Cuộc gọi định mệnh và những "dữ liệu vàng" hiện ra trong đầu
Gia đình chị Vũ Thị Hoàng Oanh (Quận 10, TP.HCM) có 6 người, bao gồm vợ chồng chị, bố mẹ chồng và 2 con. Trong mùa dịch COVID-19 , chị Oanh là một công chức nhà nước, được phân công nhiệm vụ trong Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của quận.
Đến giờ, chị Oanh vẫn nhớ mãi cuộc gọi định mệnh của chồng vào chiều ngày 20/7, thông báo 3 người trong gia đình chị gồm bố mẹ chồng và con gái đã dương tính sau khi đến chơi nhà họ hàng. Mất vài phút choáng váng, chị Oanh đã tự trấn an bản thân, trong đầu lúc này hiện ra một loạt các "dữ liệu vàng" cần được sắp xếp lại.
Chị nói với chồng: "Anh phải thật bình tĩnh".
Phân chia hết công việc chồng cần làm ngay tại nhà xong, chị quay sang bàn giao công việc của mình và cũng nhanh chóng trở về nhà để sắp xếp công việc.
Đại gia đình của chị Oanh.
Là người tham gia công tác chống dịch, chị biết mình cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho 3 F0 trong nhà. Chị Oanh kể, hôm đó chị không về nhà luôn mà việc làm đầu tiên là đi mua với số lượng rất nhiều những thứ sau đây:
Thứ nhất: Túi rác, mua thật nhiều và chọn nhiều màu khác nhau để phân loại rác y tế hay rác sinh hoạt.
Thứ 2: Khẩu trang và bao tay, kính đeo, áo bảo hộ.
Thứ 3: Rất nhiều khăn giấy, giấy cuộn. Để F0 lau tay, khạc nhổ tại trong phòng.
Thứ 4: Cồn 70 độ, các thuốc cơ bản: Vitamin C, thuốc hạ sốt , giảm đau, viên xông, dầu xanh, kẹo ngậm...
Thứ 5: Các bao đựng thực phẩm, túi zip.
Sau khi về nhà, chị bàn với chồng sẽ sắp xếp cho bố mẹ chồng và con gái mỗi người một tầng riêng, có phòng vệ sinh riêng, có cửa sổ thoáng gió. Đồng thời, vợ chồng chị cũng ở yên trong nhà để phục vụ, hỗ trợ 3 người thân với nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Cậu con trai lớn lúc này đã được ở một nơi khác, không hề bị liên đới.
Nhật ký 12 ngày của gia đình có 3 F0
Ngày thứ nhất, thứ hai
"Ban đầu, tôi nghĩ rằng COVID-19 cũng giống như cảm cúm thôi, không ngại, nhưng tầm 2 ngày sau là biết mặt nhau liền", chị Oanh kể.
Đến ngày thứ 2, bố mẹ chồng chị bắt đầu có triệu chứng nặng, đặc biệt là mẹ. Bà ói liên tục, mệt, đau đầu, sốt, chân tay tê dại, không thể đứng và đi được.
"1h sáng, bà vẫn ói. Bà không nói được gì chỉ rên từng chập: 'Đau đầu quá!' Tôi đứng ngoài nhìn, chẳng làm được gì! Thuốc đã uống, xông đã làm. Chẳng thể ngồi bên cạnh mà an ủi bà. Chỉ có thể nói: Con ngồi ngay dưới cầu thang, có gì mẹ gọi con nhé", chị Oanh kể.
Trong việc ăn uống, vì ông bà ăn gì cũng sẽ nôn ói nên trong mấy ngày đầu nên chị Oanh đã chuẩn bị sữa có đường, nước yến làm sẵn và nước ấm sả pha đường cho ông bà uống.
"Ăn uống của F0 trong mấy ngày đầu càng đơn giản càng tốt vì họ thường rất yếu, đa phần là cần bù nước thôi", chị Oanh cho hay.
Chị dùng khay cơm riêng cho mỗi người. Trên khay để từng tên thành viên trong gia đình. Đồng thời, mỗi khu vực F0 ở sẽ được trang bị một chiếc bình đun sôi siêu tốc (dùng để xông mũi họng bằng viên xông).
Mỗi F0 trong gia đình chị Oanh có một khay cơm riêng.
Nhất cử nhất động của mọi người trong gia đình chị Oanh trong những ngày này cần phải tuyệt đối tỉ mỉ và chính xác: Làm gì cũng phải đeo bao tay để làm, đồng thời cần đeo cả kính chống giọt bắn và khẩu trang.
