Ghi nhận ngày 4.8, tại một số siêu thị trên địa bàn TPHCM, nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau, củ, quả hết hàng cục bộ từ sớm. Các mặt hàng đồ khô rơi vào tình trạng "cháy hàng".
Siêu thị thông báo hết hàng đồ khô
Chị Lê Hương sống tại quận Gò Vấp, TPHCM sáng nay (4.8) tranh thủ đi siêu thị từ sớm để không phải xếp hàng dài. Tuy nhiên, khi ghé siêu thị Co.op mart trên địa bàn, cũng vẫn phải chờ gần 30 phút mới vào được.
Nhưng khi vào thì các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt bò,... đã vãn rất nhiều. "Xếp hàng chờ tới lượt mua thì cũng gần trưa nên các mặt hàng rau củ quả còn rất ít, cá chỉ còn lại vài con. Thậm chí, những mặt hàng đồ khô thông dụng như mì gói, miến, nui cũng đã hết sạch trên kệ” - chị Hương cho biết.
Tại một số nơi trên địa bàn TPHCM, nhiều người dân đã được phát phiếu đi mua sắm. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, khi đến siêu thị cũng phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới vào mua được.
"Giờ mua theo phiếu, gia đình tôi mua là buổi chiều nên khi đến lượt mình thì một số mặt hàng đã hết đồ ngon, còn các loại thực phẩm như rau, thịt, cá cũng hết. Trong khi, xung quanh địa bàn phường có rất ít siêu thị tiện lợi, cửa hàng thực phẩm nên nhu cầu mua sắm của người dân tại đây rất lớn" - anh Tuấn Anh, sống tại Quận 10 cho hay khi ghé mua tại một siêu thị Big C trên địa bàn.
Không chỉ ở Quận 10, hay quận Gò Vấp, mà tại nhiều số siêu thị khác trên địa bàn TPHCM, mấy ngày nay, các sản phẩm hàng khô ăn liền như mì gói, bún, phở… được người tiêu dùng mua rất nhiều.
Nguyên nhân thiếu hàng khô
Trên website của hệ thống Bách Hoá xanh, các mặt hàng đồ khô cũng được thông báo hết hàng và sẽ bán lại sau dịch COVID-19.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết, các công ty sản xuất mì ăn liền của TPHCM và các đơn vị trực thuộc của Hội cũng cung ứng 6 tỉ gói mì ăn liền mỗi năm cho cả nước đến giờ này vẫn giữ được sản xuất.
Tuy nhiên, theo bà Chi thì một số công ty thực phẩm áp dụng mô hình “ba tại chỗ” hiện có thể sử dụng 50% - 60% lực lượng lao động nên không đủ công nhân đứng dây chuyền sản xuất, dẫn đến sản phẩm đầu ra bị thiếu.
Trong khi đó, tất cả nguồn nguyên vật liệu chế biến lương thực, thực phẩm đều lấy từ các tỉnh đưa về TPHCM đã ít, thêm vào đó còn bị ách tắc nên tình trạng cung không đủ cầu bắt đầu xảy ra.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thực tế nguồn hàng thiết yếu về TPHCM không thiếu. Song các kênh phân phối như siêu thị, điểm bán hàng… không đáp ứng nổi nhu cầu vì quá nhiều chợ bị đóng cửa khiến cho hàng hóa chỗ thiếu, chỗ thừa. Hiện áp lực mua hàng thiết yếu dồn hết lên các hệ thống phân phối hiện đại.
"Trong khi đó, các chuỗi bán hàng hiện đại cũng có nhiều điểm tạm ngưng vì có ca F0, nhân viên bị thiếu hụt vì phải đi cách ly... Trong khi, thời gian hoạt động tại siêu thị hiện nay chỉ giới hạn từ 7 giờ đến 17 giờ. Điều này, khiến thời gian mua sắm của người tiêu dùng bị thu hẹp, dẫn tới việc phân phối hàng hóa tới người dân trở nên khó khăn hơn rất nhiều” - Phó Giám đốc Sở Công Thương bày tỏ.
Hiện tại, một số hệ thống phân phối đang áp dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe hai bánh trong bối cảnh đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận, huyện nên cũng khó bổ sung nguồn hàng được kịp thời.
Xem thêm: odl.621839-gnah-tam-os-tom-meih-nahk-mchpt-o-iht-ueis-cac-oas-iv/gnourt-iht/nv.gnodoal