vĐồng tin tức tài chính 365

Nửa tháng không có khách gọi xem xe, sales ôtô tính chuyện bỏ nghề vì ế ẩm

2021-08-05 09:20

Hãng xe gốc châu Âu mà chị Bùi Thu Phương (Hà Nội) làm việc ra mắt thị trường Việt Nam từ giữa năm ngoái. Những tháng đầu, một sales có kinh nghiệm như chị Phương bán hàng khá ổn, mức 5-6 xe một tháng là khả thi. Phần vì các mẫu xe mới khá được ưa chuộng, cùng với chính sách khuyến mại của hãng cũng như nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên tình hình bắt đầu ảm đạm từ cuối quý II năm nay khi các đợt dịch bệnh bùng phát mạnh hơn hẳn năm trước. 2 tuần trở lại đây, chị gần như không có khách gọi xem xe.

Các đồng nghiệp khác của chị Phương cũng trong tình trạng tương tự vì phần lớn khách hàng mua xe cá nhân trên thị trường hiện nay đều theo hình thức trả góp. Khi dịch bệnh kéo dài, kinh tế đi xuống, khách cũng cân nhắc lại nhu cầu mua xe.

Nửa tháng không có khách gọi xem xe, sales ôtô tính chuyện bỏ nghề vì ế ẩm - Ảnh 1.

Chi phí chạy quảng cáo lại trở thành gánh nặng với dân sales khi thị trường ôtô ảm đạm. Ảnh minh họa: RetailNewsAsia

Theo báo cáo bán hàng được Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố gần đây, doanh số bán xe của các thành viên tháng 6/2021 đạt 23.587 xe, giảm 8% tương đương gần 2.000 xe so với tháng 5/2021. Trong đó, ôtô du lịch chỉ đạt 15.802 xe, giảm 10%; xe thương mại đạt 7.131 xe giảm 16% so với tháng 5.2021. Trong tháng 7, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh ôtô thì dù đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá... thì kết quả vẫn không mấy khả quan.

Hà Nội: Hoa hồng bán xe khó đủ bù tiền "chạy" quảng cáo

Vài năm trở lại đây, khi mạng xã hội cũng như các hoạt động quảng bá kinh doanh trên mạng phát triển, chuyên viên kinh doanh như chị Phương hay chị Mai Hương - sales khác đến từ một hãng xe Mỹ thường dùng kênh này để tiếp cận khách hàng. Theo các chị, cứ 10 người mua xe thì có đến 8 "search" thông tin trên mạng trước để tìm địa chỉ uy tín. Chính vì vậy, chuyên viên bán hàng thường tự đứng ra hoặc hùn nhau thành một nhóm để tự tiếp thị bản thân cũng như showroom trên mạng. Khoản tiền này do sales tự bỏ như một khoản đầu tư, hy vọng bán được nhiều xe sẽ bù vào.

Theo một đơn vị chuyên về marketing ôtô thì để chạy quảng cáo trước hết phải có website, chi phí ban đầu khoảng 5 triệu đồng, sau đó sẽ bắt đầu chạy tìm kiếm trên Google với chi phí cho gói thấp nhất khoảng 8-10 triệu đồng một tháng để quảng cáo 2-3 dòng xe cùng lúc. Nếu để "lên top" tìm kiếm thì phải nhiều hơn nữa. Sau giai đoạn đầu, nếu muốn tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng, các sales sẽ phải tiếp tục "đốt tiền" để "làm SEO". Sau 3-6 tháng, nếu website sẽ có thể duy trì trong top 5 kết quả mà người dùng tìm kiếm được coi là làm tốt. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với chi phí, càng chạy nhiều, càng chọn nhiều từ khóa thì sẽ càng tốn nhiều tiền hơn. 

Một cách khác cũng hay được áp dụng là chạy quảng cáo bài viết trên Facebook cá nhân hoặc Fanpage với tiêu đề giá sốc, giảm giá sâu, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút các khách hàng đang có ý định mua xe vào xem. Tuy nhiên, cũng giống như cách trên, đây cũng là phương án tốn kém và chỉ thích hợp trong thời kỳ thị trường bùng nổ. Còn giờ đây, khoản chi này lại trở thành gánh nặng.

