Chính phủ tăng thu mua dự trữ lương thực quốc gia sẽ hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, không bị tư thương ép giá.
Sản lượng lúa hè thu tăng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), đến thời điểm này (4.8.2021), gieo cấy và thu hoạch lúa hè thu cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, sản lượng lúa thu hoạch được đạt khoảng 23,7 triệu tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ vụ hè thu 2021 là 1,599 triệu hecta; năng suất ước đạt 56,51 tạ/ha, sản lượng ước đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120 nghìn tấn so với hè thu 2020. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống 1,515 triệu hecta, năng suất ước đạt 56,66 tạ/ha, tăng 1,15 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,584 triệu tấn.
Đến thời điểm này, khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được gần 80% diện tích lúa hè thu, tổng sản lượng ước đạt trên 6 triệu tấn lúa. Trà lúa còn lại đang trong giai đoạn chín rộ nông dân phải thu hoạch dứt điểm trong 15-20 ngày tới.
“Tháng 8 và 9 cũng là thời điểm có sản lượng thu hoạch lớn nhất” - ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết.
Tăng thu mua dự trữ, hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa
Điều đáng nói là, mặc dù sản lượng lúa năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá lúa đang giảm, đặc biệt là tại “vựa” lúa ĐBSCL. Hiện giá lúa giảm xuống ở mức thấp nhưng việc tiêu thụ vẫn rất chậm thậm chí, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều thương lái không đến thu mua được, phải bỏ “cọc”.
Kiên Giang là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất vùng ĐBSCL, trong đó diện tích gieo sạ vụ Hè thu đạt trên 280.000ha. Trong những ngày qua, bà con nông dân ở đây rất lo lắng vì giá lúa giảm mạnh nhưng rất khó bán.
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Long An, đến nay, nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 53.200ha lúa hè Thu, năng suất lúa ước đạt 5,2 tấn/ha, sản lượng 277.660 tấn, nhưng giá lúa đã giảm mạnh, hiện chỉ bán ra với giá từ 5.300 - 5.800 đồng/kg, giảm 300-500 đồng/kg so với vụ hè thu năm 2020. Với mức giá lúa gạo như hiện nay, nông dân có lãi ít, thậm chí nếu không khéo đầu tư, nông dân sẽ không có lãi.
Theo ông Lê Quốc Việt - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, giá lúa tại địa phương hiện nay đã rớt xuống dưới 5.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân nhưng rất ít thương lái đến mua, nông dân rất sốt ruột vì mùa mưa bão đã bắt đầu diễn ra.
Tại Kiên Giang, giá lúa cũng giảm xuống mức thấp. Giám đốc Sở NNPTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh An Giang cũng như các tỉnh khác ở trong khu vực ĐBSCL cũng có những khó khăn tương tự trong tiêu thụ nông sản, lúa gạo: Ngoài khó khăn về thị trường, các đầu mối thu mua nông sản còn gặp khó khăn về vận chuyển do nhiều địa phương siết chặt kiểm soát dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa, thu tiền về để có vốn đầu tư vào sản xuất vụ tiếp theo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, sẽ kiến Chính phủ triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực.
Bởi trong tình hình căng thẳng của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Chính phủ thu mua lúa với số lượng lớn, ngoài việc tăng dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn góp phần giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo, hỗ trợ nông dân không bị thương lái ép giá.
Xem thêm: odl.502839-aig-couq-urt-ud-aul-aum-uht-gnat-nad-gnon-ort-oh-uhp-hnihc-ihgn-neik/et-hnik/nv.gnodoal