vĐồng tin tức tài chính 365

Nhà giàu đi gọi vốn và những màn định giá trên ‘mây’: Rốt cuộc thì Shark Tank 2021 là show PR hay gọi vốn?

2021-08-06 08:54

Ai cũng hiển nhiên hiểu rằng, lên Shark Tank Mỹ hay Việt thì mục tiêu chính là để gọi vốn còn PR chỉ là mục tiêu phụ. Tuy nhiên, năm nay thì chưa chắc đã vậy. Kể từ đầu mùa, khán giả đã chứng kiến rất nhiều màn gọi vốn trên trời, khiến phần đông người xem truyền hình có cảm tưởng, các startup đó lên Shark Tank chỉ để làm PR, còn gọi được vốn hay không cũng… chẳng sao; đơn cử như Meet More, Namaster và URRA.

Cả 3 có 2 đặc điểm chung: đều có các founder giàu có, tức họ vốn đã giàu hoặc thành danh từ các lĩnh vực khác, chứ không tay trắng khởi nghiệp như rất nhiều founder ở các mùa trước. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không quá cần tiền từ bên ngoài để phát triển doanh nghiệp, mà tự bản thân họ đã có thể xoay xở hoặc gọi vốn từ bạn bè hay gia đình.

Thêm nữa, logic bình thường là: đáng lẽ chuyện định giá doanh nghiệp trên trời chỉ thuộc về các founder trẻ nhà nghèo – vừa thiếu kiến thức vừa xem startup là tất cả những gì bản thân có; chứ không phải của những doanh nhân lão luyện trên thương trường và khởi nghiệp với nguồn vốn thong dong, không phải chạy ăn từng bữa. Hoặc nữa, nếu startup non trẻ có định giá 'trên mây' cũng nhanh chóng nhân nhượng các Shark, còn bộ 3 nói trên thì không.

Founder Nguyễn Ngọc Luận của Meet More thành danh ở ngành nhôm kính

Meet More là thương hiệu cà phê trái cây đã có nhà xưởng sản xuất, nhượng quyền được 40 xe pha cà phê công nghệ đơn giải tại TP.HCM và Hà Nội. Founder Nguyễn Ngọc Luận tiết lộ mình đã đầu tư hơn 40 tỷ. Doanh số gần nhất năm 2020 là 20 tỷ, lợi nhuận 20%. Công ty cũng đã ký hợp đồng cung cấp với Trung Quốc, Nhật Bản và ký độc quyền với một siêu thị.

Ông Luận đến Shark Tank để gọi 30 tỷ đồng cho 20% cổ phần - mức cao kỷ lục của một startup F&B gọi vốn trên Shark Tank. Kỷ lục về gọi vốn F&B trước đó thuộc về Soya Garden, với màn rót vốn 20 tỷ đồng từ Shark Thủy.

Sau khi nghe nhà sáng lập này trình bày, Shark Louis cho rằng, con số gọi vốn của Meet More quá cao, gấp hơn 30 lần con số lợi nhuận nên "dù có thích cũng sẽ khó vào". Shark Bình tính toán, theo con số mà startup cung cấp thì định giá doanh nghiệp tính theo công thức chỉ rơi vào khoảng hơn 50 tỷ đồng. Trong khi, theo định giá của Nguyễn Ngọc Luận, giá của Meet More lên tới 150 tỷ đồng.

Ngoài ra, Shark Phú cho rằng với ngành thực phẩm mà doanh số 20 tỷ thì quá bé: "20 tỷ mà em bán ở nhiều nước thì mới chỉ thăm dò chứ chưa thể gọi là bán". Vậy nên, Shark Phú đưa ra đề nghị, 30 tỷ đồng cho 50% cổ phần chia đều cho các Shark, tuy nhiên founder này chỉ đồng ý với mức 30 tỷ cho 35% cổ phần; nên anh đã phải ra về trắng tay.

Nhà giàu đi gọi vốn và những màn định giá trên ‘mây’ – cuối cùng thì Shark Tank 2021 là show PR hay gọi vốn? - Ảnh 1.

Sau khi chương trình phát sóng, hẳn nhiều nhân viên và bạn bè của Nguyễn Ngọc Luận sẽ ngạc nhiên khi thấy ông trên chương trình. Do ngoài đời ông là một ‘cá mập’ thứ thiệt, khi đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Hoàng Linh Group, một doanh nghiệp khá có tiếng trong lĩnh vực nhôm kính và còn đi đầu tư và làm giám khảo khởi nghiệp.

Hoàng Linh Group có 14 năm tuổi và đã tham gia thi công hàng trăm công trình lớn nhỏ khác nhau trên khắp cả nước. Đồng thời, đơn vị này cũng đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều tập đoàn, công ty lớn như Khang Điền Group, Kiến Á Group, Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn (SSC), Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Đạt Hoàng…

Đến năm 2018, ông mới dấn thân sang lĩnh vực F&B và việc thương hiệu Meet More ra đời khá ‘sứt sẹo’. Meet More ban đầu chính là Meet & More – thương hiệu trà sữa mà ông Nguyễn Ngọc Luận nhượng quyền từ Hàn Quốc; sau đó, vì Covid-19 nên không trụ lại được và dần biến thành thương hiệu cà phê trái cây Meet More.

Năm 2019, ông từng tham gia chương trình talkshow về kinh doanh CEO Chìa khóa thành công. Năm 2018, ông từng là Giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắc Lắc năm 2018 với vai trò Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sài Gòn kiêm Chủ tịch Hoàng Linh Group; Shark Thủy cũng là một thành viên Ban giám khảo.

Founder Lê Quang Duy của Namaste

Namaster cung cấp dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại Phú Quốc để ngắm các sinh vật biển và san hô, đồng thời họ có công viên san hô do mình tự chăm sóc và phát triển. Ngoài ra, startup này còn sắp giới thiệu 2 du thuyền phục vụ cho các nhu cầu khác của khách du lịch ra Phú Quốc vào quý III/2021.

Công viên san hô của Namaste rộng 1ha, có hơn 200 loài san hô cứng mềm và hàng trăm loại cá. Tính đến nay, công ty đã phục vụ được hơn 30.000 du khách, mang về doanh thu 20 tỷ đồng và lợi nhuận 4 tỷ đồng. Ngoài ra, startup này còn triển khai một vườn ươm san hô rộng 9.000 m2. CEO Namaste cho biết: vốn đầu tư đăng ký với tỉnh Kiên Giang là 64 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế đã giải ngân 90 tỷ đồng. Trong đó, 70 tỷ đồng là vốn tự có, 20 tỷ đi vay.

Founder kiêm CEO Lê Quang Duy muốn kêu gọi 1 triệu USD cho 7% cổ phần (tương đương mức định giá hơn 328 tỷ đồng) để mở rộng diện tích khôi phục, nhân giống san hô lên 40ha.

Shark Bình tính toán, với mức định giá post-money 305 tỷ đồng, đây là mức định giá cao nhất của startup từ đầu mùa 4 đến nay. "Tại sao bạn lại tự tin với mức định giá này vậy?", Shark Bình hỏi.

CEO Namaste giải thích: "Tổng mức đầu tư ban đầu của tôi là 12 tỷ đồng. Cơ sở thứ 2 là một du thuyền, hiện tại đang đóng, và đã giải ngân khoảng 2,8 triệu USD. Dự kiến đến khi hoàn thành là 4 triệu USD. Nó là một tổ hợp vui chơi giải trí trên biển, có thể coi là công viên nổi".

Về tình hình kinh doanh, CEO Lê Quang Duy cho biết doanh thu 3 tháng gần nhất là 8 tỷ đồng, lợi nhuận 20%.

Nhà giàu đi gọi vốn và những màn định giá trên ‘mây’ – cuối cùng thì Shark Tank 2021 là show PR hay gọi vốn? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Shark Hưng phân tích: "Diện tích 40 ha trong kế hoạch tạo vườn ươm san hô mới chỉ dừng lại ở chủ trương của tỉnh Kiên Giang, chưa chắc bạn đã là chủ đầu tư. Còn diện tích vận hành dịch vụ thực tế là 1ha, trong đó khoản đầu tư 90 tỷ là đã đầu tư hơn 50 tỷ vào du thuyền. Do đó, khoản tiền đầu tư sẽ là gộp chung vào một công ty, bao gồm 1ha đang có và dự án trong tương lai".

Với số liệu trên, như vậy một năm bạn được khoảng 30 tỷ, lợi nhuận 6 tỷ, 10 năm được 60 tỷ, 50 năm mới được 300 tỷ. Nếu chiết khấu dòng tiền về hiện tại thì 100 năm mới thu về được bằng với giá trị doanh nghiệp bạn định giá hiện tại".

Shark Phú cũng góp lời: "Nguyên tắc như thế này, người ta tính một cơ sở hiện giờ và đầu tư bây giờ thì phải được hưởng lợi ở tương lai. Mình định giá công ty cao quá là người ta không vào. Anh nghĩ là nên tính toán lại nếu không thì sẽ gặp bất lợi".

Shark Bình cũng đồng ý với 2 nhận định của đồng nghiệp: "Tôi đánh giá cao nhưng lời kêu gọi vốn của bạn có điểm yếu, mức định giá quá cao so với các mô hình Theme Park trên thế giới. Tỷ số rơi vào khoảng 13,36 lần, tức lợi nhuận năm nhân 13,36 thì ra định giá của doanh nghiệp. Với mức lợi nhuận 5 tỷ/năm thì rất tình cờ, con số định giá khoảng gần 70 tỷ, gần bằng mức giá bạn đã đầu tư".

Thế nên, đầu tiên, Shark Bình trả 1 triệu USD cho 20% cổ phần, Shark Hưng trả 1 triệu USD cho 25% cổ phần. Tuy nhiên, sau nhiều pha giằng co, Shark Hưng đã bỏ cuộc trước còn mỗi Shark Bình. Chốt cuối, Shark Bình muốn 18% song founder này chỉ chịu đưa ra 15%, nên deal thất bại.

"Tôi muốn chia sẻ một cái Benchmarking về dịch vụ đang có doanh thu tốt là seawalker của Namaste với mô hình tương tự ở Úc – một công ty nổi tiếng và kinh doanh lâu đời với 10 năm kinh nghiệm. Doanh thu mỗi năm của họ khoảng 5 triệu USD với giá vé 100 đô đến 200 đô Úc. Công ty này có khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới, doanh thu trung bình quy ra tiền Việt khoảng đâu đó trên dưới 100 tỷ đồng.

Quay về lại Namaste, Shark Bình cho rằng, định giá startup này khoảng 13 đến 14 lần. Doanh thu 100 tỷ, lợi nhuận khoảng 10 tỷ; mà định giá 14 lần thì khoảng 140 tỷ. Nên câu trả lời CEO Namaste có ‘ngáo giá’ hay không, đến đây hẳn mọi người đã trả lời được", Tiến sĩ Ngô Công Trường – Nhà sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty Tư vấn và Giáo dục John & Partners, nhận định sau chương trình.

Nhà giàu đi gọi vốn và những màn định giá trên ‘mây’ – cuối cùng thì Shark Tank 2021 là show PR hay gọi vốn? - Ảnh 3.

Du thuyền thứ 2 trị giá 4 triệu USD của Namaste.

Theo lời tự thú của Lê Quang Duy thì: "5 năm trước tôi bị mất động lực. Ở trong cộng đồng của tôi thì tôi cũng được cho là thành công. Tuy nhiên chỉ kiếm tiền, mọi thứ quá dễ dàng làm tôi bắt đầu thấy cuộc sống không có ý nghĩa, chỉ chạy theo đồng tiền. Tôi cần một cái gì đó đóng góp cho xã hội.

Thậm chí tôi đã bỏ tất cả những gì đang làm để rong ruổi. Khi phát hiện tình trạng san hô và thấy mình có thể làm được, tôi thậm chí cầm cố cả nhà để đầu tư".

Cộng với những chia sẻ của anh như đã bỏ 70 tỷ để đầu tư vào Namaster hay đầu tư 4 triệu USD (100 tỷ đồng) để đóng du thuyền thứ 2; đủ biết founder này là người giàu như thế nào. Ngoài ra, sau chương trình anh vẫn khăng khăng mình không có định giá trên mây và định giá của các Shark quá thiệt thòi cho anh.

Founder Vũ Trung Kiên của URRA

Startup URRA chuyên sản xuất và phân phối những bộ đồ chơi cờ vua, cờ cá ngựa giá bạc triệu. Founder Vũ Trung Kiên cũng tự tin cho rằng điểm khác biệt cơ bản nhất của URRA với phần còn lại của thị trường chính là giá. Ví dụ, bộ cá ngựa được công ty tự thiết kế bắt mắt và đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có giá từ 700.000 đến 1.2000.000 đồng. Bàn cờ vua cũng được chế tác tinh xảo, không có sản phẩm tương đương trên thị trường và được bán với giá... 40 triệu đồng.

Về bức tranh tài chính: công ty được thành lập từ từ tháng 9/2020, đã đầu tư khoảng 1 tỷ tiền mặt. Tính đến hết tháng 12/2020, doanh thu thu về là 795 triệu, hàng tháng được khoảng từ 250 đến 400, 500 triệu.

Kênh bán hàng chính của URRA hiện tại là online. Chi phí thu hút một khách hàng chiếm 25% giá trị trung bình đơn hàng, giá vốn sản phẩm chiếm từ 20 – 30%. Anh đến Shark Tank để kêu gọi đầu tư 5 tỷ đồng cho 20% giá trị cổ phần của công ty; tức định giá doanh nghiệp lên 25 tỷ USD.

Tuy nhiên, startup này sau đó lại khiến hội đồng "cá mập" ngỡ ngàng với cách định giá cao chót vót vô căn cứ và tính tiềm năng thị trường theo kiểu ‘đếm cua trong lỗ’ của founder này. Vũ Trung Kiên cũng thừa nhận không biết về định giá, mục tiêu về doanh thu 300 tỷ đồng trong 5 năm cũng thiếu căn cứ mà chủ yếu dựa vào niềm tin và kinh nghiệm.

Nhà giàu đi gọi vốn và những màn định giá trên ‘mây’ – cuối cùng thì Shark Tank 2021 là show PR hay gọi vốn? - Ảnh 4.

Shark Bình chỉ ra 4 điểm yếu của startup: "Em nói thương mại điện tử là kênh chính của em. Bán hàng online để có lợi nhuận tốt thông thường phải bán gấp 5 giá vốn mới chắc chắn khả năng có lãi, vì chi phí lớn nhất là cho quảng cáo. Giá thành gấp 3 cộng với chi phí marketing như em nói khoảng 25% anh nghĩ thực tế có thể cao hơn, thậm chí còn lỗ...

Thứ hai, cách chọn thị trường của em là quá niche (ngách). Mình nghĩ rằng có khi xã hội cần cái này, nhưng chưa chắc. Em chưa chứng minh được là mình tìm được ‘long mạch’ trong phân khúc thị trường này của em.

Thứ 3, khi gọi vốn cổ phần bên ngoài phải có kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài chính cực kỳ rõ ràng. Và thông thường phải chứng minh lợi nhuận hàng năm đem lại cho nhà đầu tư ít nhất phải cao hơn 3 lần so với các kênh đầu tư chắc ăn khác...

Thứ 4, trong quá trình pitch, em cho các Shark thấy điểm hở sườn "chết người" của em là em có quá nhiều alternative (phương án) choice (sự lựa chọn), nhiều way out (lối thoát), size business (quy mô doanh nghiệp) khác để em có thể kiếm tiền. Khi business này gặp khó khăn thì em có thể rút chạy trốn và có thể bỏ rơi đứa con này".

Tất nhiên, màn kêu gọi vốn thảm họa này khiến 5 Shark từ chối đầu tư cho URRA.

Ông Vũ Trung Kiên tiết lộ đã có kinh nghiệm kinh doanh một hãng thời trang, cũng từng nghiên cứu đồ chơi và robot công nghiệp trên chương trình Shark Tank. Trên thực tế, đây cũng là nhân vật có chút "số má" trong giới kinh doanh ở Hà Nội.

Được biết, ông Vũ Trung Kiên còn là Tổng giám đốc của Công ty Điện tử Hồ Gươm, thành lập từ năm 2015, chuyên bán thiết bị karaoke. Sản phẩm nổi bật của doanh nghiệp này là đầu karaoke mang thương hiệu VietKTV.

Từ năm 2019, công ty này thực hiện chuyển nhượng thương hiệu VietKTV cho một cổ đông khác, chia tách ra từ Công ty Điện tử Hồ Gươm. Thay vào đó ra mắt thương hiệu mới tên VietK.

Theo lãnh đạo công ty này, dung lượng bán ra của VietKTV trung bình khoảng 30.000 đến 50.000 sản phẩm mỗi năm, nhưng ngành karaoke với khách hàng chính là các quán hát thì có giới hạn, khó phát triển hơn. Do đó, các sản phẩm của thương hiệu mới VietK hướng đến mảng khách hàng gia đình.

Đông Quân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: nhc.70290700250801202-nov-iog-yah-rp-wohs-al-1202-knat-krahs-iht-couc-tor-yam-nert-aig-hnid-nam-gnuhn-av-nov-iog-id-uaig-ahn/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhà giàu đi gọi vốn và những màn định giá trên ‘mây’: Rốt cuộc thì Shark Tank 2021 là show PR hay gọi vốn?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools