Người phụ nữ “lỡ” 4 lần đò
Dorothea Puente sinh ngày 9/1/1929 tại Redlands, California (Mỹ) trong một gia đình có tổng cộng 7 anh chị em. Năm Dorothea 8 tuổi, cha cô qua đời vì bệnh lao. Có lẽ vì quá đau buồn sau cái chết của chồng, người mẹ đã lao vào rượu chè. Mỗi khi say, bà lại lôi những đứa con của mình ra đánh đập, bạo hành. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, mẹ của Dorothea qua đời trong một vụ tai nạn xe máy.
Chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, 7 đứa trẻ bỗng nhiên trở thành mồ côi và bị chia cắt ở nhiều nơi khác nhau. Một số được nhận vào trại trẻ mồ côi, số còn lại thì đến nhà họ hàng sống.
Năm 16 tuổi, Dorothea tự bước chân ra ngoài xã hội kiếm sống bằng nghề mại dâm.
Vào năm 1945, Dorothea gặp được tình yêu đầu đời - Fred McFaul và cặp đôi nhanh chóng tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm chung sống, cặp đôi thường xuyên cãi vã và quyết định ly hôn. Sau khi gửi 2 người con chung về nhà họ hàng nhờ nuôi dưỡng, Dorothea chuyển đến phía nam California sống.
Lúc này, cô quay trở lại cuộc sống như trước kia – mại dâm và phạm tội. Sau khi bị bỏ tù 4 tháng tù vì lừa đảo, Dorothea tiếp tục chuyển đến San Francisco để tìm cuộc sống mới.
Tại đây, nữ sát nhân gặp được người chồng thứ 2, Axel Bren Johansson. Song, giống như cuộc hôn nhân trước đây, chỉ vài năm sống cùng nhau, Johansson không thể chịu đựng được thói nghiện rượu và cờ bạc của vợ mình. Năm 1966, cặp đôi đi đến quyết định ly hôn.
Sau Johansson, Dorothea đã kết hôn với 2 người đàn ông nữa là Roberto Puente (năm 1968) và Pedro Angel Montalvo. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân nào cũng chóng vánh, đổ vỡ chỉ sau vài tháng.
Bà chủ trọ “tử thần”
Vào những năm 1970, Dorothea quyết định mở một nhà trọ ở Sacramento. Những người được Dorothea đồng ý cho thuê là nhóm đối tượng “khó khăn nhất xã hội” như người nghiện rượu, nghiện ma túy, tâm thần và người già.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhà trọ của cô ả bị cảnh sát chú ý vì có dấu hiệu lừa đảo. Sau khi bị tước nhà, Dorothea đi làm nhân viên chăm sóc tại nhà. Trong khoảng thời gian làm công việc này, Dorothea nhiều lần đánh thuốc mê khách hàng của mình rồi trộm cắp tài sản. Năm 1982, Dorothea bị bỏ tù vì trộm cắp. Cô ả được các nhà tâm lý học chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và cần được giám sát chặt chẽ. Song, chỉ 3 năm sau đó, Dorothea lại được trả tự do.
Rất nhanh sau đó, Dorothea sở hữu ngôi nhà trọ thứ 2 – nơi chỉ dành cho những người vô gia cư và cũng là nơi chứa đầy tội ác của nữ sát nhân được mệnh danh là “chủ trọ tử thần” này.
Tháng 4/1982, một người phụ nữ 61 tuổi tên là Ruth Monroe chuyển đến nhà của Dorothea và qua đời không lâu sau đó vì dùng quá liều codein và acetaminophen. Lúc này, cơ quan chức năng có đến điều tra và Dorothea cho biết, Monroe bị trầm cảm nặng nên đã tự tử. Không nghi ngờ gì thêm, cảnh sát nhanh chóng xác định nguyên nhân cái chết của Monroe là tự tử và kết thúc hồ sơ.
Tháng 11/1985, Dorothea thuê một người thợ mộc tên Ismael Florez để lắp đặt một số tấm gỗ trong nhà đồng thời làm một chiếc hộp dài khoảng 1,8m để “chứa sách và đồ không dùng đến”. Tuy nhiên sau đó, Dorothea lại đổi ý và nhờ Florez đẩy xuống sông.
Một tháng sau đó, một ngư dân phát hiện chiếc hộp có hình dáng giống quan tài nên đã trình báo cảnh sát. Sau khi vớt lên, họ phát hiện bên trong chiếc hộp là một thi thể đang phân hủy nặng của một người đàn ông. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, họ không tìm thấy bất cứ thông tin liên quan đến nạn nhân nên vụ việc cũng dần trôi vào quên lãng.
Tội ác của Dorothea chỉ được vén màn vào năm 1988 khi một người đàn ông 52 tuổi tên Alvaro Montoya đến thuê trọ. Montoya mắc nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và sống không gia đình trong nhiều năm. Ông ta được giới thiệu đến nhà trọ của Dorothea để sinh sống và được chăm sóc.
Không giống những nạn nhân trước đó, mặc dù là người vô gia cư nhưng Montoya vẫn được một tình nguyện viên của một tổ chức cộng đồng để mắt đến. Và đây cũng chính là điều mà Dorothea không bao giờ nghĩ tới.
Sau nhiều lần tìm đến nhà trọ để gặp Montoya nhưng đều không gặp với lý do “đang đi nghỉ dưỡng”, tình nguyện viên này đã nảy sinh nghi ngờ và báo cảnh sát. Khi cơ quan chức năng đến nhà trọ, họ đã hỏi thêm một số người đang ở đó về Montoya và đều nhận được câu trả lời rằng ông ta đang đi nghỉ dưỡng.
Song, ngay khi cảnh sát chuẩn bị ra về, một người tên John Sharp đã âm thầm nhét cho họ 1 tờ giấy có dòng chữ: “Cô ta đang bắt chúng tôi nói dối”.
Vài ngày sau, cảnh sát đã quay lại với lệnh khám xét. Khi được hỏi ý kiến về việc đào sân vườn, Dorothea thậm chí còn tỏ ra vô cùng bình tĩnh và giúp họ tìm một chiếc xẻng. Sau đó, cô ta lấy cớ đi mua cà phê để trốn khỏi hiện trường.
Kết quả, sau khi đào sân vườn nhà Dorothea lên, nhiều người cảm thấy kinh ngạc, thậm chí một số người còn không chịu được mà bỏ chạy khỏi hiện trường. Thống kê cho thấy, có tất cả 7 thi thể được tìm thấy.
Còn về phần Dorothea, sau khi lấy cớ để bỏ trốn khỏi hiện trường, cô ta đã nhanh chóng trốn đến Los Angeles. Nhưng chỉ 5 ngày sau đó, nữ sát nhân đã bị tóm gọn.
Tại phiên tòa xét xử, công tố viên tuyên bố rằng, Puente đã lén lút cho các nạn nhân uống thuốc ngủ, khiến họ chết ngạt rồi chôn xác trong sân vườn để lấy cắp những tài sản có giá trị của họ.
Năm 1993, sau nhiều ngày cân nhắc, Dorothea đã bị kết tội 3 vụ giết người và nhận bản án tù chung thân.
Ngày 27/3/2011, Dorothea chết trong tù ở tuổi 82 vì nguyên nhân tự nhiên.
Một số tư liệu ghi chép rằng, mãi cho đến khi cuối đời, Dorothea vẫn khẳng định mình là một người tốt bụng và vô tội.
“Tôi đã giúp họ thay quần áo, tắm rửa và ăn cơm 3 bữa một ngày. Ngày đầu họ đến với tôi trong tình trạng vô cùng yếu ớt, thậm chí có người còn tưởng như sắp chết. Tôi làm gì sai chứ?”, Dorothea nói.
Hiện nay, ngôi nhà mà Dorothea từng sống và thực hiện ít nhất 9 vụ giết người ở đó đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch trên thế giới.
Han