Người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại phường 11 (quận Tân Bình) vào sáng 4-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 3-8 là ngày đầu tiên phường tôi, thuộc một quận vùng ven TP.HCM, tổ chức tiêm vắc xin cho người từ 50 đến 65 tuổi.
Bác hàng xóm của tôi đến rất sớm, xếp hàng chờ hơn một tiếng, đến lượt rồi nhưng khi nhìn phía sau có một người cũng bằng tuổi mình nhưng có vẻ không khỏe, bác đã chủ động đổi số thứ tự của mình cho người này.
Bác chỉ cười hiền: "Mình chờ thêm vài chục phút không sao, nhưng với người đang mệt sẽ rất vất vả, dễ tăng huyết áp, không tiêm được".
Nghĩa cử cao đẹp của bác được lan nhanh. Nhiều cô chú khỏe mạnh tuy xếp hàng trước nhưng đã nhường vị trí của mình khi biết người phía sau có bệnh này kia.
Tầm tuổi này, nhiều cô bác có bệnh trong người đi tiêm cũng hơi lo không được tiêm. Nhường nhau thứ tự tiêm, chuyện nhỏ thôi nhưng cô bác đã tặng nhau liều "vắc xin tinh thần" mang đầy tình người trong dịch bệnh.
Nhiều cư dân tạm trú tại các phòng trọ gần nhà tôi mấy hôm nay nghe tin chính quyền thành phố thông báo sẽ tiêm ngừa cho tất cả mọi người, không phân biệt có hộ khẩu hay không, nay đã yên tâm ở lại thành phố, chờ đến lượt được tiêm để an tâm hơn khi ra đường đi làm. Người đã về quê cũng mong sớm bình yên để trở lại thành phố.
Thành phố đang oằn mình chống chọi với khó khăn nhưng không quên quan tâm những người xa quê đến đây mưu sinh. Hộ khẩu hay tạm trú nào quan trọng gì, bởi lẽ sự chung tay cống hiến để tạo nên một thành phố năng động, sáng tạo, có mức nộp ngân sách cao nhất cả nước là như nhau.
Ngay cả vấn đề phân bổ vắc xin, Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho TP.HCM là một quyết định nhân văn và sáng suốt. "Đầu tàu" kinh tế khỏe mới "kéo" được cả đoàn tàu chạy. Nhìn xa hơn, đó là sách lược đúng đắn trong hoàn cảnh lượng vắc xin nhập về từng đợt chưa thể "phủ sóng" đồng loạt toàn quốc.
Việc chia sẻ vắc xin sao cho hợp lý đã khiến những ngành chức năng phải đắn đo, cân nhắc không kém quá trình đàm phán, thương thảo với các nhà cung cấp. Thế nên, được tiêm ngừa là may mắn nhất trong lúc này và không dám mong gì hơn.
Câu chuyện nhường nhau khi tiêm ngừa nhìn rộng hơn sẽ thấy ý nghĩa việc các tỉnh nhường vắc xin cho các tỉnh thành tuyến đầu chống dịch, trước là Bắc Giang và nay là TP.HCM. Có lẽ thấu hiểu được điều này, các cô bác ở phường tôi không ai gặng hỏi được chích loại thuốc nào.
Một bác trai đã nói: "Vắc xin ngừa các bệnh lây nhiễm này, theo tôi biết, cũng chưa có loại nào hoàn hảo. Cả chục năm qua tôi đều đặn tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần nhưng vẫn nhiễm cúm khi có bệnh, tất nhiên tôi bệnh nhẹ và lướt qua nhanh. Nếu các vắc xin đều cho ra kết quả mỹ mãn thì ngành y không vất vả như bây giờ".
Cháu gái tôi là giáo viên mầm non. Mấy tuần trước, có mấy cô cùng trường đã không dám tiêm ngừa, phần sợ biến chứng phần cũng có tâm lý chờ được chọn thuốc.
Nay trường được trưng dụng làm nơi tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn phường, huy động tất cả giáo viên tham gia làm tình nguyện viên, các cô được tiêm gấp để hỗ trợ đội ngũ hậu cần.
Phải mất vài tuần thuốc mới sản sinh tương đối đủ kháng thể, phát huy tác dụng, trong khi con virus đang từng giờ tấn công cộng đồng đang thiếu "lớp áo giáp" bảo vệ.
Nếu vượt qua được khâu khám sàng lọc để được tiêm thuốc thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng triệu người các tỉnh xa đang trông đợi. Và đồng bào cả nước đang nhường "áo giáp" cho những người đang sinh sống tại TP.HCM.
TTO - Để đảm bảo sử dụng hiệu quả và chất lượng số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm toàn bộ vắc xin của Pfizer và Moderna đã được cấp phát trước ngày 8-8.
Xem thêm: mth.7672420150801202-nahc-al-uahn-gnouhn/nv.ertiout