Theo chị Mai Hương, trước đây chị mỗi tháng bán được 3-4 xe cho khách cá nhân lẫn doanh nghiệp, hoa hồng mỗi xe được khoảng 2 triệu, cộng với thu nhập từ bán thêm bảo hiểm và phụ kiện theo xe, nên phần chi phí chạy quảng cáo phần nào có thể trang trải. Nhưng từ khi có dịch, xe bán ít hơn hẳn nên chị cảm thấy khá chật vật, việc tự chạy quảng cáo thì gần như là không thể. 

Chị Thu Phương thì cho biết đợt dịch đầu tiên năm 2020, chị cũng mình cũng bị ảnh hưởng nhiều nhưng gần cuối năm, Nhà nước giảm 50% thuế thì tình hình lại tốt hơn. "Qua Tết, khoảng quý I và II thì lượng xe bán ra của các hãng và cả hãng mình đều tạm ổn. Đến tháng này thì không còn được như vậy nữa", chị kể. Theo nhân viên này, nhân sự phòng Sales của chị đã bắt đầu bị cắt giảm. Những người mới vào 1-5 tháng mà kết quả kinh doanh không tốt cũng bị cắt giảm chỉ còn 80% lương. 

Cả chị Phương và chị Hương đều cảm thấy khó khăn nếu chỉ bán xe ở thời điểm này. Do vậy, ngoài công việc chính, cả hai đều phải kiêm nhiệm thêm một nghề khác nữa. Riêng chị Phương cho biết, nếu đến cuối năm mà tình hình vẫn không khá hơn thì sẽ tập trung cho việc thứ hai nhiều hơn.

Làm sales ở tỉnh: doanh số vẫn ổn định

Anh Lại Thế Hùng, một nhân viên sale của hãng Toyota ở Cẩm Phả, Quảng Ninh cũng chia sẻ về tình hình bán hàng thời điểm này. Anh cho biết, ở Quảng Ninh hãng có 2 đại lý với khoảng 60 sales nên sẽ có trường hợp ai bán được thì vẫn bán tốt và ngược lại. Tuy nhiên, doanh số mảng xe kinh doanh dịch vụ đã giảm một lượng đáng kể do tình hình dịch bệnh kéo dài suốt 2 năm qua.

Nửa tháng không có khách gọi xem xe, sales ôtô tính chuyện bỏ nghề vì ế ẩm - Ảnh 2.

Anh Lại Thế Hùng (Quảng Ninh) cho biết doanh số bán xe ở địa phương vẫn tương đối ổn định. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Do dịch bệnh, nhiều người có xu hướng ngại di chuyển trên các phương tiện công cộng nên lượng tham khảo mua xe cá nhân cũng nhiều hơn. Riêng ở Quảng Ninh, những khách hàng mua xe với mục đích sử dụng cho gia đình vẫn ổn định. “Ở đại lý bên mình, doanh số trong tháng 7 có bạn bán nhiều nhất là giao được 14 xe. Còn lại chỉ tiêu tháng thì vẫn là 6 xe một nhân viên", anh nói.

Theo sales này, bản chất khách hàng thời điểm này quyết mua xe thì gần như là những người không bị ảnh hưởng bởi dịch. Họ có thể là công chức hoặc là các doanh nghiệp kinh doanh vẫn ổn định được doanh thu. "Khi mua xe, họ về cơ bản vẫn có nhu cầu với cách dịch vụ đi kèm như bảo hiểm, phụ kiện hoặc các tiện ích gia tăng khác”, anh Hùng chia sẻ thêm.

Phương Kim

NDH

Xem thêm: nhc.94220248050801202-ma-e-iv-ehgn-ob-neyuhc-hnit-oto-selas-ex-mex-iog-hcahk-oc-gnohk-gnaht-aun/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nửa tháng không có khách gọi xem xe, sales ôtô tính chuyện bỏ nghề vì ế ẩm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools