nay có rất đông người lao động nghèo ở nhà trọ, xóm lao động, khu phong tỏa. Các hộ nghèo, cận nghèo ở các quận, huyện, TP Thủ Đức không có việc làm, không có tích lũy nên cuộc sống đang rất khó khăn giữa đại dịch.
Người lao động tại TP Hồ Chí Minh nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng. (Ảnh: Dân trí)
"Vì vậy, các khu phố, tổ dân phố xem xét, rà soát các trường hợp khó khăn đề xuất phường, xã hỗ trợ bằng nguồn ngân sách thành phố cũng như nguồn vận động hợp pháp khác và nguồn quỹ phòng, chống COVID-19 để hỗ trợ cho bà con trong thời gian giãn cách tới 15/8", ông Tấn cho hay.
Cũng theo ông Tấn, mỗi hộ sẽ nhận hỗ trợ từ 1 - 1,5 triệu đồng. Trong đó, riêng hộ nghèo, cận nghèo với khoảng 90.500 hộ đã có danh sách sẽ nhận hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng, tổng cộng khoảng 90,5 tỷ đồng.
Người lao động nghèo ở nhà trọ, xóm lao động nghèo dự kiến sẽ nhận hỗ trợ 1 triệu đồng. Ngoài ra, tùy vào gia cảnh của người dân, những hộ có khó khăn hơn, nhiều nhân khẩu, địa phương linh động hỗ trợ thêm bằng nguồn vận động.
"Đến thời điểm này, lao động nghèo, ai có mặt ở thành phố thì được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú do đây là cứu trợ đột xuất ngắn hạn vì đại dịch", ông Tấn nhấn mạnh. Dự kiến số lao động thuộc nhóm này sẽ khoảng 170.000 hộ, kinh phí hỗ trợ khoảng 170 tỷ đồng.
Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đang đề xuất hỗ trợ lần 2 cho lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động theo Nghị quyết 09 của HĐND TP Hồ Chí Minh cho khoảng 344.000 người. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 501 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Tổng kinh phí cho đợt hỗ trợ lần này khoảng 771 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài chính hướng dẫn ngay việc sử dụng kinh phí trong dự toán để hỗ trợ.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tính đến 1/8, hơn 365.000 trường hợp người lao động, hộ kinh doanh, thương nhân ở các chợ truyền thống đã thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ của thành phố và Trung ương do tác động của dịch COVID-19.
Trong đó, 311.619/311.619 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm đã nhận được hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương với kinh phí hơn 467,428 tỷ đồng (đạt tỷ lệ hoàn thành 100%).
Các địa phương cũng đã hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ cho 5.563 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với kinh phí hơn 11,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng đã hỗ trợ 10.432/12.554 thương nhân tại các chợ truyền thống (đạt tỷ lệ 83,10%) với kinh phí hơn 15,7 tỷ đồng.
VTV.vn - Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt 125 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động để trả lương cho gần 30.000 lượt người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96953800140801202-oehgn-gnod-oal-ohc-gnod-ueirt-1-ort-oh-taux-ed-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv