Ngành Thuế quyết tâm thu thuế của các nền tảng kinh doanh online xuyên biên giới như Google, Facebook, Netflix, Youtube.
Các đơn vị trên vẫn chưa đóng thuế đầy đủ, minh bạch tại Việt Nam, nếu có thì ủy nhiệm cho các ngân hàng, đối tác tại Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.
Đây là các tổ chức hiện đang kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định. Chiếm 70% thị phần quảng cáo trực tuyến với khoản thu ước tính hàng tỷ USD mỗi năm, việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt (thậm chí tận dụng mọi kẽ hở để lách luật) trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là điều bất công.
Đại diện Tổng cục thuế cho biết: "Hiện các nền tảng như Facebook, Google, YouTube có kê khai và nộp thuế qua các đại lý của họ tại Việt Nam. Qua thống kê sơ bộ của Tổng cục Thuế qua các năm, tổng nguồn thu từ 11 nhà cung cấp lớn như Google, Facebook, Amazon… là khoảng 1.000 tỷ đồng".
Mặc dù có nguồn thu "khủng" từ thị trường Việt Nam nhưng các công ty này không có trụ sở chính thức tại Việt Nam, điều này gây ra khó khăn không nhỏ cho các cơ quan chức năng.
Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước thực hiện đóng hộ các nền tảng nước ngoài vẫn chỉ là thuế gián thu, việc thu thuế hiện nay phụ thuộc vào sự nghiêm túc của các doanh nghiệp khi khai báo thông tin.
Trước điều này, Tổng cục Thuế đang thu thuế các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới bằng cách nào?
Theo Nghị định 70/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 15/9 tới đây, các nền tảng mạng xã hội, trong đó Google, Facebook, Netflix, Youtube... sẽ phải nộp thuế đầy đủ tại Việt Nam bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua bên thứ 3 là ngân hàng, trung gian tài chính.
Giao dịch thương mại xuyên biên giới tạm được hiểu là các giao dịch thương mại giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với các tổ chức cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Các giao dịch này đang được chia làm 2 nhóm chính.
Nhóm 1 bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc nền tảng nội dung, quảng cáo như Google, YouTube, Netflix.
Nhóm 2 bao gồm các doanh nghiệp cung cấp nền tảng thương mại điện tử như Facebook, Amazon.
Các nước trên thế giới đang đánh thuế trong lĩnh vực OTT (Over The Top) như thế nào?
Năm 2015, Chicago (Mỹ) đã áp thuế 9% đối với các dịch vụ giải trí trực tuyến. Sau lần "sát phạt", Chicago thu về hơn 2 triệu USD thuế doanh thu từ Sony và 2 nền tảng bán vé tham dự sự kiện trực tuyến khác.
Câu chuyện thành công của Chicago đã "dẫn lối" cho nhiều khu vực khác tại Mỹ như Columbia, Iowa, Florida, Bắc Carolina, Pennsylvania và Washington tiếp tục thu thuế OTT truyền hình.
Tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đang mở rộng luật thuế tiêu thụ, bao gồm cả nguồn cung từ các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài.
Năm 2018, cơ quan thuế của Singapore cũng đã lên kế hoạch áp thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) 7% lên các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Netflix hay Amazon Prime.
Thực tế, theo đại diện Tổng cục Thuế, các nghĩa vụ thuế của các tổ chức xuyên biên giới tại Việt Nam trong vài năm qua đều thực hiện tự nguyện; các đối tác tại Việt Nam cũng thực hiện theo cơ chế đó. Tuy nhiên, về lâu dài, bắt buộc họ phải thực hiện các quy định mới đủ các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam
Min (Tổng hợp từ Dân Trí/Lao Động)