Lô vắc xin Moderna do Mỹ viện trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX - Ảnh: TTO
"Mọi sự giúp đỡ của các nước, đối tác và cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng chống đại dịch này đều đáng quý và đáng trân trọng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong họp báo thường kỳ chiều 5-8.
"Việt Nam cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và các tổ chức quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng chống lại đại dịch COVID-19", đại diện Bộ Ngoại giao bày tỏ.
Theo bà Thu Hằng, Việt Nam đã nhận được khoảng 18 triệu liều vắc xin COVID-19 từ các nước và tổ chức quốc tế.
"Trong bối cảnh khan hiếm vắc xin như hiện nay, cũng như nhu cầu về vắc xin rất cao ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, chúng tôi trân trọng mọi sự hỗ trợ, đóng góp dù là nhỏ nhất.
Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và tổ chức quốc tế để tăng cường tiêm chủng trong nước, hướng tới miễn dịch cộng đồng", đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời báo chí.
Theo bà Thu Hằng, để đa dạng hóa nguồn vắc xin, hướng tới mục tiêu đủ số lượng vắc xin cần thiết cho tiêm chủng và sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nước, các đối tác, các nhà sản xuất và cung ứng vắc xin trên thế giới.
Nhiều nước đang hỗ trợ ASEAN
Cũng trong họp báo ngày 5-8, bà Thu Hằng cho biết các nước đối tác ASEAN đã cam kết cung cấp hỗ trợ 20,8 triệu USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN. Khối này nhất trí chi 10 triệu USD để mua vắc xin COVID-19 thông qua UNICEF.
Ngoài các khoản hỗ trợ tài chính, các nước đối tác ASEAN cam kết tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về phòng chống COVID-19.
Các nước này cũng sẽ đồng thời đưa ra các cam kết, sáng kiến cụ thể để hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu, phát triển và tiếp cận vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả và đồng đều.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong khuôn khổ hội nghị ngoại trưởng ASEAN thứ 54 và các hội nghị liên quan, Việt Nam đã đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.
Việt Nam cũng đề nghị các nước sớm hoàn tất Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN trong năm nay để đảm bảo kết nối, thúc đẩy phục hồi của khu vực.
Ngày 4-8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ hỗ trợ Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN nửa triệu USD. Cam kết này được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra trong hội nghị trực tuyến Mỹ - ASEAN ngày 3-8.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại nước này đã cung cấp hơn 23 triệu liều vắc xin cho các nước ASEAN và khoảng 158 triệu USD viện trợ khẩn cấp chống dịch COVID-19. "Chúng tôi cung cấp các loại vắc xin này hoàn toàn miễn phí, không có ràng buộc nào về chính trị hay kinh tế", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh trong thông cáo ngày 4-8.
Hôm 3-8, trong cuộc họp với ngoại trưởng 10 nước ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này đã cung cấp 190 triệu liều vắc xin COVID-19 cho ASEAN. Ông Vương khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của ASEAN về vắc xin và vật tư chống dịch COVID-19.
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều. Tuy nhiên phải tới quý 4-2021, 47 triệu liều Pfizer mới về. Vì vậy Việt Nam rất cần nguồn cung vắc xin.