Tại một tọa đàm trực tuyến mới đây, TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) hàng không Việt Nam, phản ánh các hãng hàng không hiện rất khó khăn khi có đến 90% máy bay phải nằm bãi, sản lượng vận chuyển hành khách trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Ưu tiên chính sách tài khóa
Không riêng hãng bay, toàn bộ DN trong chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không như suất ăn, vận chuyển, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ thương mại mặt đất... đều chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi các hãng phải gánh chi phí bảo dưỡng máy bay nằm bãi rất lớn ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, năng lực tài chính.
Do đó, Hiệp hội DN hàng không Việt Nam đề xuất gói vay tín dụng khoảng 25.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 4%/năm, thời hạn vay từ 3-5 năm để hãng bay duy trì nguồn lực, có vốn để phục hồi và phát triển. Đồng thời đề xuất tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ về phí, lệ phí cho ngành hàng không như năm trước; giảm 70% thuế suất thuế môi trường đối với nhiên liệu bay...
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright, cũng nhấn mạnh bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, trong khi quy mô các gói hỗ trợ hiện nay không đủ lớn. "Kết quả thu ngân sách không chỉ tăng 14% so với năm ngoái mà còn vượt dự toán. Với ngân sách như vậy, có thể tính đến tăng hỗ trợ cho DN, không chỉ hoãn nộp thuế mà có thể giảm thuế. Đồng thời, xem xét tăng các gói chi hỗ trợ mới cho cộng đồng DN" - ông Thành nêu quan điểm.
Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục giảm lãi vay cùng nhiều loại thuế, phí khác. Trong ảnh: Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú trước khi dịch Covid-19 bùng phát Ảnh: TẤN THẠNH
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới. Đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người đi vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03; tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh, là động lực cho tăng trưởng, các khu công nghiệp, trong khi đó, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Do vậy, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ tài khóa như đầu tư công, miễn giảm thuế, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng.
Hỗ trợ người dân cũng là hỗ trợ DN
Những ngày qua, nhiều đoàn người đông đúc kéo nhau rời TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... về quê, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh vào miền Nam làm công nhân nhà máy hoặc kiếm sống tự do. Đây không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề của DN.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhấn mạnh các gói hỗ trợ cần thiết kế sao cho đối tượng trên được thụ hưởng để họ yên tâm ở lại, hạn chế di chuyển gây áp lực đến việc phòng dịch. "Nhà nước có gói hỗ trợ mà vẫn để người lao động ngoại tỉnh về quê là thất bại. Nếu giữ được họ ở lại, ngay khi hết dịch hoặc khi DN có thể sản xuất trở lại, người lao động có thể đi làm ngay được.
Còn nếu không giữ chân được người lao động, đặc biệt là ở khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, khi dịch qua đi và DN tổ chức sản xuất trở lại, chắc chắn sẽ thiếu hụt lao động trầm trọng. Như vậy, kinh tế của các địa phương này sẽ bị tổn hại rất lớn. Địa phương muốn thu được thuế của DN, giữ được tăng trưởng thì phải giữ được người lao động thông qua các biện pháp hỗ trợ cấp bách" - ông Thế Anh phân tích và nhấn mạnh cần giải ngân gói hỗ trợ thật nhanh thông qua thống kê ở địa phương hoặc thông qua DN để chi trả cho người lao động.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cũng nhìn nhận việc người dân ngoại tỉnh rời các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN sau dịch. Do đó, ông mong muốn các chính sách hỗ trợ cần nhanh giải ngân hơn nữa. Đồng thời, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất Quốc hội giám sát chặt chẽ đối với việc giải ngân các gói chính sách hỗ trợ còn rất chậm hiện nay.
Ở góc độ DN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết 70% DN ngành gỗ tập trung tại TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Trong đó, nhiều DN đã tạm ngưng sản xuất do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều công nhân tại Đồng Nai, Bình Dương đã di chuyển bằng nhiều cách để về quê tránh dịch. "Với DN còn hoạt động, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ
60%-70% lương, giúp công nhân yên tâm ở lại làm việc và chờ tiêm vắc-xin để bảo đảm an toàn về mặt sức khỏe, giúp sức cho ngành gỗ giữ được tăng trưởng xuất khẩu tương đương năm ngoái" - ông Hoài kiến nghị.
Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá chính sách hỗ trợ liên quan đến dịch Covid-19 triển khai chậm, chưa tiếp cận được nhóm người dân, DN dễ bị tổn thương, khó khăn vì dịch, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, DN nhỏ, siêu nhỏ. Đến ngày 27-5, gói hỗ trợ tiền mặt mới giải ngân được 13.100 tỉ đồng, tương đương 36,5% quy mô. Còn gói vay 16.000 tỉ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho nhân viên nghỉ việc do Covid-19, hiện mới giải ngân được 0,26%... Từ đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện các đối tượng chịu ảnh hưởng và hỗ trợ hiệu quả hơn.
Gia hạn trả lãi 4-6 tháng
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, kiến nghị bên cạnh việc giảm lãi vay ngân hàng cho DN, cần quan tâm đến việc gia hạn trả lãi thêm 4-6 tháng bởi DN đang phải gồng gánh nhiều chi phí chống dịch. "Ngoài ra, với quy định DN vay ngân hàng phải giải ngân trước ngày 10-6-2020 mới được khoanh nợ, gia hạn trả lãi thì không có bao nhiêu DN đạt tiêu chí hưởng ưu đãi. Đề nghị cơ quan nhà nước xem xét điều chỉnh lại để tạo điều kiện cho DN" - bà Chi nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8