Khi F0 ăn xong bước ra để khay ăn thì vợ chồng chị sẽ phun xịt khu vực F0 mới đưa đồ ra. Sau 2 phút sẽ tiếp tục dùng nước sôi đổ vào. Đợi 2 phút mới rửa xà phòng và phơi khô. Đồ ăn của mỗi người được rửa riêng từng lần.
Một ngày, gia đình chị thực hiện phun xịt khuẩn cả nhà một lần. Đồ dùng của F0 bao gồm bao tay, khăn giấy, khẩu trang thì để riêng trong một bịch màu vàng. F0 sẽ dùng xịt khuẩn cho phần rác này, sau đó buộc lại, đưa ra ngoài phòng. Vợ chồng chị Oanh sẽ mặc đồ bảo hộ đi gom lại, xịt khuẩn thêm một lần nữa.
Chị cũng nhắc nhở những người đang có người thân là F0 tự cách ly tại nhà: "Nhớ khi chăm F0 phải đứng từ xa, mặc đồ bảo hộ. Mình chỉ đứng nhắc thôi, tuyệt đối không đụng vào thứ gì hết".
Ngày thứ ba
Giờ chị Oanh đã hiểu cảm giác ở chung nhà mà không thể tiếp xúc, nhớ mà không thể ôm con gái. Vì nhớ mẹ, bé thường xuyên nhõng nhẽo: Con muốn ôm mẹ, con nhớ mẹ. Dù thương yêu con nhưng dịch bệnh không cho phép chị mủi lòng, chị chỉ biết động viên và an ủi con hãy thật mạnh mẽ.
Trong ngày hôm nay, bố chồng chị đã hết ho nhưng bắt đầu sốt lại. Con gái vẫn ổn. Mẹ chồng hơi mơ màng, ói nhiều và đau đầu.
Ngày hôm nay, sức khỏe của ông bà đã phần nào giảm. Chị Oanh bắt đầu nấu cháo loãng, pha với đường, hầm với sả và gừng và động viên ông bà húp để mau lấy lại sức.
Lần đầu tiên, ở ngay trong nhà mà vợ chồng chị cũng phải trang bị sẵn cả đồ bảo hộ lẫn kính, khẩu trang, găng tay, để thay phiên nhau lên theo dõi nhịp tim và hơi thở của mẹ.
Con gái chị Oanh
Ngày thứ 4
Con gái chị bắt đầu đau họng. Nhưng chị không cho con dùng thuốc kháng sinh mà chỉ con cách xúc miệng nước muối và ngậm thảo dược.
Tình trạng của bố chồng đã tạm ổn sau khi dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng mẹ chồng chị Oanh vẫn còn rất mệt, liên tục đau nhức mình mẩy và nôn ói. Ngày hôm nay, chị chuyển qua nấu cháo đặc, hầm cùng thịt bằm và sả.
Chị Oanh kể, chị không để các F0 trong nhà uống nhiều nước gừng vì sẽ gây nóng trong người, đau cổ họng hoặc đau bao tử. Thay vào đó, chị khuyến khích mọi người uống thật nhiều nước ấm, đặc biệt là nước chanh xả mật ong ngày 2 lần.
Chị được bạn bè hỗ trợ đặt mua bộ test để tự test cho chính mình và người thân. Nhìn vạch thì có thể đoán được lượng virus trong cơ thể mình để điều chỉnh thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chồng chị Oanh mặc đồ bảo hộ để chuẩn bị đi test COVID-19 cho bố mẹ.
Bàn làm việc note lại lượng thuốc cho F0.
Ngày thứ 5:
Bố chồng: Tiến triển rất tốt, cả ngày đếm được 8 lần ho, 3 lần khạc. Chiều vẫn sốt nhưng uống 1 viên paracetamol là hết.
Con gái: Sáng đau đầu và mệt, bắt đầu tiêu chảy.
Mẹ chồng: Bớt đau đầu, ngủ ngon, đo nồng độ Oxy đạt 98% (tốt), nhưng huyết áp giảm.
Trong hôm nay, chị Oanh đã cho 3 người thân trong nhà sử dụng viên xông để giảm thiểu ho và tức ngực.
"F0 rất yếu, tuyệt đối không làm nguyên một nồi lá xông vì sẽ gây bỏng diện rộng. Chúng ta nên để viên xông này vào ly nước nóng, sau đó đưa lên mũi hít hà", chị Oanh nói.
"Ngoài ra, luôn nhắc F0, nếu thấy ngứa cổ và ho nhiều thì dùng máy sấy tóc thổi vào họng và lồng ngực trong 5 phút là sẽ giảm ho. Đặc biệt trong những ngày bệnh nặng thì không được tắm, không được nằm máy lạnh mà chỉ được thay quần áo thôi. Còn uống vitamin C hay các loại thuốc khác thì phải theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ", chị Oanh nói thêm.
