Cơn bão Giáp Thìn 1904 đã thổi bay bốn vài cầu Thành Thái xuống sông Hương - Ảnh: J. Pannier
Bão thổi bay bốn vài cầu
"Ấn tượng mà chúng ta tạo ra với dân chúng An Nam là vô cùng tích cực" - Toàn quyền P. Doumer đã viết như thế trong hồi ký Xứ Đông Dương.
Có lẽ, Doumer cũng không ngờ rằng chiếc cầu sắt có giá trị đặc biệt nối thông đường thiên lý bắc nam, nối liền sự cách trở giữa triều đình Nguyễn ở bờ bắc sông Hương với đại diện Chính phủ Pháp ở bờ nam, lại trở thành nơi diễn ra một cách ác liệt mối xung đột Việt - Pháp.
Dân gian Huế đến nay vẫn còn truyền tụng câu chuyện bất hòa giữa vua Thành Thái với quan khâm sứ Trung Kỳ J. Auvergne.
Khi đặt đá xây cầu, nhà vua hỏi: "Cầu có vững chắc không?". Khâm sứ Auvergne tự tin trả lời: "Khi nào cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ!". Thật không ngờ, mấy năm sau, chiếc cầu sắt ấy đã gãy vì một trận bão lớn năm Giáp Thìn 1904.
Vụ gãy đổ cầu Thành Thái mà dân gian vẫn gọi là cầu Trường Tiền đã được chính sử triều Nguyễn, sách Đại Nam Thực Lục, ghi lại đầy đủ. Cơn bão đổ bộ kinh đô vào lúc nửa buổi sáng ngày mùng 2-8 năm Giáp Thìn, nhằm ngày 11-9-1904.
Sách Đại Nam Thực Lục chép: "Nước dâng lên ngập hết cung điện trong Cấm thành và quan thự trong Kinh thành, nhà cửa nóc ngói bay tung... Cột cờ trên kỳ đài gãy ngang rơi xuống. Cầu sắt sông Hương cũng bị trôi đổ".
Học giả Phan Văn Dật thu thập thông tin từ nguồn dân gian cho biết thêm trận bão kinh hồn ấy đã xô đổ bốn vài cầu Trường Tiền xuống sông Hương, trong đó một vài rớt xuống ngay tại chỗ, hai vài bị hất văng xuống giữa sông, ngang trước chợ Đông Ba, và một vài bị nước cuốn xuống đến tận Bãi Dâu (cách đó gần ba cây số).
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho hay vào thời điểm đó, có hai vợ chồng người Pháp tên là J. Pannier đang có mặt tại Huế, trong chuyến du lịch Đông Dương, đã chụp được bức ảnh cầu Trường Tiền bị gãy đổ ngay sau cơn bão.
Tấm ảnh chiếc cầu Trường Tiền với ba vài bị cuốn trôi và một vài nằm ngửa ngay dưới mố cầu lưu truyền trên khắp mạng Internet hiện nay chính là ảnh do Pannier chụp.
Dân gian kể tiếp đoạn cuối câu chuyện trên đây, sau khi cầu bị bão xô gãy, vua Thành Thái mới hỏi ông quan khâm sứ của Pháp: "Hôm xây cầu, ông đã nói khi nào cái cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam. Nay thì cầu đã gãy rồi đó". Khâm sứ Auvergne tìm cách chống đỡ: "Cầu gãy là do cơn bão khủng khiếp, chứ đâu phải do tay người".
Phải phá cầu để ngăn chặn quân Pháp
Đó là đêm đông 19 rạng sáng 20-12-1946, thời khắc mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm mà Huế là một trong những mặt trận ác liệt nhất, kéo dài suốt 50 ngày đêm.
Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế lúc đó là ông Hà Văn Lâu - trung đoàn trưởng trung đoàn Trần Cao Vân, đơn vị quân đội chủ lực đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đúng 2h30 rạng sáng 20-12-1946, nhận được lệnh nổ súng của Bộ Quốc phòng từ Hà Nội gọi vào, chỉ huy trưởng Hà Văn Lâu liền phát lệnh tấn công. Thành phố Huế đang chìm trong giấc khuya bỗng choàng tỉnh bởi tiếng nổ rung chuyển cả trời đất.
Cầu Trường Tiền đã bị phá hủy theo kế hoạch tác chiến đã được bàn định trước đó. Kế hoạch được giao cho đơn vị công binh của trung đoàn Trần Cao Vân do đại đội trưởng Lê Vừa trực tiếp thực hiện.
Trong lần trở lại Huế vào tháng 4-2005 để dự lễ kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, cựu binh Lê Vừa cho biết khi nhận nhiệm vụ đánh cầu Trường Tiền, ông phải về tận vùng biển Lăng Cô để tìm thuốc nổ từ những quả thủy lôi do quân đội phát xít Nhật để lại. Đơn vị công binh của ông đã đưa lên đến Huế ba quả thủy lôi dài 1m, nặng đến 500kg.
Chiều 19-12, đơn vị ông đã đưa thủy lôi vào mục tiêu. Lúc này, quân Pháp đóng quân rất đông ở gần chân cầu phía bờ nam sông Hương, quân Việt Minh đóng ở phía bờ bắc và trong kinh thành Huế. Vì vậy, quả thủy lôi với khối thuốc nổ lớn được đặt ở phía bờ bắc của cầu.
Đại đội trưởng Lê Vừa cùng với một người lính của mình là chiến sĩ Trần Bòn trực tiếp châm ngòi quả thủy lôi nặng 500kg. Sau này, trong lần trả lời phỏng vấn nhà báo Lưu Trọng Văn, bài đăng trên tạp chí Sông Hương tháng 4-1991, đại tá Hà Văn Lâu - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao - cho hay: "Chúng tôi phải phá cầu, ngăn chặn quân Pháp ở bờ nam sông Hương, để bảo vệ nhân dân và lực lượng của ta, không còn cách nào khác".
Hai năm sau, 1948, quân đội Pháp đã nối lại ba nhịp cầu này bằng dầm sắt trên mặt cầu lót tạm bằng ván, nhưng không có chiếc vài cầu hình parabol.
Cầu Trường Tiền sụp đổ trong đêm mùng 3 Tết Mậu Thân, người dân phải qua lại trên chiếc cầu phao nối tạm và bằng đò như năm xưa - Ảnh tư liệu
Cầu gãy trong đêm Tết Mậu Thân
Theo lời giới thiệu của các cựu binh trận Tết Mậu Thân, chúng tôi đi tìm người lính đặc công đã trực tiếp đánh sập cầu Trường Tiền trong đêm xuân 1968. Đó là một người lính dân tộc Tà Ôi, tên là Hồ Thanh Tốp, ở xã Hồng Thái, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.
Ông Tốp đã qua đời, nhưng tư liệu về trận đánh cầu Trường Tiền đã được ghi lại đầy đủ theo lời kể của người cựu binh này.
Năm đó, thiếu úy Hồ Thanh Tốp 36 tuổi, là lính thuộc đơn vị K14 đặc công quân giải phóng Thừa Thiên Huế.
Chiều mùng 3 Tết Mậu Thân, đơn vị đặc công K14 nhận nhiệm vụ đánh sập cầu Trường Tiền để chặn đường của xe tăng quân đội Mỹ và Việt Nam cộng hòa từ bờ nam tấn công vào Thành Nội, nơi quân giải phóng đang làm chủ. Tổ đặc công của Hồ Thanh Tốp đã dùng xe kéo chở 10 quả bom nặng 1 tấn từ kho đạn Tây Lộc đến gài vào nhịp số 4 cầu Trường Tiền.
Sau khi gài bom trên mặt cầu, họ còn gắn thêm bộc phá ở dưới gầm cầu. Lúc 23h, khối thuốc nổ đã phá hủy hoàn toàn trụ cầu số 3 và sập nhịp cầu số 4.
Chiếc cầu đường bộ duy nhất nối liền hai bờ sông Hương đã sụp đổ. Thành phố Huế lại bị chia cắt làm hai phần như 68 năm về trước, khi chưa có cầu Trường Tiền.
Đây cũng là đoạn đường quốc lộ 1 đi qua trung tâm Huế, vì vậy huyết mạch giao thông nối cả miền Nam với vùng bắc Thừa Thiên và Quảng Trị bị cắt đứt. Người dân lại phải qua về hai bờ bằng những chiếc đò ngang, hoặc men theo những vài cầu chìm dưới nước. Một chiếc cầu phao được kết tạm ở đoạn cầu gãy để đi.
Một năm sau, 1969, nhịp cầu số 3 được nâng lên như cũ, nhịp số 4 hỏng hoàn toàn được làm lại bằng dầm sắt, tựa lên bốn trụ làm tạm, mặt cầu lát gỗ trên phủ nhựa đường. Hai vài cầu ở nhịp số 3 được trục vớt lên đặt lại ở chỗ cũ.
Nhưng vài số 4 thì bị hỏng nặng, nên đành chịu. Lần thứ ba chiếc cầu truân chuyên lại tiếp tục mang thương tật, mà lần này là trọng thương. Chiếc cầu Trường Tiền chỉ còn năm vài, một vài bị đứt như thế cho đến năm 1995 mới được tái thiết.
Ba lần hàn gắn trọng thương
Cả ba lần tai nạn đều diễn ra ở bốn nhịp cầu phía bắc (tả ngạn). Trận bão Giáp Thìn 1904 hất văng bốn nhịp, đến năm 1906 thì Hãng Daydé et Pillé đang làm cầu đường sắt ở Huế, được mời làm lại bốn vài cầu mới, mặt cầu ván được đúc lại bằng bêtông.
Sau vụ đánh sập cầu năm 1946, Hãng Eiffel đã tái thiết vào năm 1953 - 1954, phục hồi ba nhịp phía bắc. Sau lần bị đánh sập trong trận Tết Mậu Thân, cầu được nối tạm vào năm 1969.
Năm 1995, Công ty cầu Thăng Long cùng hãng cầu của Pháp Baudin - Chateauneuf đã trả lại đủ 6 cặp vài, dù hình hài vẫn chưa trọn vẹn. Trong suốt hơn 120 năm qua, có hàng chục lần sửa chữa, duy tu cầu, trong đó lần tu sửa lớn nhất gọi là "đại trùng tu" vào năm 1937 - 1939 dưới thời vua Bảo Đại.
-----------------------------
Tư liệu mà chúng tôi đã đưa ra cho thấy rõ ràng Hãng Eiffel lừng lẫy của nước Pháp không phải nhà thầu thiết kế, thi công cầu Trường Tiền. Vậy sao từ bao năm nay người Huế và nhiều sách báo đều viết rằng Eiffel là tác giả chiếc cầu nổi tiếng ấy?
Kỳ tới: Dấu ấn yêu kiều của Eiffel
TTO - Hàng ngàn bài báo, hàng trăm cuốn sách có cả từ điển, viết về Huế, về cầu Trường Tiền lâu nay đều ghi rằng: cầu Trường Tiền do Hãng Eiffel (Pháp) xây dựng.