Người dân Thừa Thiên Huế ở TP.HCM bị bỏ lại ở trạm trung chuyển hầm Hải Vân được đưa lên xe trung chuyển, về Huế cách ly - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chiều 4-8, bà Trần Thị Hoài Trâm, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đã nhận 23 công dân đi xe khách từ TP.HCM về quê vào sáng cùng ngày và sẽ đưa họ đi cách ly tập trung.
Sau khi xuống xe ở phía Nam đèo Hải Vân, 23 người này đã được lực lượng chức năng Đà Nẵng dùng xe trung chuyển chở qua đèo về phía Huế để chuẩn bị đi cách ly.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online làm việc ở chốt kiểm soát dịch bệnh đặt tại thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), vào sáng cùng ngày họ gặp 2 xe khách biển số TP.HCM dán logo chuyến xe nghĩa tình chở bà con miền Trung về quê hương.
Sau khi 2 tài xế xuống làm việc tại chốt, họ được cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế thông báo có 2 phương án: sẽ đi cách ly tập trung (cả tài xế và người trên xe) nếu đi vào Huế hoặc quay đầu lại.
Cả hai tài xế đã quay đầu xe lại và rời khỏi trạm kiểm soát. Tuy nhiên một xe vừa rời đi đã dừng lại và có ý định thả hành khách trên xe xuống để bà con tự đi bộ về chốt kiểm dịch phía Huế.
Lực lượng chức năng của Huế đã phát hiện và ngăn chặn chuyện này, đồng thời tạm giữ tài xế và hành khách trên xe tại chốt.
"Riêng xe thứ 2 thì chạy qua hầm Hải Vân và hình như dừng lại ở phía nam hầm (TP Đà Nẵng) rồi bỏ lại 23 hành khách xuống xe như báo chí đã đăng tin", nguồn tin này cho biết thông tin ban đầu về sự việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Sơn, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế - thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, cho biết sau khi công điện 1063 của Chính phủ ban hành thì số người từ các tỉnh phía Nam tự ý về Huế có giảm.
Hàng loạt xe khách treo logo 'chuyến xe nghĩa tình' chở bà con miền Trung từ TP.HCM về quê bị giữ lại tại trạm kiểm soát dịch bệnh ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) - Ảnh: H.L.V.
Tuy nhiên khoảng 1-2 ngày trở lại đây Huế vẫn đón hơn 200 công dân từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng chỉ thị 16.
Theo ông Sơn, điều đáng nói là người dân lại tự ý về quê đợt này chủ yếu bằng các chuyến xe ôtô có treo logo "chuyến xe 0 đồng" dù họ vẫn phải bỏ tiền ra để mua vé với giá cao.
"Một số trường hợp khi bị lực lượng kiểm tra thì quay đầu và thả người dân dọc đường để người dân tự xử lý. Chúng tôi đang làm việc với một số tài xế của những chuyến xe này để làm rõ sự việc trên", ông Sơn nói.
Chuyến xe "nghĩa tình" với giá hơn 20 triệu đồng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Huỳnh Mích, một trong 23 người từ TP.HCM về, cho biết nhóm anh đã hợp đồng với xe từ TP.HCM ra Huế với giá mỗi người hơn 1 triệu đồng (không tính trẻ con), mỗi xe máy 300.000 đồng. Tổng cộng chi phí cho chuyến hồi hương này hơn 20 triệu đồng.
Nhưng đến sáng nay, phía chủ xe gọi lại cho tài xế cho đoàn 2 triệu đồng để lo ăn uống, cách ly, còn lại vẫn tính ra khoảng 20 triệu đồng.
Vợ anh Mích đã làm hợp đồng với nhà xe từ hôm 31-7 nhưng vì nhà xe bận nên đến ngày 3-8 mới xuất phát. Nhà xe nói sẽ chở ra đến Lăng Cô để nhóm người tự đi cách ly và khi di chuyển, xe treo logo "chuyến xe nghĩa tình" để dễ dàng đi qua các chốt kiểm soát dịch.
"Hiện chúng tôi vừa được Huế lập biên bản sai vì vi phạm chỉ thị 16, nhưng chưa biết có bị phạt hay không. Chúng tôi biết mình sai và vi phạm nhưng giờ khó khăn quá nên làm liều", anh Mích nói.
TTO - 23 người trong đó có cả trẻ nhỏ, phụ nữ phải vạ vật ở trạm trung chuyển hầm Hải Vân, địa phận Đà Nẵng vì Thừa Thiên Huế từ chối tiếp nhận.