Ngày thứ 6:
Bố chồng: Sốt lại, huyết áp cao.
Con gái: Hết tiêu chảy, hết mệt, chỉ hơi đau họng, ngủ rất ngon. Chị Oanh mừng rỡ và nhủ thầm, bác sĩ nói đúng, hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển nên cơ thể rất nhanh tạo kháng thể, nhưng không được chủ quan.
Mẹ chồng: Huyết áp thấp, hơi nhức đầu.
Hôm nay, cả 3 F0 trong nhà đều đã dần lấy lại vị giác. Vì vậy chị đã nấu ăn theo yêu cầu của từng người. Tuy nhiên, theo chị trong thời gian này người bệnh chỉ nên ăn đồ nhạt, không nên ăn đồ chiên xào. Thực đơn trong ngày này nên là rau luộc, thịt kho lạt và cơm.
Ngày thứ 7:
Đêm hôm đó là ngày mẹ chồng chị trở nặng nhất, với hàng loạt triệu chứng như ho, ói, đau nhức, chân tay run, đau đầu… Lúc này, chị buộc phải liên hệ với bác sĩ và đã được hỗ trợ trị bệnh cắt cơn ngay tại nhà. Chị Oanh nhận ra, khi trong nhà có người mắc COVID-19 thì phải luôn theo dõi và sẵn sàng can thiệp, nhờ sự hỗ trợ bất cứ lúc nào.
Ngày thứ 8:
Bố chồng chị đã chịu ăn, còn ho nhiều và mệt. Mẹ chồng vẫn còn ói nhiều, hơi thở không đều. Con gái chị sức khỏe vẫn ổn.
Ngày thứ 9, 10, 11, 12
Chị Oanh cho rằng, suy nghĩ lo lắng quá nhiều, nghe điện thoại quá lâu cũng là một trong những yếu tố khiến F0 thêm suy sụp và khó hồi phục bệnh.
"Biết người ta thương người ta mới gọi, nhưng một ngày tầm 25 người thương, mỗi người tầm 30 phút thương, thì khó hồi phục lắm", chị Oanh nói. Vì thế, chị khuyên người bệnh nên hạn chế việc sử dụng điện thoại vì như vậy sẽ khiến bản thân ít thời gian nghỉ ngơi, hơn nữa càng nhiều người hỏi thăm sẽ càng ảnh hưởng đến tâm lý.
Ngày thứ 10, đa phần các F0 trong nhà chị Oanh đã khỏe dần. Lúc này, chị cho bố mẹ chồng và con gái ăn những món họ muốn, ăn thêm yến tự chưng.
Trong ngày hôm nay, bố mẹ chồng và con gái chị bắt đầu học cách tập thở, thực hiện vài động tác thể dục, khi khó thở thì biết xoay nằm nghiêng...
Đồng thời, chị cũng chỉ cách cho các F0 trong nhà tự đo các chỉ số mà bác sĩ yêu cầu. Từ đó, bác sĩ sẽ theo dõi và chỉnh đơn thuốc cho phù hợp.
Ngày thứ 12, tình trạng sức khỏe của ông bà và con gái đã ổn hơn. Mẹ chồng chị vẫn đau đầu và mệt nhưng tình trạng rất khả quan.
Chị Oanh kể, khi mới biết tin nhà chị có F0 và khu phố bị phong toả, chị rất lo lắng, sợ rằng hàng xóm sẽ chửi bới, mắng mỏ mình. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn chị may mắn vẫn cảm nhận được tình người, vẫn thấy hạnh phúc vì luôn có bạn bè, hàng xóm bên cạnh.
Những ngày chống chọi với COVID-19 khó khăn nhất của gia đình chị Oanh đang dần qua đi, đến nay, chị Oanh chỉ cầu chúc cho sự bình yên và sức khỏe sẽ sớm tìm về với tổ ấm của mình. Chị nhắn nhủ, nếu không may rơi vào hoàn cảnh gia đình có F0 tự điều trị tại nhà, thì điều quan trọng phải là bình tĩnh, cương quyết, sau đó hãy tìm hiểu, xin kinh nghiệm của những người đi trước, chuẩn bị sẵn trong nhà thật nhiều đồ dùng thiết yếu, hãy thông báo tình trạng cho cán bộ y tế khi cần, làm mọi việc đều cần chính xác, tỉ mỉ đến từng công đoạn nhỏ... chỉ khi cẩn trọng, nhanh nhạy và cương quyết thì chúng ta mới có thể bảo vệ người thân của mình khỏi dịch bệnh, đồng thời giúp chính mình thoát khỏi vòng vây của COVID-19.
Đỗ Đỗ
Tri thức trẻ