Mùa nhãn... "đắng"!
Thời điểm này các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch nhãn, nhưng nông dân rầu rĩ ngồi nhìn trái chín rụng đầy vườn mà chẳng có thương lái đến mua, giá rớt thê thảm. Từ lâu, huyện Châu Thành là địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp với hơn 3.660 ha, nhờ đó nông dân các xã An Nhơn, An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu... kinh tế khá hẳn lên. Vụ năm nay trúng mùa lại không có người mua. Toàn tỉnh Đồng Tháp sản lượng nhãn năm nay dự kiến hơn 13.400 tấn bị tắc đầu ra. Hiện nhãn Châu Thành đang tiêu thụ với sản lượng nhỏ, lẻ, giá thu mua tại vườn khoảng 10.000 đồng/kg.
Tỉnh Sóc Trăng có hơn 3.100ha diện tích trồng nhãn, năm nay trúng mùa, sản lượng dự kiến thu từ tháng 7 đến tháng 12 khoảng 25.000 tấn. Vào mùa thu hoạch lại gặp đại dịch Covid-19 bùng phát, nhãn xuồng vào mùa chín rộ nhưng không nơi tiêu thụ. Một số đại lý đành ngưng thu mua do vận chuyển khó khăn..., giá nhãn xuồng giảm chỉ còn 10.000 đồng, giảm hơn 15.000đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tiêu thụ được rất ít. Tỉnh Bến Tre, nhãn xuồng cơm vàng giảm mạnh, thị trường tiêu thụ trầm lắng, giá 9.000 đồng/kg nhưng ít người mua. Cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại có khoảng 200ha nhãn xuồng trồng theo tiêu chuẩn VIET GAP, hiện đã vào mùa thu hoạch nhưng đầu ra bế tắc. Nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Long mỗi ngày thu hoạch khoảng 15 tấn nhưng không biết tiêu thụ ở đâu.
Nhà vườn TP.Cần Thơ nhận định chưa bao giờ nhãn lâm vào tình cảnh như hiện nay. Từ khi hai chợ đầu mối lớn Thủ Đức và Bình Điền tại TPHCM tạm ngưng hoạt động, nhãn đang chín rộ không có thương lái đến mua. Việc tiêu thụ qua kênh chợ truyền thống, siêu thị hay bán lẻ trong vùng không được nhiều, xe tải vận chuyển cũng khó khăn hơn. Hợp tác xã Thái Thanh (ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đang gặp khó khăn, nhất là 15 hộ thành viên của hợp tác xã này hiện có trên 85ha nhãn Ido đang chín oằn nhánh, chờ hái nhưng giá rẻ không đủ thuê nhân công. Nhiều lão nông cho biết, năm nay nhãn Ido trúng mùa 10 tấn/ha, cao hơn mấy năm trước khoảng 2 tấn/ha nhưng không hái kịp, trái hư rơi rụng đầy. "Hiện giá thương lái mua XK khoảng 35.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm rồi nhưng không ổn định. Quy định vận chuyển hàng hóa mỗi nơi mỗi khác nên làm sao đưa hàng đến chợ, giúp người dân tiêu thụ NS được?", ông Tư Tín, một lão nông trồng nhãn ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, chia sẻ.
Nhà nông chờ thương lái
Không chỉ cây nhãn, nhiều mặt hàng nông sản (NS) ở ĐBSCL cũng tắc đầu ra. Tỉnh Tiền Giang, nơi có diện tích trồng thanh long hơn 8.000ha, trong số này thanh long ruột đỏ hơn 4.000ha, diện tích cho trái hơn 6.000ha, sản lượng hàng năm khoảng 180.000 tấn/năm. Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, loại quả này được xuất khẩu (XK) chủ yếu sang Trung Quốc. Khi thực hiện giãn cách xã hội, thanh long tắc đầu ra. Tháng 8-2021, tỉnh dự kiến thu hoạch 57.000 tấn rau quả các loại nhưng đang gặp khó bởi không nơi tiêu thụ.
