Đây là nội dung chính của văn bản mà Bộ Tài chính trình Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu phòng, chống dịch COVID-19.
Giữa tháng 7-2021, Bộ Tài chính nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ (VPCP) thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xử lý kiến nghị của Vingroup liên quan đến cơ chế xử lý các vấn đề về thuế áp dụng cho các hàng hóa liên quan đến hỗ trợ phòng chống COVID-19 (do khả năng dịch bệnh kéo dài) để tạo điều kiện xử lý nhanh, tránh phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng lần.
Bộ Tài chính sau đó đã xin ý kiến các Bộ Y tế, Tư pháp, Công Thương.
Hàng hóa cá nhân, tổ chức nhập khẩu để tài trợ, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được đề xuất miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Bộ Y tế cho rằng việc các Nhà tài trợ hỗ trợ trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán và các hàng hóa khác phục vụ công tác phòng, chống dịch đã góp phần chung tay cùng ngành y tế trong phòng chống dịch COVID-19.
Bộ này thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Công Thương cũng thống nhất ý kiến trên.
Bộ Tư pháp thì căn cứ vào quy định “hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại" thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng” trong Luật thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng để nêu ý kiến.
Bộ này cho rằng: có thể chấp nhận việc áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để hỗ trợ phòng, chống COVID-19 tương tự như trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Các bộ thống nhất trình Chính phủ ban hành Nghị quyết áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, các tỉnh, thành… phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
Cụ thể khoản 4, Điều 2, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2013 quy định “đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với… hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại”.
Khoản 19 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng quy định đối tượng không chịu thuế bao gồm: "Hàng hóa nhập khấu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại”.
Thời gian áp dụng đến khi có văn bản công bố hết dịch COVID-19 của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủ tục để áp dụng cũng được nêu rõ. Bộ Y tế, UBND, UB MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành ban hành văn bản phê duyệt tiếp nhận hàng hóa tài trợ cho phòng, chống COVID-19 theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân.
Cơ quan hải quan căn cứ văn bản phê duyệt nói trên để thực hiện thủ tục không thu thuế nhập khẩu theo quy định tại luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng nói trên và theo Nghị định 209/2013.
Các quy định được thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.