Sáng 6/8, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này đã ban hành văn bản hỏa tốc về việc giải quyết cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đề nghị chấm dứt thực hiện phương án lưu trú tại doanh nghiệp.
Sau khoảng 1 tháng thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”, một số doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đề nghị chấm dứt phương án này và người lao động cũng yêu cầu chấm dứt lưu trú tại doanh nghiệp để về nơi cư trú.
Theo ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 32 KCN, thu hút khoảng 1.915 dự án đầu tư. Trong đó, 1.369 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 546 dự án vốn đầu tư trong nước.
Thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.150 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" với khoảng 136.000 lao động tạm trú tại công ty để duy trì sản xuất kinh doanh.
Những KCN có nhiều doanh nghiệp đăng ký phương án “3 tại chỗ” là Amata, Biên Hòa 2, Loteco, Tam Phước (TP.Biên Hòa); Long Đức, Long Thành (huyện Long Thành); Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch II, Nhơn Trạch III (huyện Nhơn Trạch); Hố Nai, Sông Mây, Giang Điền (huyện Trảng Bom)...
Trong đó, có những doanh nghiệp đăng ký số lượng lao động lưu trú rất đông. Công ty CP Dệt Texhong Nhơn Trạch ở KCN Nhơn Trạch V đăng ký cho 1.721 người lao động ở lại trong nhà máy.
Công ty TNHH Great Kingdom, KCN Giang Điền đăng ký cho 1.553 lao động. Công ty TNHH Matsuya R &D Việt Nam, KCN Amata 1 nghìn lao động. Công ty TNHH Công nghệ Nghe nhìn BOE Việt Nam ở KCN Nhơn Trạch II- Nhơn Phú đăng ký 926 lao động ở lại. Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, KCN Nhơn Trạch III đăng ký 980 lao động...
Tuy nhiên, thời gian gần đây có hàng chục công ty "3 tại chỗ" xuất hiện F0, một số công ty tạo thành ổ dịch lớn khiến người dân lo lắng, trong đó 2 doanh nghiệp có số lượng lớn lao động mắc Covid-19 đã phải tạm dừng hoạt động. Vì vậy, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp muốn dừng hoạt động. Bên cạnh đó, một số trường hợp người lao động vì lý do về sức khoẻ, không muốn tiếp tục tham gia và đề nghị được trở về địa phương.
Từ nhu cầu đó, DIZA hướng dẫn doanh nghiệp trong KCN đề nghị dừng hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” phải có công văn gửi đến cơ quan này và UBND huyện, thành phố. DIZA sẽ xem xét và có văn bản thông báo chấp thuận ngừng hoạt động.
Các doanh nghiệp nhanh chóng báo cáo UBND huyện, thành phố để được hướng dẫn thủ tục đưa người lao động về nơi cư trú như: Tổ chức xét nghiệm tầm soát Covid-19, cấp giấy xác nhận đi đường, bố trí phương tiện, lập danh sách thông báo về nơi tạm trú, thường trú tại Đồng Nai để được tiếp nhận quản lý.
Đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng có một số người lao động vì một lý do nào đó muốn ngừng việc trở về địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách báo cáo UBND huyện, thành phố, cơ quan y tế địa phương để xem xét giải quyết.
Doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn của UBND huyện, thành phố. Sau khi người lao động về địa phương, doanh nghiệp phải có thông báo cho DIZA và công an địa phương để theo dõi, cập nhật số lượng lao động đăng ký đã tạm trú.