Vĩnh Long có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản nhưng thiếu doanh nghiệp (DN) chế biến để XK, hàng hóa chỉ tiêu thụ nội địa và XK tiểu ngạch lại ngay thời gian giãn cách nên gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Huyện Bình Tân được ví như "vương quốc khoai lang", mỗi năm sản lượng từ 250.000 - 300.000 tấn, phần lớn được các thương lái Trung Quốc thu mua, XK qua đường tiểu ngạch nên thị trường không ổn định. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình XK khoai gặp khó, đời sống người nông dân càng thêm vất vả. Hiện huyện Bình Tân còn 700 - 800ha khoai lang sắp thu hoạch, dự kiến mỗi hécta khoảng 30 tấn. Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long trồng 140 ha xà lách xoong, 80 ha rau diếp cá, từ trung tuần tháng 7 đến nay, mỗi ngày khoảng 3 tấn rau xanh ở Bình Minh thiếu nơi tiêu thụ. Bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long giá thấp ở mức 6.000 - 7.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Tại Hậu Giang còn 2.700 tấn nông thủy sản đang tìm thị trường tiêu thụ...
Đưa chợ lên mạng
Thực tế, giá NS được xem là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"! Người dân loay hoay trồng cây gì, chất lượng sản phẩm, bán nơi đâu thì vướng đại dịch, cuộc sống càng khó khăn hơn. Dù các cơ quan chức năng cho rằng không ngăn sông cấm chợ, đảm bảo cung ứng đủ lương thực..., nhưng quy định một số nơi lại khác nhau. Các địa phương vẫn còn hoạt động chợ truyền thống nhưng thiếu hàng do ách tắc ở khâu vận chuyển. Để giải quyết vấn đề NS dội chợ, chờ thương lái đến mua, các cơ quan chức năng cần giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, tăng thêm cơ sở chế biến...
Trước khó khăn của người dân, một số địa phương cũng tìm đầu ra cho hàng NS. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long đã thống kê số NS đang gặp khó, phối hợp với Sở Công thương đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ cho nhãn xuồng cơm vàng, rau xanh, khoai lang tím Nhật, bưởi Năm Roi..., tiếp cận thị trường tiêu thụ tiềm năng ở TPHCM.
Ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang - cho rằng, hiện tỉnh gặp khó khăn cho đầu ra của nông và thủy sản. Tỉnh đang có kế hoạch thu mua cung ứng cho các cơ sở cách ly tập trung để phục vụ bà con và số khác cung ứng cho các chợ trong tỉnh. Hậu Giang đang kết nối với Tổ 970 của Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương, tạo điều kiện đề tìm đầu ra cho NS. Tỉnh đoàn cùng Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức Chương trình "Kết nối tiêu thụ nông sản Bến Tre trong mùa Covid trên Fanpage Tuổi trẻ Bến Tre", bước đầu giải quyết đầu ra vài tấn nhãn mỗi ngày.
Ngày 23-7, ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - ban hành quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh, bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông NS trong dịch Covid-19. Tổ này có trách nhiệm triển khai, phối hợp với Ban chỉ đạo PC dịch Covid-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy SX, tiêu thụ NS thuận lợi, đảm bảo thông suốt, an toàn PC dịch bệnh.
Sở Công thương cùng Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã phối hợp với các đơn vị để đưa sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử (TMĐT): Postmart.vn, Voso.vn rất thành công. Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa ở huyện Châu Thành đã hợp tác cung ứng cho sàn TMĐT Postmart.vn 5 tấn nhãn, Voso.vn 3 tấn nhãn để bán cho khách hàng. Ngoài tiêu thụ trên sàn TMĐT, nhãn Châu Thành còn được kết nối với các DN, hệ thống Bách hóa xanh tại TPHCM nhưng sức mua chưa lớn. UBND tỉnh Đồng Tháp đã lên phương án xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng của tỉnh: lúa, gạo, thủy sản, xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít, ớt, hoa kiểng, ổi... Trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ đẩy mạnh bán hàng trên các sàn TMĐT; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan để định hướng cho DN có kế hoạch SX kinh doanh, XK phù hợp...
Xem thêm: lmth.365711_uuc-iaig-ohc-cut-peit-nas-gnon/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc