TP.HCM đang bước vào đợt tiêm ngừa thứ sáu, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8. Theo thống kê, TP có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Hiện tại, TP đã triển khai tiêmmũi 1 cho khoảng 2 triệu người và 70.000 người được tiêm mũi 2. Theo tính toán, nhu cầu vaccine trong tháng 8 của TP sẽ vào khoảng 5-5,5 triệu liều để đảm bảo chiến lược tạo “vùng xanh” an toàn cho người dân có thể phát huy hiệu quả, tức giảm tải áp lực y tế, giảm thiểu số ca nhiễm và ca tử vong.
Điều đáng chú ý là vaccine đang khan hiếm, việc tạo ra nguồn cung trên 5 triệu liều cho TP trong tháng 8 là không hề dễ dàng nếu tập trung vào các loại vaccine trước đây như AstraZeneca, Moderna hay Pfizer. Trong khi đó, 5 triệu liều vaccine Sinopharm dự kiến về TP trong tháng này đang gặp nhiều băn khoăn và lo lắng từ công luận.
Vaccine không chỉ là vấn đề cấp thiết về chính sách chống dịch, mà trên hết đó là an toàn sức khỏe và quyền tự do chọn lựa của người dân. Chính vì vậy, Pháp Luật TP.HCM đã mang những điều băn khoăn phổ biến nhất của bạn đọc để trao đổi với PGS-TS Đỗ Văn Dũng (ảnh), Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM.
Có đủ dữ liệu khoa học về Sinopharm không?
. Phóng viên: Chúng ta hãy nói về vaccine, cụ thể là vaccine Sinopharm vì đây có thể sẽ là nguồn cung chủ yếu tại TP.HCM trong tháng 8, thậm chí kéo dài qua tháng 9. Nhiều người lo ngại chất lượng vaccine này khi cho rằng Sinopharm “kém tin cậy”, bởi nếu là vaccine tốt thì Sinopharm phải có đầy đủ công bố khoa học trên các tạp chí khoa học. Quan điểm của ông như thế nào về lo ngại này?
+ PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Tất nhiên, không phải cứ WHO phê duyệt thì chúng ta nói là vaccine tốt. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng việc phê duyệt ấy cũng phải trải qua các quy trình kiểm định với các tiêu chí nhất định. Trong đó, có một tiêu chí rất quan trọng đó là đã công bố trên các tạp chí kiểm duyệt quốc tế.
Tương tự các loại vaccine khác, hồ sơ tiền lâm sàng của vaccine Sinopharm (mà tôi đã đọc qua) bao gồm nghiên cứu an toàn, sinh miễn dịch đã được đăng trên tạp chí Cell. Các thử nghiệm lâm sàng pha II đã được đăng trên tạp chí Lancet Infectious diseases; trong khi thử nghiệm lâm sàng pha III cũng đã được đăng tải trên tạp chí rất có uy tín, đó là JAMA. Mặc dù các kết quả của các nghiên cứu này không đủ chứng minh vaccine Sinopharm có hiệu quả và an toàn ở người cao tuổi và người có bệnh nền nhưng đã đủ các bằng chứng khoa học cho thấy nó có hiệu quả và an toàn ở người lớn từ 18 đến 59 tuổi và có lẽ càng trẻ tuổi thì hiệu quả càng mạnh.
Như vậy, tất cả các vaccine được WHO công nhận đều phải trải qua các giai đoạn bắt buộc như trên. Các nghiên cứu về vaccine phải được chứng minh là chặt chẽ về phương pháp, thiết kế thí nghiệm và các yêu cầu về mặt thống kê. Các kết luận về vaccine cũng phải phù hợp với những gì mà dữ liệu thể hiện. Những điều này tôi đã tìm hiểu và cho rằng những thông tin khoa học về Sinopharm đã được công bố đủ ở mức tin cậy.
Người dân TP.HCM tiêm vaccine chiến dịch đợt 5. Ảnh: NGUYỆT NHI
Niềm tin đối với WHO ra sao?
. Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người hoài nghi về năng lực thẩm định của WHO, thậm chí hoài nghi luôn việc phê duyệt của gần 90 quốc gia khác. Nếu tạm bỏ WHO hay phê duyệt từ các nước thì còn chỉ dấu nào nói về độ tin cậy của vaccine Sinopharm?
+ Hoài nghi WHO hay bất kỳ ai là chuyện bình thường trong khoa học. Tôi cho rằng đã làm khoa học thì luôn luôn nhớ rằng luôn đặt mình trong tâm thế nghi ngờ, không vội tin vào bất kỳ yếu tố tác động nào (ví dụ WHO hay sự phê chuẩn của các nước với Sinopharm). Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp cũng chỉ tin vào những số liệu hay công bố khoa học mà chúng tôi đã có thể đọc qua và đánh giá. Với Sinopharm, chúng tôi đã có đánh giá về thiết kế nghiên cứu, cỡ mẫu, kết quả thống kê, các sai lệch có thể xảy ra. Từ đó chúng tôi mới có thể tin vào vấn đề an toàn, hiệu quả vaccine.
Trên thực tế, một số người dựa trên tiêu chí có công bố cả ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên các tạp chí y học có uy tín là tiêu chí quan trọng để chọn lựa vaccine. Tiêu chuẩn này có thể là đúng. Tuy nhiên, cũng chính những nhà nghiên cứu này, có lẽ là do vội vã hoặc không có kinh nghiệm tìm kiếm y văn về vaccine, đã vội vàng dựa trên tiêu chí này để đánh giá Sinopharm là kém tin cậy. Tuy nhiên, khi đánh giá phương pháp nghiên cứu của những thử nghiệm lâm sàng vaccine Sinopharm (trên Lancet Infectious diseases và JAMA), chúng tôi thấy rằng kết quả của nghiên cứu của họ là đáng tin cậy.
Ngoài ra, đây là nghiên cứu đa trung tâm, đa quốc gia (gồm Bahrain, Ai Cập, Jordan và UAE). Nếu nghiên cứu này chỉ làm ở Trung Quốc thì chúng ta có thể nghi ngờ nhiều về tính minh bạch nhưng đây là nghiên cứu đa quốc gia, rất khó có thể tất cả các nhà khoa học ở các quốc gia này đều chơi trò gian lận khoa học.
160.000 là con số ước tính về liều vaccine đã được tiêm trong ngày 4-8. Trong tháng 8, TP.HCM cần tiêm mũi đầu tiên cho 4,3 triệu dân nếu muốn bao phủ 70% dân số trên 18 tuổi. Hiện nay, các quận, huyện của TP.HCM đã mở hết công suất, cải thiện mô hình tiêm chủng để có thể đạt được con số 150.000-170.000 liều mỗi ngày. |
Công nghệ vaccine bất hoạt là lạc hậu?
. Nhiều người lo ngại vaccine Trung Quốc vì đây là “vaccine bất hoạt” và họ cho rằng đây là công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy hiểm. Quan điểm của ông ra sao về lo ngại này?
+ Trước hết, phải khẳng định công nghệ chế tạo vaccine bất hoạt là rất an toàn. Vaccine Sinopharm được chế tạo bằng cách nuôi cấy virus trên tế bào Vero và sau đó được bất hoạt bằng một hóa chất, đó là β-Propiolactone. Cơ chế này chắc chắn không thể làm cho virus còn khả năng sống sót. Khi tiêm vào người, thật ra chỉ còn phần vỏ bên ngoài của virus mà thôi, cho nên hoàn toàn an toàn cho người được tiêm. Công nghệ này là cổ điển, được áp dụng trên nhiều loại vaccine như bại liệt, ho gà… Chính vì vậy, kỹ thuật này đã được kiểm định rất nhiều lần và tất cả đều cho thấy rất an toàn.
Về sốc phản vệ - loại phản ứng nguy hiểm nhất, được quan tâm nhiều nhất - thì theo các báo cáo ban đầu, vaccine theo kiểu bất hoạt được cho là ít hơn so với các loại vaccine mRNA thế hệ mới, dù về hiệu lực thì vaccine bất hoạt kém hơn vaccine mRNA.
. Cần hiểu như thế nào là “hiệu lực kém hơn” giữa vaccine bất hoạt và mRNA?
+ Chúng ta không nên hiểu rằng vaccine bất hoạt như Sinopharm ít hiệu lực hơn vaccine mRNA thì không sử dụng được. Hiệu lực kém hơn miễn là trên 50%. Với Sinopharm thì có hiệu lực khoảng 78%, tôi nghĩ là khá đủ, nhất là có khả năng ngăn ngừa nguy cơ bệnh trở nặng và các trường hợp tử vong. Điều khó khăn là chúng ta phải tiêm lại nhiều lần.
. Xin cám ơn ông.
Virus SARS-CoV-2 hiện nguy hiểm ra sao? Chủng virus mới hiện nay là Delta xuất phát từ Ấn Độ. Chủng này có những đột biến trên protein gai của nó, khiến cho việc xâm nhập của virus vào trong tế bào cơ thể người rất nhanh chóng. Vậy nên chủng này lây lan mạnh mẽ hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Trước đây, mỗi chu kỳ lây nhiễm chỉ ở mức 2-3 người nhưng với biến chủng mới thì một bệnh nhân (F0) có thể lây cho 7-8 người. Với thực trạng này, dịch bệnh có thể gia tăng mạnh và các biện pháp phòng dịch thông thường (như 5K, giãn cách, truy vết, cách ly…) đã không đủ sức để ngăn đại dịch. Về tử vong, chủng Delta không tăng độc lực so với các chủng khác. Tuy nhiên, chính vì tốc độ lây lan nhanh nên số ca F0 quá nhiều, trong đó số ca F0 trở nặng cần điều trị y tế đã tăng nhanh chóng, gây quá tải cho hệ thống y tế, từ đó làm tăng số người tử vong. Có thể nói với chủng Delta, các khu vực chống dịch chưa tốt, bao gồm cả vaccine và giãn cách thì số người bị nhiễm, tử vong sẽ gia tăng. PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM |