Hiện nay, khi mà nhiều nhà đầu tư BĐS áp lực muốn bán BĐS để thu dòng tiền thì số khác vẫn "sống khoẻ" để chờ dịch đi qua. Họ là những nhà đầu tư lâu năm, kì cựu trên thị trường BĐS. Bên cạnh số tiền kiếm được từ đầu tư BĐS thì những nhà đầu tư này thường có dòng tài chính dự trù để phòng đến các phương án rủi ro khi đầu tư BĐS. Vì thế, khi thị trường BĐS khó khăn, khá nhiều nhà đầu tư vẫn "ung dung" thay vì nóng vội, bán gấp hoặc bán dưới giá vốn.
Anh Hồ Văn H (ngụ tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) là trường hợp như thế. Có kinh nghiệm gần 7 năm trên thị trường BĐS, hiện nhà đầu tư này có trong tay nhiều BĐS ở các phân khúc (chưa kể các sản phẩm đã bán ra trước đó). Theo anh H, có một vài BĐS anh vẫn sử dụng vốn vay ngân hàng nhưng không phải để "lướt sóng", mà đầu tư khoảng 1.5-2 năm mới bán ra. Tuy nhiên, do xoay chuyển được dòng tiền nên gần như anh không áp lực tài chính.
Đợt sốt đầu đầu năm 2021, anh bán ra 2 nền đất (1 ở huyện Nhơn Trạch, 1 ở Tp.Thủ Đức) và 1 căn nhà riêng lẻ xây sẵn (tại Tp.Thủ Đức), mức lời chênh thu về gần 800 triệu đồng cho 3 BĐS. Sau đó, anh H đi tái đầu tư 2 nền đất tại Nhơn Trạch, số còn lại muốn mua thêm một nền đất tại Tp.Thủ Đức. Tuy nhiên, do giá cao với dính dịch bệnh nên anh H vẫn chưa mua được. Như vậy, ngoài số tiền lãi thì tiền gốc anh H vẫn nắm giữ, đủ để phòng phương án dịch kéo dài.
"Đầu năm, tôi bán được BĐS với giá tốt, trong vòng 2 tháng, tiền chênh lệch có thể vẫn đủ để sinh sống cả năm, nên không bị áp lực gì về việc phải ra hàng mùa dịch. Các sản phẩm BĐS khác, tôi vẫn để đấy, chờ qua dịch, thị trường tốt lên sẽ tính", nhà đầu tư này cho hay.
Thực tế, trường hợp nhà đầu tư có nguồn tài chính vững trên thị trường BĐS ở thời điểm này không phải hiếm gặp. Đa số họ là những nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, có trong tay nhiều BĐS. Thậm chí, khi thị trường khó khăn họ còn tìm kiếm thêm BĐS để mua vào. Theo nhà đầu tư Hồ Văn H, thực tế thời điểm dịch vừa qua, anh có tìm BĐS để mua, nhưng giá gần như không xuống nên tiếp tục chờ thêm, với cả thủ tục mua bán thời điểm này hạn chế do giãn cách nên anh đợi đến tháng 9-11 tính tiếp.
Theo các chuyên gia, trong đầu tư BĐS có kẻ thua, người thắng. Nhiều nhà đầu tư phất lên nhờ đầu tư BĐS. Số tiền đó họ tái đầu tư nhiều lần, dĩ nhiên cũng sẽ có lúc thất bại chứ không thắng hoàn toàn. Nhưng, đúng thực tế, có những người từ môi giới đi lên thành nhà đầu tư hoặc từ lĩnh vực khác nhảy vào BĐS và có "duyên" nghề. Từ đó, họ xem đầu tư BĐS là nghề chính thức.
Nhiều người làm một vài tháng có dư giả để sống cả năm hoặc vài năm. Thậm chí, có không ít nhà đầu tư, ngồi chờ dịch bệnh đi qua, còn nghĩ cách kiếm tiền từ chính dòng tiền nhàn rỗi của mình. Chẳng hạn như, anh Ch, một NĐT lâu năm tại huyện Nhơn Trạch (Đồn Nai), thời điểm dịch, anh này vì có dòng vốn lớn nên nhận cầm sổ đỏ của những ai đang cần tiền để lấy lãi. Đây cũng là cách kiếm tiền của những nhà đầu tư gạo cội, biết cách xoay chuyển dòng tiền mùa dịch. Đa phần số tiền đó có được là nhờ đầu tư BĐS nhiều năm qua.
"Nhiều người hay có suy nghĩ, cứ có tiền là để hưởng thụ trước; còn tôi quan niệm, mình còn trẻ, có tiền là tôi bỏ vào đất, tiền tự sinh ra tiền, vì đất đai không bao giờ mất giá. Thế nên, tài sản mà tôi có được cũng từ đầu tư BĐS mà ra…", nhà đầu tư này từng bộc bạch.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, những nhà đầu tư BĐS lâu năm, có dòng vốn lớn gần như không ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Họ vẫn giữ tài sản và chờ chứ không vội vàng bán ra. Nếu bí quá thì các nhà đầu tư này sẽ bán bớt đi một BĐS để phòng ngừa rủi ro tiếp. Đó là lý do, thị trường BĐS hiện nay vẫn chưa thấy có hiện tượng bán tháo, cắt lỗ trên diện rộng.
Bảo Anh
Nhịp sống kinh tế