Một số chợ dân sinh giá thực phẩm đồng loạt tăng sau khi đóng cửa một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG
Xách làn đi chợ sớm ngày 6-8, chị Lan Anh (Tô Hiệu, Q.Cầu Giấy) đắn đo đặt lên, đặt xuống miếng thịt ba chỉ ở quầy thịt chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội).
"Vì giãn cách nên cả hai vợ chồng tôi đều không đi làm được, chỉ còn một ít tiền tiết kiệm nên chi tiêu tằn tiện. Vậy mà giờ giá thịt tăng mạnh quá, tôi đành cắt khẩu phần còn một nửa so với lúc trước", chị Lan Anh chia sẻ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, giá thực phẩm ở các chợ dân sinh có sự điều chỉnh sau khi một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội phải đóng cửa do có ca mắc COVID-19.
Cụ thể, giá thịt lợn tăng từ 130.000 đồng/kg lên 180.000-200.000 đồng/kg; giá thịt bò 290.000-330.000 đồng/kg; trứng gà ta 45.000-50.000 đồng/chục... Rau củ quả cũng tăng giá, rau muống tăng từ 20.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, dứa tăng giá từ 12.000 đồng/quả lên 17.000 đồng/quả.
Các mặt hàng hoa quả đồng loạt tăng 5.000-7.000 đồng/kg tại các chợ dân sinh - Ảnh: MAI THƯƠNG
"Từ hồi dịch bùng phát, việc tìm nguồn để nhập hàng đã khó khăn và khan hiếm rồi. Vừa rồi chợ đầu mối Long Biên phong tỏa nên chúng tôi càng khó khăn hơn, dẫn đến việc tăng giá các thực phẩm là điều bất khả kháng" - cô Lê Thu Hoài, tiểu thương chợ Nghĩa Tân, nói.
Bán hoa quả tại một cửa hàng trong ngõ Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Phan Thị Thu cũng cho biết từ lúc chợ đầu mối Long Biên đóng cửa, việc kinh doanh của chị gặp khó khăn ở việc tìm nguồn cung hàng.
Cụ thể, chị Thu cho biết giá dưa hấu ngày trước nhập vào 10.000 đồng/kg thì nay lên tới 20.000 đồng/kg (chưa kể phí giao hàng). Mãng cầu giá nhập từ 25.000 lên 30.000 đồng/kg, giá bán 35.000 đồng/kg. Các loại quả bơ, xoài, táo... cũng tăng 5.000-7.000 đồng/kg.
"Bán giá đắt quá thì mất khách, còn nếu không tăng giá thì tiền lãi chả bù được vào tiền vận chuyển do phải nhập ở nơi xa hơn", chị Thu cho biết.
Theo Sở Công thương Hà Nội, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động.
TP đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường), đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7...).
Đồng thời, Sở Công thương nghiên cứu, phối hợp quận, huyện, thị xã rà soát đề xuất 5 vị trí trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố và các huyện để giảm tải cho chợ đầu mối, sẵn sàng bố trí cho hàng hóa, thực phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh chuyển về Hà Nội.
Cụ thể là bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số điểm khác của huyện Gia Lâm.
TTO - Chiều 6-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện số 18 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn TP.
Xem thêm: mth.93203526160801202-gnat-mahp-cuht-aig-ohk-pag-gnouht-ueit-auc-gnod-iom-uad-ohc-ion-ah/nv.ertiout